Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 291/BTTTT-VP
V/v trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Hải Dương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương

Hà Nội, ngày 28 tháng 01 năm 2022

 

Kính gửi:

- Văn phòng Chính phủ;
- UBND tỉnh Hải Dương.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) nhận được công văn số 424/VPCP-QHĐP ngày 18/01/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, trong đó có 01 kiến nghị của tỉnh Hải Dương liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông, nội dung kiến nghị như sau:

“Đề nghị sớm hoàn thiện hành lang pháp lý trong phát triển một số lĩnh vực như: khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tập thể, hộ kinh doanh”.

Sau khi nghiên cứu, Bộ TTTT có ý kiến trả lời như sau:

Nhận thức rõ nội hàm kinh tế số và xã hội số gắn liền với vai trò, vị trí và sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông, Bộ TTTT đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý phù hợp đáp ứng nhu cầu thực tế, đảm bảo thể chế pháp luật phải theo kịp sự phát triển: Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó giao Bộ TTTT “Xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số (sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005)”.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm xây dựng một Luật thống nhất, làm căn cứ pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý cho thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch theo 4 cấp độ để phổ cập sử dụng giao dịch điện tử trong tất cả các hoạt động giao dịch, đưa ra các quy định, chính sách thực hiện giao dịch điện tử rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống, đồng thời, có các quy định công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực. Các chính sách và các quy định cụ thể tại Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.

Hiện nay, Bộ TTTT đã xây dựng và trình Chính phủ Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử sửa đổi (thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005) để trình Quốc hội thông qua trong năm 2023. Bộ TTTT đã có văn bản số 5410/BTTTT-QLDN ngày 31/12/2021 gửi Bộ Tư Pháp về việc gửi hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sau khi tiếp thu ý kiến tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2022, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp Quốc hội tháng 10/2022.

- Bên cạnh đó, Bộ TTTT đang xây dựng và trình Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để đưa vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội năm 2023. Đề nghị xây dựng Luật có các chính sách: (i) Nhóm chính sách 1: Hoạt động công nghiệp công nghệ số, sản phẩm, dịch vụ công nghệ số (bao gồm các chính sách khái niệm, nội hàm về công nghệ số, công nghiệp công nghệ số; Phân loại hoạt động công nghiệp công nghệ số; Thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số mới; Quản lý sản phẩm trí tuệ nhân tạo; Quản lý sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trọng yếu; Phân loại và nguyên tắc quản lý tài sản số); (ii) Nhóm chính sách 2: Bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số (bao gồm các chính sách: Thị trường cho công nghiệp công nghệ số; vốn, đầu tư, ưu đãi cho công nghiệp công nghệ số; Phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; Phát triển dữ liệu số; Khu công nghệ thông tin tập trung; Phát triển trung tâm tính toán hiệu năng cao; Thâm nhập thị trường nước ngoài và kinh doanh sản phẩm, dịch vụ công nghệ số xuyên biên giới).

Với các chính sách như trên, Luật Công nghiệp công nghệ số được ban hành sẽ góp phần hoàn thiện khung pháp lý, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó có phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số trong thời gian tới.

Ngoài 02 dự án Luật trên, hiện tại Bộ TTTT cũng đang xây dựng 02 dự thảo Nghị định để tháo gỡ các điểm nghẽn cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, chuyển đổi số trong giai đoạn mới, cụ thể:

+ Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Nghị định là hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.

+ Dự thảo Nghị định quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng thay thế Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Nghị định là hành lang pháp lý quan trọng cho việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng; Bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập của Việt Nam với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, 02 dự thảo Nghị định đã được Bộ TTTT trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TTTT đối với kiến nghị của tỉnh Hải Dương, trân trọng gửi tới UBND tỉnh Hải Dương và Văn phòng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng;
- Các Vụ: CNTT; QLDN;
- Cục THH; Cổng TTĐT của Bộ;
- Lưu: VT, VP, TKTH.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Huy Dũng