Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2641/TCT-CS
V/v hóa đơn

Hà Nội, ngày 04 tháng 7 năm 2018

 

Kính gửi: Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA)

Tổng cục Thuế nhận được văn bản số 61/HTVT ngày 07/5/2018 của Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị về hóa đơn chứng từ. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

- Về việc cải cách chế độ hóa đơn chứng từ, tăng cường sử dụng hóa đơn điện tử, ngăn chặn tối đa các hành vi gian lận thuế

Ngày 15/5/2018, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Chính phủ số 47/TTr-BTC về dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn điện tử (sửa đổi), theo đó việc sửa đổi Nghị định về hóa đơn hướng tới mục tiêu: (i) Tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, góp phần hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán, đặc biệt là các giao dịch thanh toán của hoạt động kinh tế phi chính thức, thúc đẩy đồng bộ đề án không dùng tiền mặt; (ii) Từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, trong đó có thủ tục về quản lý, sử dụng hóa đơn, hướng tới hoạt động quản lý hóa đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hóa đơn để phòng, chống việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.

- Về nguyên tắc sử dụng hóa đơn

Theo quy định hiện hành tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP thì trường hợp bán hàng hóa, dịch vụ có tổng giá thanh toán dưới 200.000 đồng mỗi lần thì không phải lập hóa đơn, trừ trường hợp người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn.

Tuy nhiên, với mục tiêu áp dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, góp phần hạn chế việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán, đồng thời với sự phát triển của công nghệ thông tin thì việc lập hóa đơn điện tử cho mọi giao dịch phát sinh là hoàn toàn có thể thực hiện được. Do đó, tại dự thảo Nghị định quy định về hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ quy định người bán phải sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ (không quy định ngưỡng trên hay dưới 200.000 đồng).

- Về việc sử dụng mã số thuế làm gốc

Về nội dung này, Bộ Tài chính đã có công văn số 1781/BTC-TCT ngày 11/02/2014 hướng dẫn Cục Thuế các tỉnh, thành phố như sau:

Trường hợp doanh nghiệp viết hóa đơn chỉ sai về “hình thức” như: hàng hóa xuất khẩu tại chỗ đã sử dụng hóa đơn GTGT; hóa đơn viết tắt tên, địa chỉ người mua hàng nhưng đúng MST; viết hóa đơn nhưng chưa gạch chéo đúng quy định phần trống thì Bộ Tài chính yêu cầu các Cục thuế kiểm tra thực tế nếu hóa đơn đã lập phù hợp với sổ kế toán, phản ánh đúng bản chất kinh tế, có thanh toán qua ngân hàng theo quy định thì Cục thuế hướng dẫn nhắc nhở doanh nghiệp và thực hiện hoàn thuế hoặc cho khấu trừ theo đúng thực tế phát sinh.

Đồng thời, ngày 27/02/2015 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014, trong đó tại Khoản điểm b Khoản 7 Điều 3 hướng dẫn như sau:

“b) Tiêu thức “Tên, địa chỉ, mã số thuế của người bán”, “tên, địa chỉ, mã số thuế của người mua”

Người bán phải ghi đúng tiêu thức “mã số thuế” của người mua và người bán.

Tiêu thức “tên, địa chỉ” của người bán, người mua phải viết đầy đủ, trường hợp viết tắt thì phải đảm bảo xác định đúng người mua, người bán.

Trường hợp tên, địa chỉ người mua quá dài, trên hóa đơn người bán được viết ngắn gọn một số danh từ thông dụng như: “Phường” thành “P” “Quận” thành “Q”, “Thành phố” thành “TP”, “Việt Nam” thành “VN” hoặc “Cổ phần” là “CP”, “Trách nhiệm Hữu hạn” thành “TNHH”, “khu công nghiệp” thành “KCN”, “sản xuất” thành “SX”, “Chi nhánh” thành “CN”... nhưng phải đảm bảo đầy đủ số nhà, tên đường phố, phường, xã, quận, huyện, thành phố, xác định được chính xác tên, địa chỉ doanh nghiệp và phù hợp với đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế của doanh nghiệp.

Trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót về tên, địa chỉ người mua nhưng ghi đúng mã số thuế người mua thì các bên lập biên bản điều chỉnh và không phải lập hóa đơn điều chỉnh. Các trường hợp hóa đơn đã lập có sai sót khác thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 20 Thông tư số 39/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính.”

Tổng cục Thuế xin ghi nhận các kiến nghị, ý kiến đóng góp của Hội Tư vấn thuế Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách về hóa đơn trong thời gian tới.

Tổng cục Thuế có ý kiến để Hội Tư vấn thuế Việt Nam được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên
- Phó TCTr Cao Anh Tuấn (để báo cáo);
- Văn phòng - TCT (để biết);
- Vụ PC - BTC;
- Vụ PC - TCT;
- Website TCT;
- Lưu: VT, CS (3b)

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2641/TCT-CS năm 2018 về hóa đơn chứng từ do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 2641/TCT-CS
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/07/2018
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Lưu Đức Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản