Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 257/TCT-CS | Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2024 |
Kính gửi: | - Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh; |
Tổng cục Thuế nhận được công văn số 10919/CTTPHCM-TTKT2 ngày 11/9/2023 của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh và công văn số 01-08/2023/CV-TB ngày 08/8/2023 của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình về chính sách thuế. Về nội dung này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
1. Về gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp
a) Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định về gia hạn nộp thuế như sau:
- Điều 62 quy định:
“Điều 62. Gia hạn nộp thuế
1. Việc gia hạn nộp thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Bị thiệt hại vật chất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh do gặp trường hợp bất khả kháng quy định tại khoản 27 Điều 3 của Luật này;
b) Phải ngừng hoạt động do di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến kết quả sản xuất, kinh doanh.
2. Người nộp thuế thuộc trường hợp được gia hạn nộp thuế quy định tại khoản 1 Điều này được gia hạn nộp thuế một phần hoặc toàn bộ tiền thuế phải nộp.
3. Thời gian gia hạn nộp thuế được quy định như sau:
a) Không quá 02 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Không quá 01 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
4. Người nộp thuế không bị phạt và không phải nộp tiền chậm nộp tính trên số tiền nợ thuế trong thời gian gia hạn nộp thuế.
5. Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp căn cứ hồ sơ gia hạn nộp thuế để quyết định số tiền thuế được gia hạn, thời gian gia hạn nộp thuế.”
- Khoản 27 Điều 3 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
…
27. Trường hợp bất khả kháng bao gồm:
a) Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do gặp thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ;
b) Các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ.”
- Điều 63 quy định:
“Điều 63. Gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt
Chính phủ quyết định việc gia hạn nộp thuế cho các đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt trong từng thời kỳ nhất định. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.”
b) Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2023 của Chính phủ quy định về gia hạn nộp thuế như sau:
- Điều 3 quy định:
“Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Người nộp thuế bị thiệt hại về vật chất do nguyên nhân bất khả kháng khác quy định tại điểm b khoản 27 Điều 3 Luật Quản lý thuế, bao gồm: chiến tranh, bạo loạn, đình công phải ngừng, nghỉ sản xuất, kinh doanh hoặc rủi ro không thuộc nguyên nhân, trách nhiệm chủ quan của người nộp thuế mà người nộp thuế không có khả năng nguồn tài chính nộp ngân sách nhà nước.
2. Các từ ngữ được quy định tại Nghị định này có nghĩa như quy định của Luật Quản lý thuế.”
- Điều 19 quy định:
“Điều 19. Gia hạn nộp thuế trong trường hợp đặc biệt
Trong từng thời kỳ nhất định, khi đối tượng, ngành, nghề kinh doanh gặp khó khăn đặc biệt thì Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ quy định đối tượng, loại thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, thời gian, trình tự thủ tục, thẩm quyền, hồ sơ gia hạn nộp thuế. Việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định.”
Trường hợp khó khăn của Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình không thuộc các trường hợp được gia hạn quy định tại Điều 62 Luật Quản lý thuế và không thuộc các trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 63 Luật Quản lý thuế và Điều 19 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP nên không có cơ sở để xem xét gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp như đề nghị của Công ty. Vì vậy, Tổng cục Thuế đề nghị Công ty thực hiện theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế.
2. Về việc thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các hợp đồng xuất khẩu sang Cuba do chậm thanh toán
a) Luật Thuế giá trị gia tăng quy định về khấu trừ, hoàn thuế như sau:
- Điều 12 quy định về khấu trừ, hoàn thuế như sau:
“Điều 12. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào như sau:
a) Thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế giá trị gia tăng đầu vào không được bồi thường của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng bị tổn thất;
…
2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được quy định như sau:
a) Có hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu nhập khẩu;
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, trừ hàng hóa, dịch vụ mua từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng;
c) Đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, ngoài các điều kiện quy định tại điểm a và điểm b khoản này còn phải có; hợp đồng ký kết với bên nước ngoài về việc bán, gia công hàng hóa, cung ứng dịch vụ; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ; chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt; tờ khai hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu.
Việc thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu dưới hình thức thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu, trả nợ thay Nhà nước được coi là thanh toán không dùng tiền mặt.”
- Điều 13 quy định về các trường hợp hoàn thuế:
“Điều 13. Các trường hợp hoàn thuế
…
2. Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý, ...”
b) Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, Nghị định số 12/2015/NĐ-CP, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP của Chính phủ) quy định:
- Điều 9 quy định khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:
“Điều 9. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào
Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào được thực hiện theo quy định tại Điều 12 Luật thuế giá trị gia tăng và Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng.
…
2. Điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào:
…
b) Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu, trừ trường hợp tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào, nhập khẩu từng lần có giá trị dưới 20 triệu đồng.
Đối với hàng hóa, dịch vụ mua trả chậm, trả góp có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua hàng hóa, dịch vụ, hóa đơn giá trị gia tăng và chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt của hàng hóa dịch vụ mua trả chậm, trả góp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào. Trường hợp chưa có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt do chưa đến thời điểm thanh toán theo hợp đồng thì cơ sở kinh doanh vẫn được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.”
- Khoản 3 Điều 10 quy định hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu:
“3. Cơ sở kinh doanh trong tháng (đối với trường hợp kê khai theo tháng), quý (đối với trường hợp kê khai theo quý) có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu bao gồm cả trường hợp: Hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu ra nước ngoài, có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý; trường hợp trong tháng, quý số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ chưa đủ 300 triệu đồng thì được khấu trừ vào tháng, quý tiếp theo; trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế. Cơ sở kinh doanh phải hạch toán riêng số thuế giá trị gia tăng đầu vào sử dụng cho sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, trường hợp không hạch toán riêng được thì số thuế giá trị gia tăng đầu vào xác định theo tỷ lệ giữa doanh thu của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu trên tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của các kỳ khai thuế giá trị gia tăng tính từ kỳ khai thuế tiếp theo kỳ hoàn thuế liền trước đến kỳ đề nghị hoàn thuế hiện tại.
c) Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định về hợp đồng như sau:
- Điều 385 quy định:
“Điều 385. Khái niệm hợp đồng
Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
- Điều 401 quy định:
“Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”
- Điều 403 quy định:
“Điều 403. Phụ lục hợp đồng
1. Hợp đồng có thể có phụ lục kèm theo để quy định chi tiết một số điều khoản của hợp đồng. Phụ lục hợp đồng có hiệu lực như hợp đồng. Nội dung của phụ lục hợp đồng không được trái với nội dung của hợp đồng.
2. Trường hợp phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với nội dung của điều khoản trong hợp đồng thì điều khoản này không có hiệu lực, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp các bên chấp nhận phụ lục hợp đồng có điều khoản trái với điều khoản trong hợp đồng thì coi như điều khoản đó trong hợp đồng đã được sửa đổi.”
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp đến hạn thanh toán của hợp đồng, phụ lục hợp đồng xuất khẩu của Công ty mà Công ty không cung cấp được chứng từ đã thanh toán là không đảm bảo điều kiện về khấu trừ, hoàn thuế GTGT. Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh thực hiện thu hồi số tiền thuế đã hoàn và xử lý theo đúng quy định của Luật Thuế GTGT, Luật Quản lý thuế.
Tổng cục Thuế trả lời để Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Thái Bình và Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh được biết và thực hiện./.
| TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Công văn 233/TCT-CS năm 2024 chính sách lệ phí trước bạ do Tổng cục Thuế ban hành
- 2Công văn 236/TCT-CS năm 2024 giải đáp chính sách tiền thuê đất do Tổng cục Thuế ban hành
- 3Công văn 243/TCT-CS năm 2024 chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 4Công văn 918/BTC-TCT năm 2024 chính sách thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 5Công văn 660/TCT-CS năm 2024 chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 1Luật Thuế giá trị gia tăng 2008
- 2Luật thuế giá trị gia tăng sửa đổi năm 2013
- 3Nghị định 209/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng
- 4Nghị định 91/2014/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định quy định về thuế
- 5Nghị định 12/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế
- 6Bộ luật dân sự 2015
- 7Nghị định 146/2017/NĐ-CP về sửa đổi Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 12/2015/NĐ-CP
- 8Luật Quản lý thuế 2019
- 9Nghị định 126/2020/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế
- 10Công văn 233/TCT-CS năm 2024 chính sách lệ phí trước bạ do Tổng cục Thuế ban hành
- 11Công văn 236/TCT-CS năm 2024 giải đáp chính sách tiền thuê đất do Tổng cục Thuế ban hành
- 12Công văn 243/TCT-CS năm 2024 chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- 13Công văn 918/BTC-TCT năm 2024 chính sách thuế do Bộ Tài chính ban hành
- 14Công văn 660/TCT-CS năm 2024 chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
Công văn 257/TCT-CS năm 2024 chính sách thuế do Tổng cục Thuế ban hành
- Số hiệu: 257/TCT-CS
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 19/01/2024
- Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
- Người ký: Lưu Đức Huy
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 19/01/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra