Hệ thống pháp luật

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 250/UBDT-CSDT
V/v trả lời kiến nghị của địa phương

Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2021

 

Kính gửi:

- Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình;
- Văn phòng Chính phủ.

Ủy ban Dân tộc nhận được văn bản số 96/VPCP-QHĐP ngày 06/1/2021 của Văn phòng Chính phủ đề nghị trả lời kiến nghị của tỉnh Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28 tháng 12 năm 2020: "Tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP, 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ có quy định tiêu chí thành lập Ban Dân tộc ở cấp tỉnh, phòng Dân tộc ở cấp huyện, trong đó có tiêu chí: ‘Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại’; tuy nhiên, là tỉnh không có đường biên giới trên bộ, trên biển nên không đáp ứng được tiêu chí để thành lập Ban Dân tộc ở cấp tỉnh và phòng Dân tộc ở cấp huyện, trong khi đó tỉnh Hòa Bình có trên 74% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, yêu cầu và khối lượng nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh lớn, đòi hỏi phải có bộ máy chuyên trách. Do đó, kính đề nghị Chính phủ xem xét, hướng dẫn hoặc sửa đổi tiêu chí trên trong số các tiêu chí thành lập cơ quan công tác dân tộc ở địa phương cho phù hợp với thực tế". Về vấn đề này, Ủy ban Dân tộc đã làm việc với Bộ Nội vụ; căn cứ các quy định hiện hành thì việc thành lập Ban Dân tộc ở cấp tỉnh, phòng Dân tộc ở cấp huyện tại các địa phương cụ thể như sau:

1. Căn cứ theo khoản 10 Điều 1 Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Có ít nhất 10.000 người dân tộc thiểu số sống tập trung thành cộng đồng, lảng, bản;

b) Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;

c) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

2. Căn cứ theo khoản 10 Điều 1 Nghị định số 108/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 05/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương, Phòng Dân tộc được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

a) Có ít nhất 5.000 người dân tộc thiểu số đang cần Nhà nước tập trung giúp đỡ, hỗ trợ phát triển;

b) Có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn xung yếu về an ninh, quốc phòng; địa bàn xen canh, xen cư; biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số nước ta và nước láng giềng thường xuyên qua lại.

Như vậy, tiêu chí a, b (Ban Dân tộc) và a (Phòng Dân tộc) là bắt buộc; còn tiêu chí c (Ban Dân tộc) và b (Phòng Dân tộc) chỉ cần một trong các tiêu chí sau mỗi dấu chấm phẩy (;). Quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP và 108/2020/NĐ-CP của Chính phủ rất rõ ràng và cụ thể, không cần hướng dẫn thêm. Đề nghị các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi căn cứ điều kiện cụ thể để triển khai thực hiện.

Trên đây là ý kiến trả lời kiến nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình. Ủy ban Dân tộc xin trân trọng thông báo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
THỨ TRƯỞNG, PHÓ CHỦ NHIỆM




Hoàng Thị Hạnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 250/UBDT-CSDT năm 2021 trả lời kiến nghị của địa phương về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 250/UBDT-CSDT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 09/02/2021
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Hoàng Thị Hạnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/02/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản