Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2104/BNN-TCLN
V/v: thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2020.

Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2012

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Phúc đáp văn bản số 2642/UBND-NN ngày 11/5/2012 của UBND thành phố Hải Phòng về việc đề nghị thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

I. NHẬN XÉT KẾT QUẢ QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỀN RỪNG THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

1. Về cơ sở pháp lý, khoa học, độ tin cậy của các nguồn thông tin, tư liệu sử dụng, phương pháp sử dụng và nội dung được giải quyết trong bản quy hoạch

- Báo cáo Quy hoạch Bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011-2020 được xây dựng đúng theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNNPTNT ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lập quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh.

- Các thông tin dữ liệu, nội dung trong báo cáo đã kế thừa tài liệu, kết hợp điều tra bổ sung số liệu thực địa về tình hình phát triển lâm nghiệp tại địa phương.

2. Về sự phù hợp của quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng với Chiến lược phát triển Lâm nghiệp và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thành phố Hải Phòng

Bản quy hoạch bảo vệ bà phát triển rừng của thành phố đã quan tâm theo hướng trồng rừng, bảo vệ rừng kết hợp với khai thác và chế biến lâm sản theo hướng bền vững, báo cáo cơ bản phù hợp với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020 và Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020.

3. Về các mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ phát triển rừng và các giải pháp thực hiện quy hoạch

3.1. Mục tiêu

 - Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững quỹ đất quy hoạch cho lâm nghiệp, trên cơ sở bảo vệ toàn bộ diện tích rừng hiện có, trồng bổ sung làm giàu rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng tự nhiên và đẩy mạnh trồng mới rừng, trồng cây lâm nghiệp phân tán trên quỹ đất tận dụng.

- Thu hút mọi nguồn lực xã hội và sự tham gia của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư kinh phí để bảo vệ và phát triển rừng, tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp 4% giai đoạn 2011 – 2015 và 3,5% giai đoạn 2016-2020 và ổn định vào những năm sau, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến lâm sản.

- Nâng cao nhận thức, mức sống của người dân làm nghề rừng, bảo vệ vững chắc hệ thống đê điều, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo cảnh quan, bảo tồn các nguồn gen quý hiếm, bảo tồn đa dạng sinh học. Thúc đẩy kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố phát triển, góp phần giữ vững về an ninh chính trị, quốc phòng của thành phố và trong khu vực.

- Độ che phủ của rừng đạt 20,3% (trong đó: rừng tập trung 13,7%, cây phân tán nông thôn 5,2%, cây xanh đô thị 1,4%) vào năm 2015; đạt 25,6% vào năm 2020 (rừng tập trung 15,6%, cây phân tán nông thôn 7,0%, cây xanh đô thị 3,0%).

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị địa phương xem xét không đưa diện tích trồng cây phân tán và cây xanh đô thị để tính diện tích rừng và độ che phủ. Việc xác định diện tích rừng cần được tính trên cơ sở quy định tại Điều 3, Thông tư 34/2009/TT-BNNPTNT ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng.

3.2. Một số nhiệm vụ chủ yếu

a) Về quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị địa phương:

- Bổ sung số liệu về kết quả bồi tụ ở các bãi bồi ven sông, ven biển thành bãi triều cao (đủ điều kiện có thể trồng rừng) theo từng năm trong giai đoạn 2002 – 2010 để làm căn cứ dự báo, xác định diện tích được bồi tụ hàng năm có thể bổ sung vào diện tích trồng rừng phòng hộ trong giai đoạn 2011 – 2020.

- Đối với việc điều chỉnh giảm diện tích đất đã được quy hoạch cho lâm nghiệp sang mục đích xây dựng cảng sông, khu đô thị, thực hiện các dự án phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương,…; cần chấp hành nghiêm theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, có đánh giá tác động của việc chuyển đổi, đồng thời làm rõ trong báo cáo quy hoạch về vị trí, địa điểm, kế hoạch trồng rừng thay thế theo quy định của của Luật bảo vệ và phát triển rừng và quy định cụ thể tại Điều 29, Nghị định 23/2006/NĐ-CP ngày 23/3/2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng.

- Việc quy hoạch sử dụng đất cần xem xét đến các chỉ tiêu về diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc trưng đã được Thủ tướng Chính phủ phân bổ tại Văn bản số 23/CP-KTN ngày 23/02/2012.

b) Về bảo vệ rừng: Báo cáo cần bổ sung quy hoạch về tổ chức, xây dựng lực lượng tham gia quản lý bảo vệ rừng của địa phương; quy hoạch về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng phục vụ công tác quản lý và bảo vệ rừng.

c) Về phát triển rừng

- Phát triển rừng đặc dụng: Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung cây lâm nghiệp: 2.235,0 ha; Khoanh nuôi tái sinh tự nhiên: 15.633,3 lượt ha; Trồng rừng mới trên đất chưa có rừng (trạng thái Ia, Ib, Ic): 100,0 ha; Nâng cấp rừng trồng tại trung tâm vườn quốc gia: 156,0 ha.

- Phát triển rừng phòng hộ môi trường đồi núi: Trồng rừng mới: 840,1 ha; Nâng cấp rừng trồng: 2.009,6 ha; Trồng cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng: 3.072,0 ha.

- Phát triển rừng phòng hộ ven biển, cửa sông: Trồng rừng mới trong hành lang bảo vệ đê biển: 62,0 ha; Nâng cấp rừng trồng trong hàng lang bảo vệ đê biển 211,0 ha.

- Phát triển rừng ngoài hàng lang bảo vệ đê biển: Trồng rừng mới ngoài hành lang bảo vệ đê biển: 3.677,7 ha; Nâng cấp rừng trồng ngoài hành lang bảo vệ đê biển: 482,3 ha.

Báo cáo cần xác định rõ vị trí, đối tượng dự kiến trồng và nâng cấp rừng trồng tại Vườn quốc gia Cát Bà, đảm bảo thực hiện theo đúng quy chế quản lý rừng ban hành kèm theo Quyết định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung danh mục loài cây triển vọng để thực hiện nhiệm vụ nâng cấp rừng trồng (rừng ngập mặn ven biển, rừng đặc dụng và rừng phòng hộ đồi núi).

d) Về khai thác gỗ và lâm sản

Đề nghị bổ sung phương thức, phương pháp và biện pháp kỹ thuật khai thác được áp dụng; xác định rõ cường độ khai thác, trữ lượng tối đa được phép khai thác tận dụng/ha.

đ) Về quy hoạch chế biến gỗ

Rà soát lại các cơ sở chế biến hiện có, đầu tư cải tạo nâng cấp nhà xưởng, thay thế dây chuyền công nghệ hiện đại. Phát triển công nghệp chế biến lâm sản gắn với bảo vệ môi trường, gắn với công nghệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

e) Về giải pháp thực hiện

Báo cáo cần bổ sung giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức; giải pháp về khoa học công nghệ và khuyến lâm cần đặc biệt chú trọng chọn tạo giống mới chất lượng cao cho trồng rừng phòng hộ ven biển cửa sông, có đề xuất cụ thể về loài cây, cơ cấu loài cây chủ yếu cho công tác nghiên cứu, chọn và khảo nghiệm giống; Hoàn thiện và xây dựng mới quy trình, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng phòng hộ ven biển.

4. Về khả năng huy động nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch

Theo báo cáo quy hoạch của tỉnh, tổng nhu cầu kinh phí dự kiến là 478.185,1 triệu đồng, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước: 228.917,9 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 47,1%; vốn vay, vốn tự có: 225.248,5 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 52,3%.

Khi có điều chỉnh về quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp, đề nghị địa phương cần tính toán lại dự toán cho phù hợp với các hạng mục đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư để thực hiện quy hoạch nên tính toán theo từng Dự án cụ thể và tập trung theo hướng huy động vốn ngoài xã hội, giảm dần đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đặc biệt xem xét khả năng sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ môi trường rừng để chi cho các hoạt động quản lý bảo vệ rừng.

II. ĐÁNH GIÁ BẢN BÁO CÁO QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG

Báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 – 2020 được xây dựng dựa theo hướng dẫn tại Thông tư số 05/2008/TT-BNNPTNT ngày 14/01/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng. Các nội dung trong báo cáo cơ bản đã được đề cập nhưng chưa đầy đủ và chặt chẽ; báo cáo cần bổ sung thêm một số nội dung, cập nhật các thông tin, dữ liệu và hoàn chỉnh để phê duyệt (chi tiết tại Văn bản thẩm định số 909/TCLN-KHTC ngày 05 tháng 7 năm 2012 của Tổng cục Lâm nghiệp kèm theo).

Căn cứ vào các nhận xét, đánh giá nêu trên, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tổ chức, chỉ đạo bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2020 của địa phương trước khi trình Hội đồng nhân dân Thành phố thông qua và phê duyệt theo quy định hiện hành.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để b/c);
- Sở Nông nghiệp và PTNT Tp Hải Phòng;
- Lưu: VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đăng Khoa

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2104/BNN-TCLN thẩm định Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng thành phố Hải Phòng giai đoạn 2011 - 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 2104/BNN-TCLN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/07/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Đăng Khoa
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/07/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản