Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
CỤC QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG NÔNG LÂM SẢN VÀ THỦY SẢN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 203/QLCL-TTPC
V/v xử lý kiến nghị của địa phương

Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2014

 

Kính gửi: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 80/BNN-VP ngày 10/01/2014 về việc giao nhiệm vụ xử lý kiến nghị của các địa phương tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, như sau:

NỘI DUNG KIẾN NGHỊ:

Đề nghị Bộ hỗ trợ tỉnh nghiên cứu phòng chống dịch hại trên rau, hoa (do trên 90% sử dụng giống nhập khẩu). Quản lý chặt chẽ chất độc hại và vệ sinh an toàn thực phẩm.

TRẢ LỜI:

1. Kiến nghị về việc hỗ trợ tỉnh nghiên cứu phòng chống dịch hại trên rau, hoa (do trên 90% sử dụng giống nhập khẩu).

Nội dung kiến nghị này, Cục Bảo vệ thực vật trả lời theo thẩm quyền và phân công tại Văn bản số 80/BNN-VP ngày 10/01/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Kiến nghị về quản lý chặt chẽ chất độc hại và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để quản lý chặt chẽ các chất độc hại và vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), theo thẩm quyền của Bộ trưởng đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo tập trung các giải pháp sau:

a) Ban hành Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN và sản phẩm nông lâm thủy sản; chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đánh giá, công khai kết quả phân loại các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản theo Thông tư 14 trên phạm vi cả nước theo các mức độ A/B/C. Các cơ quan quản lý nhà nước hướng dẫn và kiểm tra lại các cơ sở loại C (chưa đạt) về việc khắc phục các sai lỗi, yếu kém để trở thành cơ sở loại B (đạt) và A (tốt); nếu cơ sở không khắc phục sẽ đề nghị cơ quan chức năng thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.

b) Ban hành Chỉ thị 167/CT-BNN-TTr ngày 20/01/2014 về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng VTNN và ATTP nông lâm thuỷ sản; chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ và theo hệ thống ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất kinh doanh VTNN, sản phẩm nông lâm thủy sản thuộc phạm vi quản lý của ngành; lấy mẫu kiểm tra chất lượng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về chất lượng, vệ sinh ATTP.

c) Năm 2014 và các năm tiếp theo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tập trung triển khai một số các giải pháp sau:

- Đổi mới phương thức quản lý: rà soát điều chỉnh, cải tiến quy trình, thủ tục về đăng ký lưu hành, thử nghiệm, khảo nghiệm VTNN (trong đó có các chất độc hại) để đưa vào danh mục được phép lưu hành theo hướng đơn giản hóa, hài hòa với chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

- Rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các văn bản quy phạm pháp luật tạo cơ sở pháp lý, kỹ thuật triển khai kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm.

- Tăng cường phổ biến, tuyên truyền pháp luật về chất lượng, vệ sinh ATTP, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát và kiểm tra việc triển khai thực hiện của các địa phương.

- Triển khai toàn diện, thực chất Thông tư 14/2011/TT-BNNPTNT (thống kê kiểm tra hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập trung kiểm tra cơ sở loại C, xử lý cơ sở loại C kể cả đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh nếu không sửa chữa, nâng cấp).

- Xây dựng cơ chế và chương trình phối hợp giám sát chất lượng VTNN, vệ sinh ATTP nhằm huy động giám sát bởi người dân và các đoàn thể tại các cấp, đặc biệt là cấp xã; phát hiện và kịp thời cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng thanh tra/ điều tra xử lý vi phạm đối với VTNN kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo an toàn thực phẩm.

- Tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, đột xuất, điều tra xác minh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; các sản phẩm nông lâm thủy sản không đảm bảo ATTP.

- Xây dựng lực lượng, tăng cường năng lực: Tổ chức đào tạo/tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ trong Ngành làm công tác quản lý, kiểm tra, kiểm nghiệm, thanh tra chuyên ngành chất lượng VTNN, vệ sinh ATTP nông lâm thủy sản; triển khai xây dựng, nâng cấp một số phòng kiểm nghiệm của Bộ để có thể phân tích trên tất cả các nền mẫu với hầu hết các chỉ tiêu chất lượng chính, ATTP.

Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản xin cảm ơn sự quan tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng trong công tác quản lý nhà nước về chất độc hại và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trân trọng./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- UBND tỉnh Lâm Đồng (để b/c);
- Bộ NNPTNT (VP Bộ - để b/c);
- Lưu: VT, TTPC.

CỤC TRƯỞNG




Nguyễn Như Tiệp

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 203/QLCL-TTPC năm 2014 xử lý kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng do Cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản ban hành

  • Số hiệu: 203/QLCL-TTPC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 14/02/2014
  • Nơi ban hành: Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản
  • Người ký: Nguyễn Như Tiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/02/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản