Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 167/CT-BNN-TTr

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THANH TRA, KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP VÀ AN TOÀN THỰC PHẨM NÔNG LÂM THỦY SẢN

Thời gian qua, toàn Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tích cực triển khai công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Kết quả triển khai đã đạt được những kết quả tích cực, làm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng, cơ sở sản xuất, kinh doanh và tạo được sự đồng tình của dư luận xã hội.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vẫn diễn ra hết sức phức tạp trên địa bàn cả nước. Để xảy ra tình trạng trên một phần do công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm còn chưa được chú trọng; chất lượng các cuộc kiểm tra, thanh tra chưa cao; công tác xử lý vi phạm hành chính còn chưa kịp thời, thiếu tính răn đe, chưa truy xuất đến cùng nguồn gốc các sản phẩm vi phạm và xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành trong năm 2014 và các năm tiếp theo. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành có liên quan thực hiện các nội dung công việc sau:

1. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; chú trọng việc tuyên truyền, phổ biến Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ Quy định việc xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm.

2. Tổ chức xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra chuyên ngành trong năm 2014 và các năm tiếp theo, tập trung vào lĩnh vực chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm có trọng tâm, trọng điểm từ cơ sở sản xuất, chế biến đến kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm:

- Đối với chất lượng vật tư nông nghiệp: Thanh tra, kiểm tra giống cây trồng kể cả cây lâm nghiệp, giống vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, phân bón, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản.

- Đối với an toàn thực phẩm: Thanh tra, kiểm tra các loại sản phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người như rau, củ, quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản; thịt gia súc, gia cầm, thủy sản không rõ nguồn gốc, chứa tồn dư hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng cho phép hoặc chất cấm.

- Tăng cường tần suất thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở được đánh giá xếp loại C theo Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đặc biệt chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm là nguyên nhân quan trọng làm ô nhiễm thịt. Qua công tác thanh tra, kiểm tra cần phát hiện loại sản phẩm, công đoạn nào trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ có nhiều sai phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm để tập trung xử lý triệt để.

3. Phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành có liên quan như Sở Công an, Sở Công thương, Sở Y tế tổ chức các Đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở, đại lý sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, các chợ đầu mối và chợ buôn bán các mặt hàng nông sản, thực phẩm có nguy cơ cao ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

4. Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm theo các quy định của pháp luật, trong đó chú trọng các nội dung sau:

- Truy xuất nguồn gốc, xử lý tận gốc lô hàng, sản phẩm không đảm bảo chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

- Thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng loại sản phẩm; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh có vi phạm.

- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh của các tổ chức tái phạm.

- Chuyển hồ sơ các vụ việc vi phạm với tính chất và mức độ nghiêm trọng cho cơ quan Công an để xử lý theo pháp luật.

5. Thủ trưởng các đơn vị tăng cường kiểm tra, trách nhiệm thực thi công vụ của các cán bộ, công chức, viên chức trực thuộc đơn vị; xử lý nghiêm theo pháp luật đối với cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn có hành vi bao che, thông đồng, bảo kê.

6. Tập trung nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí nhằm kiện toàn bộ máy tổ chức và thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

7. Trong quá trình triển khai, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao các đơn vị thuộc Bộ thực hiện các nhiệm vụ sau:

- Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường chủ trì phối hợp với các Tổng cục, Cục, Vụ và địa phương cập nhật các thông tin qua công tác thanh tra, kiểm tra để rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

- Báo Nông nghiệp Việt Nam: Tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên đăng tải các tin, bài và phóng sự về các điển hình tiên tiến, các cơ sở vi phạm pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm.

- Thanh tra Bộ: Chủ trì phối hợp với Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản và các Tổng cục, Cục chuyên ngành đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành; hướng dẫn các địa phương xử lý các trường hợp vi phạm về chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm phức tạp xảy ra liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều địa phương khác nhau. Tổng hợp kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị của các địa phương và các đơn vị thuộc Bộ và báo cáo Bộ trưởng định kỳ 6 tháng/lần.

Đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, báo cáo kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ (để b/c);
- Thanh tra Chính phủ (để ph/h chỉ đạo);
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (để ph/h);
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: Y tế, Công an, Công thương (để ph/h);
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư;
- Các Tổng cục; Cục, Vụ, Văn phòng Bộ;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư;
- Lưu: VT, TTr.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 167/CT-BNN-TTr năm 2014 tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 167/CT-BNN-TTr
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/01/2014
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Cao Đức Phát
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/01/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản