Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2024/BVHTTDL-TV
V/v hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống thư viện công cộng

Hà Nội, ngày 15 tháng 05 năm 2018

 

Kính gửi: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0) đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội nói chung, đặt ra nhiều thách thức đối với ngành thông tin - thư viện nói riêng, ứng dụng công nghệ thâm nhập vào quá trình vận hành thư viện đã làm thay đổi phương thức quản lý của nhà nước, phương thức vận hành của các thư viện và thói quen sử dụng thư viện của người dùng; thư viện số đang trở thành xu hướng phát triển mạnh thời đại CMCN 4.0.

Để tăng cường năng lực tiếp cận và chủ động tham gia CMCN 4.0 của các thư viện, đồng thời hoàn thành các mục tiêu đặt ra tại đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” và “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao:

1. Rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách hoặc đề án nhằm tạo điều kiện, khuyến khích hệ thống thư viện công cộng (TVCC) địa phương tiến hành hiện đại hóa thư viện. Đẩy mạnh việc xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực thư viện (xây dựng thư viện số, số hóa tài liệu) phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương.

2. Chỉ đạo hệ thống TVCC tập trung triển khai các nội dung sau:

a) Tiếp tục kiện toàn, củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị của hệ thống thư viện, phòng đọc, tủ sách... Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quy trình nghiệp vụ thư viện, giảm lao động thủ công, đảm bảo tính quy chuẩn, chuyên nghiệp hóa trong quá trình xử lý thông tin, nghiệp vụ. Nghiên cứu, áp dụng và phát triển các phần mềm thư viện trong quản lý và tổ chức khai thác tài liệu, quản lý, theo dõi người sử dụng thư viện (bao gồm việc cấp thẻ thư viện).

b) Nâng cao chất lượng công tác xây dựng và phát triển vốn tài liệu của thư viện; chú trọng đa dạng hóa và tăng tỷ lệ vốn tài liệu điện tử, tài liệu số trong tổng vốn tài liệu của thư viện nhằm nâng cao khả năng cung ứng tài liệu với mọi dạng thức cho người đọc không giới hạn về không gian và thời gian.

Căn cứ điều kiện, lộ trình phát triển của địa phương để bổ sung phát triển vốn tài liệu điện tử theo các phương thức: tự tiến hành số hóa nguồn tư liệu in của thư viện; bổ sung, tích hợp nguồn tin điện tử thông qua việc mua, trao đổi tài liệu điện tử đang được xuất bản hoặc xây dựng các liên kết tạo khả năng truy cập đến các nguồn tài liệu trực tuyến trên internet.

Việc xây dựng bộ sưu tập số đảm bảo yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật, có khả năng chia sẻ phục vụ cộng đồng và thuận lợi trong liên kết với các thư viện khác để hình thành nên các cơ sở dữ liệu lớn (BigData).

c) Đổi mới hoạt động của thư viện từ việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ: chú trọng việc xây dựng các sản phẩm thông tin có giá trị gia tăng; hướng dẫn kỹ năng tra cứu, phương pháp khai thác sử dụng thông tin cho người sử dụng; triển khai các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, tạo lập các sản phẩm thông tin (thư mục, tổng quan, bài trích và một số dạng thức cung cấp thông tin khác); tham gia các tổ chức thư viện trong nước và quốc tế nhằm trao đổi tài liệu và liên thông với các thư viện để tăng cường nguồn vốn tài liệu.

Tập trung đầu tư để thư viện cấp tỉnh giữ vai trò là đầu mối trong hoạt động liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin với các loại hình thư viện khác trên địa bàn.

d) Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ thư viện đáp ứng yêu cầu về triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện.

3. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá để huy động mọi nguồn lực của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tăng cường đầu tư cho việc ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực thư viện.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố chỉ đạo các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao, hệ thống thư viện công cộng nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung nêu trên và có văn bản báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Sở VHTTDL/Sở VHTT (để thực hiện)
- Thư viện cấp tỉnh (để thực hiện);
- Lưu: VT, TV, TT.200

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ
TRƯỞNG




Trịnh Thị Thủy

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 2024/BVHTTDL-TV năm 2018 về hiện đại hóa, nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống thư viện công cộng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành

  • Số hiệu: 2024/BVHTTDL-TV
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/05/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Thể thao và du lịch
  • Người ký: Trịnh Thị Thủy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản