Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1958/BCA-V03
V/v xử lý phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Thực phẩm Hàn Quốc Vina

Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2019

 

Kính gửi: Văn phòng Chính phủ

Ngày 15/6/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5285/VPCP-ĐMDN đề nghị Bộ Công an nghiên cứu, xem xét, trả lời phản ánh, kiến nghị của Công ty TNHH Thực phẩm Hàn Quốc Vina (địa chỉ tại khu phố Trang Liệt, phường Trang Hà, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) về quy định liên quan đến nghiệm thu bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Về vấn đề này, Bộ Công an trả lời như sau:

1. Về việc kiểm tra nghiệm thu việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống phòng cháy, chữa cháy

Điểm d, Khoản 3, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy quy định: “Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện phòng cháy và chữa cháy”.

Khoản 1, Điều 40, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy quy định: “Phương tiện phòng cháy và chữa cháy phải được quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định và bảo đảm sẵn sàng chữa cháy”.

Điều 9, Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ Công an quy định về quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy quy định: “Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở, chủ hộ gia đình trong quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy”.

Điều 11, Thông tư số 52/2014/TT-BCA nêu trên quy định: “Trách nhiệm của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy là: Chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý”.

Như vậy, từ những căn cứ pháp lý nêu trên, việc bảo dưỡng và nghiệm thu hệ thống phòng cháy và chữa cháy sau bảo trì, bảo dưỡng thuộc trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (trong đó có kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy cơ sở) theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Việc lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương yêu cầu sau khi bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy phải mời cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương xuống kiểm tra, nghiệm thu mới đảm bảo đúng quy định có đúng quy định của pháp luật hay không?

Theo các quy định pháp luật về phòng cháy, chữa cháy hiện hành, việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống phòng cháy, chữa cháy của cơ sở không yêu cầu phải có kiểm tra nghiệm thu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Nếu cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy địa phương yêu cầu cơ sở sau khi bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy phải mời cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy xuống kiểm tra, nghiệm thu là không đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, căn cứ vào điều kiện thực tế, cơ sở có thể đề nghị cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật và các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trong việc bảo dưỡng phương tiện, hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy có trách nhiệm kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy (trong đó có kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy) theo quy định tại Điều 18, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ và Điều 11, Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ Công an.

3. Về việc ký hợp đồng với đơn vị đủ năng lực về bảo dưỡng phòng cháy, chữa cháy có đầy đủ thiết bị để thực hiện bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy

Theo các quy định tại Thông tư số 52/2014/TT-BCA ngày 28/10/2014 của Bộ Công an thì trách nhiệm bảo dưỡng hệ thống phòng cháy và chữa cháy là của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở và người được giao quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy và chữa cháy, về năng lực người thực hiện kiểm tra bảo dưỡng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động, được xác định là: Những người trong nội bộ cơ sở đã được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy theo quy định tại Điều 34, Nghị định số 79/2014/NĐ- CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ được thực hiện bảo dưỡng bình chữa cháy và kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống báo cháy và chữa cháy tự động. Tuy nhiên, cơ sở cần phải có đầy đủ trang thiết bị kỹ thuật để thực hiện việc kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, phương tiện phòng cháy, chữa cháy đồng thời, phải chịu trách nhiệm về chất lượng công tác kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện phòng cháy, chữa cháy.

Do đó, việc Công ty TNHH Thực phẩm Hàn Quốc Vina ký hợp đồng với đơn vị có đủ năng lực về bảo dưỡng phòng cháy, chữa cháy, có đầy đủ thiết bị để thực hiện bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy tiến hành bảo dưỡng hệ thống phòng cháy, chữa cháy là đảm bảo các quy định pháp luật.

Trên đây là kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của Công ty Thực phẩm Hàn Quốc Vina liên quan đến quy định hành chính thuộc phạm vi, chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; xin trao đổi để Văn phòng Chính phủ biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VB1, VB2 (để báo cáo lãnh đạo Bộ);
- C07 (để biết);
- Lưu: VT, V03.

TL. BỘ TRƯỞNG
CỤC TRƯỞNG CỤC PHÁP CHẾ
VÀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH, TƯ PHÁP




Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1958/BCA-V03 năm 2019 về xử lý phản ánh, kiến nghị của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm Hàn Quốc Vina do Bộ Công An ban hành

  • Số hiệu: 1958/BCA-V03
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 17/07/2019
  • Nơi ban hành: Bộ Công An
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Anh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản