Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1730/BNN-TY
V/v Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm

Hà Nội, ngày 03 tháng 06 năm 2014

 

Kính gửi: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 30/5/2014, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 14.000 ha (nguyên nhân do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha và một số bệnh khác. Hiện nay, dịch bệnh trên tôm có xu hướng tiếp tục tăng mạnh và diễn biến phức tạp. Vì vậy, để khẩn trương khống chế dịch bệnh, giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan của địa phương thực hiện đồng bộ những nội dung sau:

1. Về công tác phòng chống dịch bệnh:

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, chấn chỉnh công tác thống kê, chẩn đoán xét nghiệm, tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo về diện tích dịch bệnh thủy sản; đồng thời, tham mưu các biện pháp quản lý sản xuất và phòng chống dịch bệnh phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

- Hướng dẫn người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật đã được tổng kết từ các mô hình nuôi tôm thành công và khuyến cáo tại Công văn số 298/TCTS-NTTS ngày 01/02/2013 của Tổng cục Thủy sản.

- Tổ chức phòng chống dịch bệnh thủy sản theo kế hoạch phê duyệt, chú ý tới việc tổ chức hệ thống chuyên môn nghiệp vụ đến cơ sở để phát hiện sớm, xác định nhanh, chính xác dịch bệnh và tổ chức chống dịch có hiệu quả.

- Thực hiện kiểm tra điều kiện sản xuất kinh doanh và chất lượng các sản phẩm con giống, thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học dùng trong nuôi trồng thủy sản theo quy định tại Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/03/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản để ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng, hàng giả, không có trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Hướng dẫn người nuôi không lạm dụng các loại thuốc thú y, hóa chất trong phòng bệnh, chỉ sử dụng thuốc thú y, hóa chất có trong Danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam; ngừng sử dụng trước khi thu hoạch theo đúng chỉ dẫn của nhà sản xuất, của cơ quan chuyên môn để tránh tồn dư hóa chất trong sản phẩm thủy sản ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và xuất khẩu, đặc biệt chú ý loại thuốc thú y đã bị các nước nhập khẩu sản phẩm thủy sản cảnh báo như Oxytetracyline,....

- Khi phát hiện ổ dịch, hướng dẫn thực hiện theo Phụ lục 1.

2. Về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản:

a) Đối với địa phương chưa xây dựng Kế hoạch: Khẩn trương chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Ban, ngành có liên quan xây dựng và trình phê duyệt Kế hoạch. Nội dung Kế hoạch cần có các hoạt động cụ thể, kèm theo định mức và nguồn kinh phí nhằm chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, giám sát dịch bệnh và lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Bố trí kinh phí mua hóa chất để chủ động phòng bệnh, chống dịch khi còn ở phạm vi nhỏ hẹp hoặc khi chưa đủ điều kiện công bố dịch, khi công bố dịch, hỗ trợ cán bộ cơ sở tham gia phòng, chống dịch bệnh.

b) Đối với địa phương đã xây dựng Kế hoạch nhưng chưa được UBND cấp tỉnh phê duyệt: Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương xem xét, phê duyệt.

c) Đối với địa phương đã được phê duyệt Kế hoạch: Cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung các hoạt động cụ thể và bố trí đủ kinh phí cho các hoạt động phòng, chống có hiệu quả.

Xin gửi kèm theo Phụ lục 2 (danh sách các địa phương đã có Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản).

3. Về phân công quản lý thú y thủy sản:

Thống nhất phân công quản lý thú y thủy sản theo đúng các quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai đồng bộ và có hiệu quả đối với công tác phòng chống dịch bệnh, quản lý kiểm dịch thủy sản giống và thuốc thú y thủy sản.

Xin gửi kèm theo Phụ lục 3 (danh sách một số địa phương chưa chuyển hoặc mới chuyển một phần công tác thú y thủy sản cho Chi cục Thú y quản lý).

4. Về kiến nghị, đề xuất và thông báo kết quả thực hiện:

Đề nghị các địa phương báo cáo định kì, đột xuất về tình hình phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đồng thời, trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc hoặc có kiến nghị, đề xuất, đề nghị gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục Thú y) để kịp thời phối hợp xử lý, nhằm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, chỉ đạo các Sở, Ban, ngành liên quan tổ chức thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Tổng cục Thủy sản;
- Cục Thú y, các Cơ quan Thú y vùng;
- Sở NN&PTNT, CCTY, CCNTTS, CCTS các tỉnh, thành phố;
- Lưu VT, TY.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Vũ Văn Tám

 

PHỤ LỤC 1

BIỆN PHÁP KỸ THUẬT XỬ LÝ Ổ DỊCH
(Ban hành kèm theo Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

1) Khi xác định được nguyên nhân gây bệnh thuộc danh mục bệnh thủy sản phải công bố dịch, chủ cơ sở phải thực hiện các biện pháp sau:

- Báo cáo cho chính quyền xã hoặc cơ quan chuyên môn; đồng thời thông báo cho các cơ sở, các hộ nuôi tôm xung quanh để phòng chống bệnh kịp thời.

- Thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn về phòng chống bệnh của cơ quan chuyên môn; áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

- Tất cả dụng cụ, bảo hộ lao động phải dùng riêng cho cơ sở nuôi đang có bệnh và khử trùng sau mỗi lần sử dụng bằng hóa chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cơ quan chuyên môn.

- Nếu tôm đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch ngay để tránh thiệt hại. Tôm mắc bệnh chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; phương tiện vận chuyển phải kín, không rò rỉ nước hoặc rơi vãi tôm, nước ra ngoài môi trường trong quá trình vận chuyển và phải được vệ sinh khử trùng trước và sau khi ra vào vùng dịch.

Nếu thủy sản chưa đạt kích cỡ thương phẩm, Chi cục Thú y chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan để hướng dẫn, xử lý diệt mầm bệnh bằng hóa chất được phép sử dụng theo đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh môi trường và khoanh vùng không để dịch bệnh lây lan.

- Sau khi thu hoạch chủ cơ sở phải xử lý diện tích nuôi có tôm bị bệnh bằng hóa chất được phép sử dụng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Cung cấp đầy đủ thông tin và tạo điều kiện cho các cán bộ thú y lấy mẫu kiểm tra.

- Chỉ tiến hành thả lại sau khi có công bố hết dịch của cơ quan có thẩm quyền (trong trường hợp đã công bố dịch), hoặc theo thông báo của cơ quan chuyên môn.

2) Đối với các cơ sở nuôi tôm ở khu vực xung quanh cơ sở nuôi tôm bị bệnh

- Người chăm sóc, quản lý cơ sở nuôi không sang cơ sở bị bệnh. Đối với các cơ sở nuôi kín, tiến hành khử trùng tiêu độc trước và sau khi vào cơ sở đối với người và phương tiện.

- Tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung các loại vitamin, khoáng, vi lượng,...

- Thường xuyên theo dõi thông tin về dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời.

 

PHỤ LỤC 2

DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG ĐÃ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH THỦY SẢN NĂM 2014
(Ban hành kèm theo Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

I. CÁC TỈNH CÓ KẾ HOẠCH VÀ CÓ BỐ TRÍ KINH PHÍ

1. Thành phố Hải Phòng: Sở NN&PTNT có tờ trình số 194/TTr-SNN ngày 5/12/2013 về việc đề nghị UBND thành phố Hải Phòng ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014. Mặc dù không có văn bản của UBND tỉnh (theo báo cáo của Chi cục Thú y Hải Phòng) phê duyệt kế hoạch nêu trên, nhưng ngày 06/01/2014, Sở Tài chính có Thông báo số 26/TB-STC về dự toán chi ngân sách năm 2014, trong đó có 300.000.000 đồng chi cho hoạt động phòng chống dịch bệnh thủy sản.

2. Tỉnh Phú Yên: UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 112/KH-UBND ngày 26/11/2013 của UBND tỉnh Phú Yên về phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản năm 2014, với kinh phí là 80.000.000 đồng.

3. Tỉnh Khánh Hòa: UBND tỉnh ban hành quyết định số 2869/QĐ-UBND ngày 12/11/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho động vật thủy sản nuôi năm 2014, tổng kinh phí là 1.303.704.000 đồng.

4. Tỉnh Ninh Thuận: Được sự đồng ý của Sở NN&PTNT, Chi cục Thú y ban hành công văn số 445/KH-CCTY ngày 04 tháng 12 năm 2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014 với tổng kinh phí là 663.400.000 đồng.

5. Thành phố Hồ Chí Minh: Tính đến ngày 29/5/2014, UBND hoặc Sở NN&PTNT chưa có quyết định phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản, tương tự như các năm trước, Chi cục Thú y đã có tờ trình, cũng như ban hành văn bản số 138/KH-CCTY ngày 19/02/2014 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, với tổng kinh phí đề xuất là 1.173.127.950 đồng.

6. Tỉnh Long An: UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 307/QĐ-UBND ngày 22/01/2014 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh vùng nuôi tôm nước lợ tỉnh Long An năm 2014, tổng kinh phí là 1.844.250.000 đồng.

7. Tỉnh Tiền Giang: UBND tỉnh ban hành công văn số 740/UBND-NN ngày 27/2/2014 về việc phê duyệt kinh phí phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi, trong đó có 281.293.000 đồng để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản.

8. Tỉnh Bến Tre: Ngày 23/5/2014 Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch số 11/KH-SNN phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, với tổng kinh phí là 2.443.271.000 đồng.

9. Tỉnh Trà Vinh: UBND tỉnh đã có Quyết định số 189/QĐ-UBND ngày 18/2/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh Trà Vinh năm 2014 theo kế hoạch số 32/KH-SNN ngày 11/2/2014 của Sở NN&PTNT thôn. Trong đó, tổng kinh phí cho phòng chống dịch bệnh thủy sản là 3.140.800.000 đồng.

10. Tỉnh Sóc Trăng: Sở NN&PTNT đã có văn bản số 460/KH-SNN ngày 26/12/2013 ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh tôm năm 2014, tổng kinh phí là 277.167.000 đồng.

11. Tỉnh Kiên Giang: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 17/02/2014 về việc phê duyệt kinh phí dự phòng chlorine phòng chống dịch bệnh tôm nuôi; Quyết định số 3010/QĐ-UBND ngày 23/12/2013 về việc phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua sắm hệ thống xét nghiệm bệnh thủy sản, gia súc, gia cầm và VSATTP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 686/SNNPTNT-VP ngày 5/11/2013 về việc phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014. Tổng kinh phí cho công tác phòng dịch bệnh thủy sản là 4.200.000.000 đồng. Kinh phí chống dịch sẽ được cấp khi dịch xảy ra.

12. Tỉnh Bạc Liêu: Ngày 13/5/2014 UBND tỉnh Bạc Liêu có Quyết định số 701/QĐ-UBND về việc giải quyết kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014. Trong đó, kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản là 739.037.500 đồng.

13. Tỉnh Cà Mau: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành công văn số 806/UBND-NN ngày 26/02/2014 về Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc gia cầm và thủy sản năm 2014 phê duyệt tờ trình 04/TTr-BCĐ ngày 20/2/2014 của Thường trực Ban chỉ đạo phòng chống bệnh gia súc gia cầm và thủy sản tỉnh về việc xin phê duyệt kế hoạch và hiệp y dự toán kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, và ý kiến của Sở Tài chính tại công văn số 338/STC-HCSN ngày 4/3/2014, tổng kinh phí được phê duyệt là 4.491.000.000 đồng.

II. CÁC TỈNH CÓ KẾ HOẠCH NHƯNG KHÔNG BỐ TRÍ KINH PHÍ KÈM KẾ HOẠCH

1. Tỉnh Nam Định: UBND tỉnh ban hành kế hoạch số 06/KH-UBND ngày 13/01/2014 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và động vật thủy sản năm 2014. Không có chi tiết kinh phí kèm theo.

2. Tỉnh Thái Bình: Chi cục Thú y ban hành công văn số 57/KH-CCTY ngày 25/3/2014 về triển khai phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, không có kinh phí cụ thể.

3. Tỉnh Thanh Hóa: UBND tỉnh ban hành công văn 122/KH-UBND ngày 22/11/2013 ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, không kèm theo kinh phí cụ thể.

4. Tỉnh Nghệ An: UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 377/QĐ-UBND ngày 23/2/2014 phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014.

5. Tỉnh Hà Tĩnh: UBND tỉnh có công văn 485/KH-UBND ngày 11/12/2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, đưa ra các hoạt động triển khai, nhưng không đề cập kinh phí cụ thể. Bản kế hoạch có đề cập đến nguồn vốn thực hiện theo 24/2011/QĐ-UBND ngày 09/8/2011 và Quyết định số 11/2013/QĐ-UBND ngày 14/3/2013 của UBND tỉnh Hà Tĩnh. Khi đối chiếu các quyết định này đều không thấy lượng kinh phí cụ thể.

6. Tỉnh Thừa Thiên - Huế: Chi cục Thú y có công văn số 528/KH-CCTY ngày 20/12/2013 về kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, chưa có kinh phí cụ thể.

7. Tỉnh Hậu Giang: UBND tỉnh có công văn 225/KH-BCĐ ngày 29/10/2013 về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản năm 2014, không có kinh phí chi tiết.

8. Tỉnh An Giang: Chi cục Thú y đã ban hành công văn số 78/KH-CCTY ngày 07 tháng 4 năm 2014 về Kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2014, nhưng không có chi tiết cụ thể kinh phí hoạt động kèm theo.

 

PHỤ LỤC 3

DANH SÁCH CÁC ĐỊA PHƯƠNG CHUYỂN MỘT PHẦN HOẶC CHƯA CHUYỂN GIAO NHIỆM VỤ THÚ Y THỦY SẢN VỀ CHI CỤC THÚ Y
(Ban hành kèm theo Công văn số 1730/BNN-TY ngày 03 tháng 6 năm 2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

TT

Tỉnh

Nhiệm vụ đã chuyển giao cho Chi cục Thú y

Nhiệm vụ chưa chuyển giao/ Cơ quan thực hiện

1

Bến Tre

Quản lý thuốc thú y thủy sản

Phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch thủy sản (Chi cục Nuôi trồng thủy sản thực hiện)

2

Vĩnh Long

Kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản

Phòng chống dịch bệnh thủy sản (Chi cục Thủy sản thực hiện)

3

Cà Mau

Phòng chống dịch bệnh và quản lý thuốc thú y thủy sản

Kiểm dịch giống thủy sản (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thực hiện)

4

Hà Nội

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Thủy sản thực hiện)

5

Hải Dương

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Thủy sản thực hiện)

6

Quảng Nam

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thực hiện)

7

Khánh Hòa

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thực hiện)

8

Bình Thuận

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Thủy sản thực hiện)

9

Bình Phước

kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản

Kiểm soát dịch bệnh (Phòng Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT thực hiện)

10

Đồng Nai

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Thủy sản thực hiện)

11

Trà Vinh

 

Kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch và quản lý thuốc thú y thủy sản (Chi cục Nuôi trồng Thủy sản thực hiện)