Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1716/TCT-CS
V/v chính sách thuế

Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2017.

 

Kính gửi: Công ty TNHH Themost.
(Địa chỉ: Xưởng 20 Lô CN6, KCN Kim Huy, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương)

Ngày 12/1/2017, Tổng cục Thuế nhận được văn thư số 3702077619 ngày 26/12/2016 của Công ty TNHH Themost về hướng dẫn thủ tục và xuất hoá đơn đối với hàng hoá gia công của doanh nghiệp, về vấn đề này, sau khi báo cáo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

Tại Điều 5 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính Phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng quy định:

“Điều 5. Điều kiện hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ

1. Doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật, có đăng ký sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

b) Có địa điểm, cơ sở vật chất và các trang thiết bị cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ”

Tại Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/1/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ quy định:

“Điều 16. Lập hoá đơn

1. Nguyên tắc lập hoá đơn

a) Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ được lập và giao cho người mua hàng hóa, dịch vụ các loại hóa đơn theo hướng dẫn tại Thông tư này.

b) Người bán phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả các trường hợp hàng hoá, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, hàng mẫu; hàng hoá, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động và tiêu dùng nội bộ (trừ hàng hoá luân chuyển nội bộ để tiếp tục quá trình sản xuất); xuất hàng hoá dưới các hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả hàng hoá.”

Tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 119/2014/TT-BTC ngày 25/8/2014 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013, Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013, Thông tư số 85/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính để cải cách, đơn giản các thủ tục hành chính về thuế quy định:

“4. Sửa đổi khoản 1 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTC như sau:

“1. Số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT bằng giá trị gia tăng nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với hoạt động mua, bán, chế tác vàng bạc, đá quý.

Giá trị gia tăng của vàng, bạc, đá quý được xác định bằng giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra trừ (-) giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào tương ứng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý mua vào được xác định bằng giá trị vàng, bạc, đá quý mua vào hoặc nhập khẩu, đã có thuế GTGT dùng cho mua bán, chế tác vàng, bạc, đá quý bán ra tương ứng.

Trường hợp trong kỳ tính thuế phát sinh giá trị gia tăng âm (-) của vàng, bạc, đá quý thì được tính bù trừ vào giá trị gia tăng dương (+) của vàng, bạc, đá quý. Trường hợp không có phát sinh giá trị gia tăng dương (+) hoặc giá trị gia tăng dương (+) không đủ bù trừ giá trị gia tăng âm (-) thì được kết chuyển để trừ vào giá trị gia tăng của kỳ sau trong năm. Kết thúc năm dương lịch, giá trị gia tăng âm (-) không được kết chuyển tiếp sang năm sau”.

Tại Giấy chứng nhận đầu tư số 462045000912 do Ban Quản lý các KCN Bình Dương cấp có nếu:

“Điều 1. Nội dung đăng ký kinh doanh:

1. Tên doanh nghiệp: Công ty TNHH THEMOST

2. Loại hình doanh nghiệp: Công ty TNHH một thành viên

4. Ngành nghề kinh, doanh

Mã ngành

Tên ngành

2420

Sản xuất nữ trang vàng, bạc, đá quý, kim cương

Điều 2. Nội dung dự án đầu tư:

1. Tên dự án đầu tư: NHÀ MÁY CÔNG TY TNHH THEMOST

2. Mục tiêu và quy mô của dự án:

- Mục tiêu và quy mô đã đăng ký: sản xuất nữ trang vàng, bạc, đá quý kim cương 250.000 sản phẩm/năm.

- Mục tiêu và quy mô đăng ký ngày 23/10/2014: sản xuất nữ trang vàng, bạc, đá quý, kim cương 1.250.000 sản phẩm/năm.

…”

Căn cứ quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Themost (địa chỉ trụ sở chính: nhà xưởng số 20 Lô CN6, Khu công nghiệp Kim Huy, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đã được Ban Quản lý Khu Công nghiệp Bình Dương cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp với ngành nghề sản xuất nữ trang vàng bạc, đá quý, kim cương và nếu được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ (theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ) thì việc Công ty TNHH Themost bán vàng trang sức tại thị trường Việt Nam là không vi phạm quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp.

Khi bán hàng hoá là nữ trang tại trang web: Lazada Việt Nam thì Công ty thực hiện xuất hoá đơn bán hàng theo giá thực tế của sản phẩm và kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp. Giá thanh toán của vàng, bạc, đá quý bán ra là giá thực tế bán ghi trên hóa đơn bán vàng, bạc, đá quý, bao gồm cả tiền công chế tác (nếu có), thuế giá trị gia tăng và các khoản phụ thu, phí thu thêm mà bên bán được hưởng.

Tổng cục Thuế có ý kiến để Công ty được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Phó TCT: Cao Anh Tuấn (để b/c);
- Vụ PC-BTC;
- Vụ PC-TCT;
- Website TCT;
- Lưu: VT, CS(4b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH




Lưu Đức Huy