Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG AN
CÔNG AN TP. HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1678/CATP-PC07
V/v triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực PCCC và CNCH

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 4 năm 2023

 

Kính gửi:

- Phòng PV01, PC07;
- Công an thành phố Thủ Đức;
- Công an 21 quận, huyện.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo ngày 08/4/2023 của Đồng chí Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về PCCC cho doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 220/CĐ-TTg ngày 05/4/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy; Công an Thành phố yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai tổ chức thực hiện một số nội dung sau:

I. Về yêu cầu thẩm duyệt cải tạo theo quy định Điểm b, Khoản 3, Điều 15 Nghị định 136/2020/NĐ-CP đối với các cơ sở thực hiện đã khắc phục các nội dung kiến nghị của Cơ quan Cảnh sát PCCC theo Kế hoạch số 513/KH-BCA-C07 ngày 07/10/2022, trong đó có các cơ sở karaoke, vũ trường:

1. Việc chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động không xem xét là cải tạo để thực hiện thẩm duyệt theo Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP và không yêu cầu áp dụng QCVN 06:2022/BXD. Sau khi khắc phục xong theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động, chủ cơ sở cần báo cáo Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

2. Một số trường hợp cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của nhà kinh doanh dịch vụ karaoke ảnh hưởng đến một trong các yêu cầu an toàn PCCC quy định tại Điểm b Khoản 5 phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP:

- Khi thay đổi tính chất sử dụng, chuyển đổi công năng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (bao gồm cả trường hợp cơ sở trước đây không thuộc diện thẩm duyệt và đến nay thuộc diện thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP);

- Khi cải tạo trong các trường hợp:

+ Làm tăng quy mô của khoang cháy hoặc nhà (như tăng số tầng (bao gồm cả tầng hầm), chiều cao PCCC, diện tích, khối tích,...);

+ Làm tăng tính nguy hiểm cháy đối với vật liệu xây dựng của gian phòng, khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vật liệu trang trí, cách âm từ vật liệu không cháy, khó bắt cháy sang các vật liệu dễ bắt cháy hoặc vật liệu có cấp nguy hiểm cháy cao hơn,...);

+ Làm giảm giới hạn chịu lửa hoặc tăng mức nguy hiểm cháy đối với cấu kiện của khoang cháy hoặc nhà (như giảm giới hạn chịu lửa của vách và cửa trên vách ngăn hành lang từ EI 30 thành EI 15 hoặc kính thường; giảm giới hạn chịu lửa tường ngoài không chịu lực...);

+ Làm thay đổi giải pháp thoát nạn của khoang cháy hoặc nhà (như thay đổi vị trí, số lượng, chủng loại lối ra thoát nạn, cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn...);

+ Làm thay đổi hệ thống bảo vệ chống cháy (hệ thống báo cháy và âm thanh công cộng; các hệ thống chữa cháy; hệ thống chống tụ khói; phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn; thang máy chữa cháy; giải pháp cấp điện cho hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật liên quan đến PCCC) như thay đổi thông số kỹ thuật thiết bị chính của hệ thống (thông số tủ trung tâm báo cháy, máy bơm cấp nước chữa cháy, bình chứa khí trong hệ thống chữa cháy tự động, quạt tăng áp, hút khói,...) hoặc nguyên lý hoạt động chung (bổ sung thêm hệ thống mới cho gian phòng, khoang cháy hoặc nhà; thay đổi phân vùng hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy, hệ thống hút khói; thay đổi nguyên lý kích hoạt các van của hệ thống chữa cháy...). Việc dịch chuyển vị trí thiết bị của hệ thống (vị trí đầu báo cháy, đầu phun Sprinkler, đầu phun khí chữa cháy, đường ống, miệng tăng áp, hút khói,...) không làm thay đổi thông số kỹ thuật của thiết bị hoặc nguyên lý hoạt động chung của hệ thống thì không bắt buộc thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

3. Khi cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng thuộc diện phải thẩm duyệt về PCCC theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì phải áp dụng QCVN 06:2022/BXD trong phạm vi các cải tạo đó.

Cơ sở trước đây thuộc đối tượng thẩm duyệt nhưng chưa thực hiện thẩm duyệt và đến nay thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì lập hồ sơ cải tạo để thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC theo quy định của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Cơ sở đã được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và đến nay không thuộc đối tượng thẩm duyệt theo quy định tại Phụ lục V của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP khi sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của cơ quan Công an để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động thì chủ cơ sở tổ chức khắc phục ngay và không yêu cầu thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo Công an quận, huyện và thành phố Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

Cơ sở không thuộc đối tượng thẩm duyệt của Nghị định số 35/2003/NĐ-CP, Nghị định số 46/2012/NĐ-CP, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Nghị định số 136/2020/NĐ-CP thì chủ cơ sở sửa chữa, khắc phục các tồn tại theo kiến nghị của Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để duy trì bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn tương ứng tại thời điểm cơ sở được thẩm duyệt, đưa vào hoạt động. Sau khi khắc phục xong cần báo cáo Công an quận, huyện và TP. Thủ Đức để kiểm tra kết quả khắc phục của cơ sở.

II. Đối với công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC

1. Đối với các công trình đã được góp ý thiết kế cơ sở, thẩm duyệt theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn cũ trước đây thì được tiếp tục áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn đó khi thực hiện thẩm duyệt thiết kế kỹ thuật hoặc thẩm duyệt điều chỉnh; không kiến nghị, yêu cầu phải thiết kế theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn mới, bảo đảm theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư, doanh nghiệp và vẫn bảo đảm theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn quy định về PCCC.

- Công trình đã được góp ý cơ sở theo QCVN 06:2021/BXD nay nộp vào thẩm duyệt, chủ đầu tư được lựa chọn tiếp tục sử dụng QCVN 06:2021/BXD để thiết kế kỹ thuật. Theo đó được thiết kế giải pháp bọc bảo vệ kết cấu bằng thạch cao theo phụ lục F, áp dụng diện tích khoang cháy theo quy định của QCVN 06:2021/BXD mà theo QCVN 06:2022/BXD hiện không cho phép.

2. Áp dụng một số trường hợp cụ thể của QCVN 06:2022/BXD như:

- Mở rộng diện tích khoang cháy: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, nhà sản xuất có kết cấu khung thép mái tôn, bậc chịu lửa IV có diện tích khoang cháy không quá 2.600 m2 (không quá 5.200 m2 khi có chữa cháy tự động), trường hợp chủ đầu tư muốn nâng bậc chịu lửa của công trình để mở rộng diện tích khoang cháy thì phải sử dụng các biện pháp bọc bảo vệ cấu kiện bằng các vật liệu ngăn cháy. Hiện nay có thể hướng dẫn lập hồ sơ thiết kế điều chỉnh áp dụng theo QCVN 06:2022/BXD để diện tích khoang cháy được tăng đến 25.000 m2.

- Khoảng cách an toàn PCCC: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, khoảng cách an toàn PCCC giữa 02 nhà xưởng bậc chịu lửa IV, V yêu cầu không nhỏ hơn 18 m, có thể hướng dẫn thẩm duyệt điều chỉnh áp dụng theo quy định tại Bảng E.3 QCVN 06:2022/BXD để khoảng cách này được giảm xuống.

- Giới hạn chịu lửa của tường ngoài không chịu lực: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, tường ngoài không chịu lực của các nhà có bậc chịu lửa I yêu cầu có giới hạn chịu lửa E30, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại E.3 Phụ lục E QCVN 06:2022/BXD và chú thích 6 Bảng 4 QCVN 06:2022/BXD để điều chỉnh thiết kế, không yêu cầu giới hạn chịu lửa tường ngoài.

- Lối thoát nạn:

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các khoang cháy phải có các lối ra thoát nạn độc lập, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.2.4 QCVN 06:2022/BXD để thiết kế, cho phép không quá 50% lối thoát nạn dẫn vào khoang cháy lân cận, qua đó giảm số lối thoát nạn của nhà.

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các căn hộ bố trí ở 2 cao trình (căn hộ thông tầng), khi chiều cao của tầng phía trên lớn hơn 18 m thì phải có lối ra thoát nạn từ mỗi tầng, có thể hướng dẫn áp dụng quy định của QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu bố trí lối thoát nạn từ mỗi tầng.

+ Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, số lối thoát nạn của tầng nhà phải không ít hơn 2 lối trong hầu hết các trường hợp, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 3.6.2.2 QCVN 06:2022/BXD để chỉ bố trí 01 lối thoát nạn cho các trường hợp công trình có quy mô nhỏ (chiều cao PCCC đến 15 m, diện tích không quá 300 m2 hoặc chiều cao PCCC đến 21 m, diện tích không quá 200 m2), có trang bị hệ thống Sprinkler, số người mỗi tầng không quá 20 người. Ngoài ra tại các khu du lịch có các nhà biệt thự, villa nghỉ dưỡng từ 3 tầng trở xuống cho phép 1 lối ra thoát nạn qua cầu thang hở loại 2 và 1 lối ra khẩn cấp qua ban công.

- Giao thông phục vụ chữa cháy: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các công trình có quy mô lớn yêu cầu phải bố trí bãi đỗ cho xe chữa cháy với chiều dài cho toàn bộ chu vi nhà, có thể áp dụng quy định tại Bảng 15, Bảng 16 QCVN 06:2022/BXD để chỉ phải bố trí bãi đỗ bao quanh mặt bằng nhà, không yêu cầu phải bố trí ở một số vị trí có thiết bị công nghệ.

- Ngăn cháy lan: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD, các phần nhà và gian phòng có công năng khác nhau phải được ngăn cháy bằng các kết cấu ngăn cháy, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 4.5 QCVN 06:2022/BXD để không yêu cầu phải ngăn cháy giữa công năng chính và công năng phụ trợ khi công năng chính chiếm tối thiểu 90% diện tích sàn (ví dụ trường hợp nhà xưởng có phần công năng văn phòng phụ trợ chiếm không quá 10% diện tích nhà xưởng thì không yêu cầu phải ngăn cháy giữa khu vực sản xuất và khu vực văn phòng).

- Cấp nước chữa cháy ngoài nhà: Theo quy định của QCVN 06:2021/BXD và QCVN 0L2021/BXD về quy hoạch xây dựng, khoảng cách tối thiểu giữa trụ nước chữa cháy ngoài nhà đến công trình là 5 m, có thể hướng dẫn áp dụng quy định tại Điều 5.1.4.6 QCVN 06:2022/BXD để chỉ yêu cầu khoảng cách này không nhỏ hơn 1 m.

3. Về tính toán, thiết kế kết cấu chịu lửa:

Đối với các công trình có kết cấu cột bê tông cốt thép, sàn từng tầng bằng bê tông cốt thép (đối với nhà nhiều tầng), bộ phận mái gồm dầm, giàn, xà gồ bằng thép không được bảo vệ, khi trong hồ sơ thiết kế đơn vị thiết kế có năng lực thuyết minh, tính toán chỉ rõ bộ phận này không tham gia vào độ bền tổng thể và sự ổn định không gian cho nhà khi có cháy và chịu trách nhiệm về kết quả này thì có thể xem xét giới hạn chịu lửa các bộ phận này là kết cấu mái (không phải cột chịu lực và các bộ phận chịu lực khác của nhà); khi đó tùy vào giới hạn chịu lửa của các bộ phận này đạt R15, REI15, R30, RE30 thì xác định bậc chịu lửa của nhà là bậc I hoặc bậc II. Về xác định hệ số tiết diện Am/V hoặc tính toán R8 với kết cấu thép không bọc bảo vệ khi giới hạn chịu lửa tối thiểu của cấu kiện yêu cầu là R/REI 15 thì chỉ cần yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn thiết kế thể hiện tính toán trên hồ sơ thiết kế, cán bộ thẩm duyệt không cần thiết phải kiểm tra, đối chiếu lại.

Tường ngoài, mái nhà làm bằng tôn được xác định có giới hạn chịu lửa E15, RE15 khi hồ sơ thiết kế có thuyết minh. Đồng thời không yêu cầu phải thử nghiệm để chứng minh giới hạn chịu lửa cho các bộ phận này khi kiểm tra kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

4. TCVN 3890:2023 đã có điều chỉnh một số nội dung so với TCVN 3890:2009 như giảm đối tượng phải làm thực hiện cấp nước ngoài nhà; không yêu cầu trang bị hệ thống báo cháy tự động cho các gian phòng có hạng nguy hiểm cháy D, E; Đối với gian phòng trong nhà sản xuất, nhà kho đã trang bị hệ thống chữa cháy tự động có kết nối liên động với trung tâm báo cháy thì cho phép không trang bị đầu báo cháy tự động. Do đó có thể hướng dẫn áp dụng quy định của TCVN 3890:2023 để thẩm duyệt điều chỉnh nhằm giảm việc trang bị phương tiện thiết bị của hệ thống PCCC cho chủ đầu tư.

5. Về hệ thống cấp không khí bù theo Phụ lục D QCVN 06:2022/BXD

Các yêu cầu về kỹ thuật của hệ thống đã quy định tại Phụ lục D QCVN 06:2022/BXD. Để thiết kế chi tiết hệ thống, cần hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị thiết kế nghiên cứu, áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài theo quy định tại Điều 8 Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021, không yêu cầu phải được Bộ Công an chấp thuận theo quy định tại Khoản 5 Điều 8 Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2013 do đây không phải là hệ thống PCCC.

Nội dung chi tiết về tính toán thiết kế hệ thống đã được quy định cụ thể tại một số tiêu chuẩn như NFPA 92:2021 của Mỹ, tiêu chuẩn SP7, SP60 của Nga, các địa phương có thể hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu nghiên cứu để lựa chọn, tính toán. Căn cứ trên kết quả tính toán thể hiện tại hồ sơ để chấp thuận thẩm duyệt.

6. Về cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho một số loại hình công trình đặc thù

- Đối với hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, bảo quản, vật liệu nổ công nghiệp và tiền chất thuốc nổ; kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ, kho khí đốt áp dụng theo các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn chuyên ngành như QCVN 01:2019/BCT (về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuộc nổ), TCVN 5307:2009 (về kho dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ) để yêu cầu lưu lượng và khối tích nước chữa cháy.

- Đối với hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà cho cửa hàng xăng dầu, cửa hàng kinh doanh khí đốt áp dụng Bảng 8 QCVN 06:2022/BXD để xác định lưu lượng cho đối tượng nhà bán hàng của các cơ sở này (5 l/s khi ở vùng nông thôn, 10 l/s khi ở thành thị), trong đó được phép sử dụng cấp nước chữa cháy ngoài nhà từ trụ nước chữa cháy, ao hồ tự nhiên hoặc các bể nước trong bán kính 200 m.

7. Về yêu cầu mục đích sử dụng đất phù hợp với công năng của công trình

Đối với thành phần về chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bản chứng minh quyền sử dụng đất hợp pháp tại hồ sơ đề nghị thẩm duyệt chỉ xem xét để xác định pháp lý khi đầu tư xây dựng công trình của chủ đầu tư, nội dung để thẩm duyệt thiết kế về PCCC chỉ bao gồm các nội dung về kỹ thuật quy định tại khoản 5 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, không yêu cầu phải xem xét về mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi phát hiện có sự sai khác cần kịp thời trao đổi, thông tin đến cơ quan có thẩm quyền (UBND các cấp, Sở Tài nguyên môi trường, Sở Xây dựng,...) để có biện pháp xử lý theo quy định về quản lý đất đai và cấp phép xây dựng.

8. Đối với công trình đã đưa vào sử dụng nay thẩm duyệt cải tạo nhưng chủ đầu tư làm thất lạc bản vẽ đã được thẩm duyệt, không nộp đủ thành phần hồ sơ theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 13 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Công an địa phương hướng dẫn chủ đầu tư lập bản vẽ hoàn công hiện trạng và công văn cam kết hiện trạng công trình vẫn duy trì đúng quy mô, công năng so với thời điểm thẩm duyệt, nghiệm thu trước đây; đồng thời sử dụng biện pháp nghiệp vụ bằng việc xem xét các biên bản kiểm tra định kỳ qua các thời kỳ của hồ sơ quản lý cơ sở. Trường hợp xác định được công trình vẫn duy trì các điều kiện an toàn PCCC so với trước đây thì có thể thẩm duyệt điều chỉnh cải tạo cho cơ sở.

III. Đối với công tác nghiệm thu về PCCC

1. Nghiệm thu từng phần

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng phù hợp với tiến độ, giai đoạn đầu tư, cần hướng dẫn chủ đầu tư các giải pháp, yêu cầu để được nghiệm thu từng phần theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP theo nguyên tắc hạng mục công trình nghiệm thu phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về PCCC theo nội dung đã được thẩm duyệt thiết kế và có thể hoạt động độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các hạng mục công trình đang tiếp tục thi công, đảm bảo trên cơ sở phù hợp với quy định về nghiệm thu hạng mục công trình theo Nghị định số 06/2021/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Việc bảo đảm tính độc lập của nhà dân dụng (cao tầng, công nghiệp) cần đánh giá đầy đủ các giải pháp an toàn PCCC bao gồm giao thông cho xe chữa cháy, khoảng cách an toàn PCCC, giải pháp về kết cấu, lối thoát nạn, giải pháp ngăn cháy, các hệ thống PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan và không bị ảnh hưởng bởi việc thi công, hoàn thiện của hạng mục khác, khu vực chưa nghiệm thu và khu vực đang thi công phải ngăn cách, tách biệt bảo đảm khả năng hoạt động bằng các giải pháp ngăn cháy lan, đường ống cấp nước chữa cháy, loop báo cháy, lối thoát nạn... Ví dụ với nhà cao tầng có thể nghiệm thu trừ khu vực khối đế khi xác định được khu vực này bảo đảm được ngăn cháy với khu vực xung quanh, cách ly được hệ thống báo cháy, chữa cháy, hút khói giữa khu vực được nghiệm thu và khu vực khối đế, các hệ thống bảo vệ chống cháy (phòng trực điều khiển chống cháy, sảnh tòa nhà, lối ra thoát nạn trực tiếp ra bên ngoài tại tầng 1, trạm bơm, trạm biến áp, máy phát điện bảo đảm khả năng hoạt động tách biệt với khu vực nghiệm thu); Trong 1 nhà xưởng 3 tầng kết cấu cột, sàn bê tông, tầng trên cùng mái thép có thể nghiệm thu tầng 1, tầng 2 trừ tầng 3 khi bảo đảm tính độc lập về kết cấu (tầng 1, 2 vẫn bảo đảm bậc chịu lửa bậc I, II), thang bộ thoát nạn có thể lên mái, hệ thống bảo vệ chống cháy độc lập tương tự như nhà cao tầng...

- Đối với hạ tầng khu công nghiệp có thể nghiệm thu từng phần khi bảo đảm khu vực hạ tầng được nghiệm thu hoạt động độc lập (đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận, hệ thống cấp nước ngoài nhà bảo đảm lưu lượng, đấu nối mạch vòng, trang bị xe chữa cháy đối với khu có quy mô từ 50 ha trở lên).

2. Về việc nghiệm thu đối với kết cấu được bọc bảo vệ

- Các công trình đã được thẩm duyệt thiết kế về PCCC với giải pháp bọc bảo vệ kết cấu theo Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD mà trong QCVN 06:2022/BXD không còn quy định thì khi nghiệm thu không yêu cầu phải kiểm định cho các kết cấu bọc bảo vệ này mà chỉ kiểm tra việc thi công phù hợp với thiết kế được duyệt và quy định tại Phụ lục F QCVN 06:2021/BXD.

- Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy: hướng dẫn chủ đầu tư bổ sung tính toán thiết kế kết cấu chịu lực công trình trong điều kiện làm việc chịu lửa, thực hiện bởi đơn vị tư vấn, cá nhân tư vấn bảo đảm điều kiện, năng lực theo quy định và chịu trách nhiệm về kết quả tính toán; sau đó căn cứ điều kiện thực tế đã thiết kế, thi công của từng dự án, công trình (kết quả tính toán thiết kế chịu lửa, loại sơn chống cháy đã sử dụng, hiện trạng thi công công trình) để có phương án tháo gỡ như: có thể cho phép thi công bổ sung lớp sơn chống cháy để bảo đảm giới hạn chịu lửa; thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy...

3. Về yêu cầu đối với vật liệu hoàn thiện trên đường thoát nạn, gian phòng sử dụng chung.

- Hướng dẫn chủ đầu tư sử dụng các vật liệu đã được nhà sản xuất công bố hợp chuẩn hoặc thử nghiệm đạt yêu cầu để sử dụng chung cho nhiều công trình, không yêu cầu phải có thử nghiệm tính nguy hiểm cháy cho vật liệu hoàn thiện riêng cho từng công trình.

- Tài liệu thử nghiệm chứng minh vật liệu của các gian phòng hát đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke cần tương ứng với thời điểm cơ sở thẩm duyệt, đưa vào sử dụng, ví dụ cơ sở đã thẩm duyệt, hoạt động trước thời điểm QCVN 06:2022/BXD có hiệu lực thì chỉ yêu cầu chứng minh là vật liệu khó cháy, không yêu cầu chứng minh cấp nguy hiểm cháy CV1 (tính cháy, tính bắt cháy, khả năng sinh khói, độc tính) theo QCVN 06:2022/BXD.

IV. Về giấy chứng nhận kiểm định phương tiện PCCC

1. Theo quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy phải được kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy “trước khi đưa vào lưu thông”; theo quy định tại mục b, khoản 3.1.1 QCVN 03:2021/BXD “Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường”. Do đó, không yêu cầu cấp giấy chứng nhận kiểm định mẫu kết cấu được bọc bảo vệ bằng các chất hoặc vật liệu chống cháy; mẫu cấu kiện ngăn cháy theo từng dự án, công trình. Các chủ đầu tư có thể tự do lựa chọn các phương tiện PCCC được nhà sản xuất công bố đã được thử nghiệm, kiểm định mẫu đạt chất lượng theo quy định.

2. Kiểm định sơn chống cháy đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy.

- Đối với các dự án, công trình thi công sơn chống cháy đã được kiểm định cho công trình theo quy định tại Nghị định số 79/NĐ-CP thì chấp thuận để nghiệm thu về PCCC.

- Đối với các dự án, công trình đã thi công sơn chống cháy nhưng chưa được kiểm định, có thể cho phép thi công bổ sung bằng lớp sơn chống cháy hoặc thay thế lớp sơn chống cháy đã thi công bằng lớp sơn chống cháy khác bảo đảm chất lượng, đã có kiểm định mẫu để bảo đảm giới hạn chịu lửa; sử dụng các giải pháp bổ sung, thay thế như các dự án, công trình chưa thực hiện thi công sơn chống cháy...

3. Đối với việc kiểm định cửa chống cháy, thạch cao chống cháy, kính chống cháy:

Ngày 28/12/2021, Bộ Công an ban hành Thông tư số 123/2021/TT-BCA ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03:2021/BCA về phương tiện phòng cháy và chữa cháy, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/6/2022. Tại mục b, khoản 3.1.1 của Quy chuẩn đã quy định rõ: Mẫu kết cấu, cấu kiện sau khi được cấp giấy chứng nhận kiểm định được sử dụng làm mẫu để sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm đưa ra lưu thông trên thị trường.

Nhận được văn bản này, Công an Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc và báo cáo kết quả đảm bảo nội dung và đúng thời gian theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Đ/c Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng BCA;
- Đ/c Ngô Minh Châu - PCT UBND TP;
- Thiếu tướng Lê Hồng Nam - Giám đốc CATP;
- Cục C07 - BCA;
- Văn phòng Thành ủy;
- Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố;
- Sở Xây dựng, Sở Văn hóa và Thể thao;
- UBND các quận huyện, TP Thủ Đức;
- Các đồng chí Phó Giám đốc CATP;
- Lưu: VT, PC07 (Đ2, Đ.N.70b).

KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC




Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hưởng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1678/CATP-PC07 năm 2023 về triển khai biện pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ do Công an Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 1678/CATP-PC07
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 11/04/2023
  • Nơi ban hành: Công an thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thanh Hưởng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/04/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản