Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1408/TCHQ-TXNK
V/v thuế giá trị gia tăng

Hà Nội, ngày 25 tháng 3 năm 2021

 

Kính gửi: Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn.

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 551/HQLS-TXNK ngày 18/03/2021 của Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn vướng mắc về thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng trang thiết bị y tế nhập khẩu. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về việc áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng

Căn cứ khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 11 Điều 10 của Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định đối tượng áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% như sau:

“11. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai và các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác theo xác nhận của Bộ Y tế.

Bông, băng, gạc y tế và băng vệ sinh y tế; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh bao gồm thuốc thành phẩm, nguyên liệu làm thuốc, trừ thực phẩm chức năng; vắc-xin; sinh phẩm y tế, nước cất để pha chế thuốc tiêm, dịch truyền; mũ, quần áo, khẩu trang, săng mổ, bao tay, bao chi dưới, bao giày, khăn, găng tay chuyên dùng cho y tế, túi đặt ngực và chất làm đầy da (không bao gồm mỹ phẩm); vật tư hóa chất xét nghiệm, diệt khuẩn dùng trong y tế theo xác nhận của Bộ Y tế.”

Căn cứ khoản 5 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng theo Danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam quy định:

“5. Thiết bị, dụng cụ y tế gồm máy móc và dụng cụ chuyên dùng cho y tế như: các loại máy soi, chiếu, chụp dùng để khám, chữa bệnh; các thiết bị, dụng cụ chuyên dùng để mổ, điều trị vết thương, ô tô cứu thương; dụng cụ đo huyết áp, tim, mạch, dụng cụ truyền máu; bơm kim tiêm; dụng cụ phòng tránh thai; các dụng cụ, thiết bị chuyên dùng cho y tế khác thực hiện theo quy định tại Biểu thuế giá trị gia tăng ban hành kèm theo Thông tư này. ”

Căn cứ công văn số 743/BTC-TCHQ ngày 17/1/2017 của Bộ Tài chính về việc xác nhận thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế hướng dẫn như sau:

“Thiết bị dụng cụ chuyên dùng trong y tế nhập khẩu không được nêu tên cụ thể tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 và khoản 5 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26/6/2014 của Bộ Tài chính, các mặt hàng không thuộc Danh mục trang thiết bị y tế được nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 24/2011/TT-BYT ngày 21/6/2011 của Bộ Y tế thì phải có xác nhận của Bộ Y tế để được áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Các thiết bị, dụng cụ y tế khác (không có tên cụ thể nêu tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTCkhoản 5 Điều 4 Thông tư số 83/2014/TT-BTC không thuộc Danh mục trang thiết bị y tế được nhập khẩu theo giấy phép của Bộ Y tế ban hành kèm theo Thông tư 24/2011/TT-BYT) nhưng là mặt hàng có xác nhận của Bộ Y tế thì áp dụng mức thuế suất GTGT 5% theo quy định tại Khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC. Trường hợp không có xác nhận của Bộ Y tế thì áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10%.”

2. Về việc áp dụng các văn bản hướng dẫn là văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế quy định

Theo điểm b, khoản 1, Điều 1 Nghị định 03/2020/NĐ-CP ngày 01/01/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 68 Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có quy định: “Đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A đã có phiếu tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn áp dụng do Sở y tế cấp được nhập khẩu theo nhu cầu, không hạn chế số lượng mà không cần bảng phân loại và văn bản xác nhận là trang thiết bị y tế của Bộ Y tế khi thực hiện thủ tục thông quan”.

Nghị định số 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn là văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành của Bộ Y tế quy định việc quản lý trang thiết bị y tế nói chung (phạm vi quy định rộng hơn nhiều so với quy định về thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế tại khoản 8 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC), không quy định chi tiết cụ thể thiết bị chuyên dùng cho y tế để được áp dụng thuế suất thuế GTGT 5%.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng Thông tư sửa đổi Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 liên quan đến nội dung thuế GTGT thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế. Trong thời gian Thông tư sửa đổi Thông tư số 26/2015/TT-BTC chưa được ban hành, cơ quan Hải quan và doanh nghiệp thực hiện chính sách thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, dụng cụ chuyên dùng cho y tế nhập khẩu theo quy định tại các văn bản nêu trên.

Tổng cục Hải quan trả lời để Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn biết và thực hiện.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Lưu: VT, TXNK (3b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bằng Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1408/TCHQ-TXNK năm 2021 về thuế giá trị gia tăng do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1408/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 25/03/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Trần Bằng Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản