Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1405/BGTVT-VT
V/v tạo khung khổ pháp lý đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải

Hà Nội, ngày 19 tháng 02 năm 2019

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nhận được Văn bản số 1155/VPCP-CN ngày 13/02/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc xử lý thông tin báo nêu, trong đó có nội dung phản ánh về "Nhiều chính sách thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới, ứng dụng công nghệ chưa thật sự sẵn sàng. Rõ nhất là các ứng dụng gọi xe công nghệ, đã hơn 2 năm nghiên cứu với 6 lần chỉnh sửa, Bộ GTVT vẫn chưa đưa ra được khung pháp lý rõ ràng. Sự chậm trễ về chính sách là nguyên nhân gây ra nhiều xáo động trong môi trường kinh doanh vận tải, dẫn đến vụ kiện Vinasun và Grab. Có ý kiến cho rằng, "nóng" chủ trương nhưng "nguội" thực tế". Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:

1. Đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải Bộ GTVT luôn ủng hộ việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh vận tải (hàng hóa, hành khách), trong đó khuyến khích các đơn vị cung cấp phần mềm, doanh nghiệp vận tải chủ động ứng dụng để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và tạo sự thuận lợi cho người dân. Điều đó được thể hiện ngay từ năm 2009 Bộ GTVT đã áp dụng quy định lắp thiết bị giám sát hành trình xe ô tô để quản lý hoạt động, điều hành hoạt động taxi thông qua bộ đàm, cải cách thủ tục hành chính (thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 3, cấp độ 4), bán vé online, quản lý hoạt động vận tải công cộng thông qua phần mềm, vé điện tử; đặc biệt từ năm 2015 trở lại đây, Bộ GTVT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Đề án thí điểm “Triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng” trên địa bàn 05 địa phương gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh (05 địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm tại Văn bản số 1850/TTg-KTN ngày 19/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian thí điểm từ 2016-2018).

Trong quá trình triển khai thí điểm, Bộ GTVT thấy rằng: việc ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4.0) vào trong các lĩnh vực đời sống xã hội và ngành dịch vụ (trong đó có dịch vụ vận tải đường bộ) là một vấn đề mới phát sinh và liên quan đến quy định của nhiều pháp luật như: dân sự, thuế, thương mại, giao thông đường bộ, giao dịch điện tử, ... Bên cạnh đó, đây là vấn đề không chỉ khó với Việt Nam mà là vấn đề khó với cả các nước trên thế giới cũng gặp phải như: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan,... Do đó cần có sự vào cuộc của nhiều Bộ, ngành và địa phương cùng vào cuộc và việc xây dựng, bổ sung quy định mới thì cần có một quá trình nghiên cứu và hoàn thiện.

Chính vì vậy, ngay từ khi triển khai Bộ GTVT đã xác định đây là một nhiệm vụ khó và thường xuyên phối hợp cùng với Bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 1850/TTg-KTN.

2. Đối với việc tạo khung khổ pháp lý cho việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô

Thực hiện ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 349/VPCP-CN ngày 11/01/2018 của Văn phòng Chính phủ, trong đó đề nghị các Bộ: Công an, Tư pháp, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các thành phố: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương có ý kiến đối với dự thảo Nghị định (Bộ GTVT trình tại văn bản số 14725/TTr-BGTVT ngày 29/12/2017) gửi Bộ GTVT trước ngày 20/01/2018 để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, gửi Bộ Tư pháp thẩm định lại, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/01/2018 theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Văn bản số 1498/VPCP-CN ngày 09/02/2018 của Văn phòng Chính phủ; tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 97/BC-BTP ngày 19/4/2018. Thực hiện Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh năm 2018 và các năm tiếp theo; thực hiện Thông báo số 242/TB-VPCP ngày 12/7/2018 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ trọng tâm quý III và 6 tháng cuối năm 2018.

Ngày 31/7/2018, Bộ GTVT đã có Tờ trình số 8354/TTr-BGTVT trình dự thảo Nghị định gửi kèm theo Hồ sơ trình gồm: dự thảo Nghị định; Báo cáo số 8355/BC-BGTVT ngày 31/7/2018 của Bộ GTVT báo cáo tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp đối với dự thảo Nghị định; Báo cáo số 8356/BC-BGTVT ngày 31/7/2018 của Bộ GTVT báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Nghị định; báo cáo tổng hợp, Bảng tổng hợp và tiếp thu các ý kiến của bộ, ngành, tổ chức, hiệp hội và cơ quan hữu quan liên quan; các ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; một số văn bản khác có liên quan. Đồng thời, Bộ GTVT cũng đã đăng tải công khai toàn bộ Hồ sơ trình dự thảo Nghị định trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ GTVT.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo tại Văn bản số 8165/VPCP-CN ngày 29/8/2018 của Văn phòng Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu giải trình các ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị liên quan và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc rà soát, hoàn chỉnh lại dự thảo Nghị định, bảo đảm quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải, cạnh tranh lành mạnh trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải; đặc biệt là các nội dung mà Văn phòng chính phủ đã định hướng xem xét tại Văn bản số 8165/VPCP-CN ngày 29/8/2018.

Tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10494/VPCP-CN ngày 29/10/2018, Văn bản số 10593/VPCP-CN ngày 01/11/2018, Văn bản số 506/VPCP-CN ngày 17/01/2019 của Văn phòng Chính phủ, Thông báo kết luận số 23/TB-VPCP ngày 16/01/2019 của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến Thành viên Chính phủ đối với dự thảo Nghị định quy định, về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo Nghị định đã được nghiên cứu và đưa nội dung quy định đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải để đáp ứng yêu cầu về bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự vận tải, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngày 30/01/2019, Bộ GTVT đã có Văn bản số 1077/BGTVT-VT gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ GTVT đã báo cáo rõ việc quản lý xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử và xe taxi (chi tiết tại Văn bản số 1077/BGTVT-VT đã gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ và cơ quan liên quan).

Bộ GTVT kính báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Vụ Pháp chế;
- Văn phòng Bộ;
- Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
- Cổng TTĐT Bộ GTVT;
- Lưu: VT, V.Tải (Phong 5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Đình Thọ