Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 14/CV-KTTC
V/v "Hướng dẫn hạch toán trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trong chi phí của tổ chức tín dụng"

Hà Nội, ngày 4 tháng 1 năm 2001

 

Kính gửi: Các tổ chức tín dụng

- Căn cứ Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN5 ngày 27/11/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành "Quy định về việc phân loại tài sản "Có", trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng của các tổ chức tín dụng".

- Căn cứ Thông tư số 92/2000/TT-BTC ngày 14/9/2000 của Bộ Tài chính "Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 166/1999/NĐ-CP ngày 19/11/1999 của Chính phủ về Chế độ tài chính đối với các tổ chức tín dụng".

Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thủ tục hạch toán về trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng, dự phòng giảm giá chứng khoán, hàng tồn kho của các tổ chức tổ chức tín dụng như sau:

I. Hạch toán dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng:

1. Thủ tục kế toán khi trích lập dự phòng rủi ro:

- Hàng quý, trong thời hạn 15 ngày đầu tiên của tháng thứ ba của mỗi quý, sau khi tiến hành phân loại tài sản "Có" và xác định mức trích dự phòng của quý đó theo quy định, các tổ chức tín dụng lập đầy đủ các chứng từ kế toán gồm các bảng tính toán tài sản "Có" theo từng nhóm, tỷ lệ trích dự phòng rủi ro, số tiền trích dự phòng của từng nhóm, có đầy đủ chữ ký của những người liên quan.

- Trường hợp trích dự phòng lần đầu tiên (các tài khoản dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng như 209, 219, 239... chưa có số dư), các tổ chức tín dụng phải trích đủ số tiền phải lập dự phòng theo quy định vào chi phí, hạch toán:

Đối với tài sản "Có" là các hoạt động cấp tín dụng:

Nợ TK 8722 "Chi dự phòng nợ phải thu khó đòi"

Có TK dự phòng thích hợp (TK 209, 219, 239...)

Đối với tài sản "Có" là các dịch vụ thanh toán:

Nợ TK 8724 "Chi dự phòng cho các dịch vụ thanh toán"

Có TK 591 "Dự phòng cho các dịch vụ thanh toán"

- Trường hợp trích dự phòng các lần sau, các tổ chức tín dụng so sánh số dự phòng phải trích lập quý này với số dự phòng hiện có trên các tài khoản (số dư Có các tài khoản dự phòng rủi ro trong hoạt động ngân hàng như: 209, 219, 239...) và xử lý:

+ Nếu số dự phòng phải trích quý này lớn hơn số dự phòng hiện còn thì tổ chức tín dụng phải trích bổ sung số chênh lệch thiếu và hạch toán:

Đối với tài sản "Có" là các hoạt động tín dụng:

Nợ TK 8722 "Chi dự phòng nợ phải thu khó đòi"

Có TK dự phòng thích hợp (TK 209, 219, 239...)

Đối với tài sản "Có" là các dịch vụ thanh toán"

Nợ TK 8724 "Chi dự phòng cho các dịch vụ thanh toán"

Có TK 591 "Dự phòng cho các dịch vụ thanh toán"

+ Nếu số dự phòng phải trích quý này nhỏ hơn số dự phòng hiện còn thì tổ chức tín dụng chỉ hoàn nhập số chênh lệch thừa và hạch toán:

Đối với tài sản "Có" là các hoạt động cấp tín dụng:

Nợ TK dự phòng thích hợp (TK 209, 219, 239...)

Có TK 79 "Các khoản thu bất thường"

Đối với tài sản "Có" là các dịch vụ thanh toán:

Nợ TK 591 "Dự phòng cho các dịch vụ thanh toán"

Có TK 79 "Các khoản thu nhập bất thường"

2. Thủ tục kế toán khi sử dụng dự phòng:

Trước khi sử dụng dự phòng để xử lý các rủi ro trong hoạt động ngân hàng, các tổ chức tín dụng phải tìm mọi biện pháp để thu hồi các khoản nợ.

- Khi phát sinh các khoản nợ có đủ điều kiện xử lý bằng dự phòng rủi ro theo quy định tại Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNH5, các tổ chức tín dụng căn cứ vào số dự phòng hiện có và quyết định xử lý rủi ro của Hội đồng xử lý rủi ro, hạch toán:

Nợ TK dự phòng thích hợp (TK 209, 219, 239...)

Có TK phản ánh tài sản "Có" được xử lý bằng dự phòng (TK cho vay, chiết khấu, trả thay người được bảo lãnh...)

Đồng thời, hạch toán theo dõi ngoại bảng số nợ đã được xử lý bằng dự phòng, ghi:

Nhập TK 971 "Nợ bị tổn thất đang trong thời gian theo dõi" (Mở tài khoản phân tích theo từng khách hàng nợ và từng khoản nợ đã được xử lý)

- Nếu có thu hồi được các khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng rủi ro, các tổ chức tín dụng hạch toán:

Nợ TK thích hợp (tiền mặt, tiền gửi...)

Có TK 79 "Các khoản thu nhập bất thường"

Đồng thời ghi:

Xuất TK 971 "Nợ bị tổn thất đang trong thời gian theo dõi" (Tài khoản phân tích khoản nợ khó đòi đã được xử lý trước đây)

- Khi hết thời hạn phải theo dõi khoản nợ đã được xử lý bằng dự phòng phòng rủi ro mà không thu hôì lại được khoản nợ đã xử lý, các tổ chức tín dụng hạch toán:

Xuất TK 971 "Nợ bị tổn thất đang trong thời gian theo dõi" (Tài khoản phân tích khoản nợ khó đòi đã được xử lý trước đây)

II. Hạch toán trích lập, hoàn nhập và sử dụng dự phòng giảm giá chứng khoán, dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

a. Thủ tục kế toán khi trích lập và hoàn nhập dự phòng:

- Vào cuối năm, trước khi khoá sổ lập báo cáo quyết toán tài chính, các tổ chức tín dụng phải làm thủ tục hoàn nhập lại các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán, giảm giá hàng tồn kho đã trích năm trước theo đúng quy định (Nếu các tài khoản 119, 129... và tài khoản 592 có số dư "Có"):

+ Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán:

Nợ TK dự phòng giảm giá chứng khoán thích hợp (TK 119, 129....)

Có TK 79 "Thu nhập bất thường"

+ Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

Nợ TK 592 "Dự phòng giảm giá hàng tồn kho"

Có TK 79 "Các khoản thu nhập bất thường"

- Ngay sau đó, xác định mức trích dự phòng mới cho năm sau theo đúng quy định tại Thông tư số 92/2000/TT-BTC ngày 14/9/2000 của Bộ Tài chính và hạch toán:

+ Lập dự phòng giảm giá chứng khoán:

Nợ TK 8723 "Chi dự phòng giảm giá chứng khoán"

Có TK dự phòng giảm giá chứng khoán thích hợp (TK 119, 129....)

+ Lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho:

Nợ TK 8725 "Chi dự phòng giảm giá hàng tồn kho"

Có TK 591 "Dự phòng giảm giá hàng tồn kho"

b. Xử lý tổn thất về giảm giá chứng khoán, hàng tồn kho: Trong quá trình hoạt động kinh doanh, khi thực tế phát sinh các khoản tổn thất về chứng khoán, hàng tồn kho (ví dụ: Bán chứng khoán với giá thấp hơn giá mua...) thì được hạch toán số chênh lệch (lỗ) vào kết quả kinh doanh theo đúng quy định tại Thông tư số 92/2000/TT-BTC ngày 14/9/2000 của Bộ Tài chính và các quy định hiện hành đối với từng loại chứng khoán, hàng tồn kho.

Các tổ chức tín dụng thực hiện tính toán mức trích lập dự phòng, hoàn nhập dự phòng theo đúng quy định tại Quyết định số 488/2000/QĐ-NHNN5 ngày 27/11/2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Thông tư số 92/2000/TT-BTC ngày 14/9/2000 của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của số liệu hạch toán.

Công văn này thay thế công văn số 1039/CV-KTTC2 ngày 15/7/1999 của Ngân hàng Nhà nước./.

 

 

TL. THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VỤ TRƯỞNG VỤ KẾ TOÁN - TÀI CHÍNH




Trần Đình Duy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 14/CV-KTTC hướng dẫn hạch toán trích lập và sử dụng các khoản dự phòng trong chi phí của tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước ban hành

  • Số hiệu: 14/CV-KTTC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 04/01/2001
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Trần Đình Duy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/01/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản