Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC THUẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1388TCT/NV6

Hà Nội, ngày 01 tháng 4 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA TỔNG CỤC THUẾ SỐ 1388 TCT/NV6 NGÀY 01 THÁNG 4 NĂM 2002 VỀ VIỆC PHỐI HỢP VỚI CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG CHỐNG BUÔN LẬU VÀ CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,

Ngày 14 tháng 3 năm 2002 Văn phòng Chính phủ có Công điện số 1254/VPCP -V1 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương:

"- Cần tập trung đẩy mạnh và huy động tối đa các lực lượng chức năng để ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm buôn lậu, tịch thu hàng và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển mang vác, buôn bán hàng lậu. Phải coi chống buôn lậu là một nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách và phải chỉ đạo thực hiện thường xuyên, không chỉ làm theo kiểu "chiến dịch" hay từng đợt.

- Xử lý nghiêm các cán bộ có dấu hiệu bảo kê, thông đồng tiếp tay cho bọn buôn lậu. Nơi nào, địa bàn nào tình hình buôn lậu không giảm thì Chủ tịch UBND, thủ trưởng đơn vị lực lượng phụ trách địa bàn đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ".

Ngày 20/3/2002, Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại Trung ương cũng đã có phương án triển khai thực hiện cụ thể công điện của Văn phòng Chính phủ gửi các Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại tại các địa phương.

Để thực hiện nghiêm chỉnh ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và phương án của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại Trung ương, Tổng cục Thuế đề nghị Cục thuế thực hiện một số việc như sau:

1. Cơ quan thuế các địa phương phải xác định công tác chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của ngành. Do đó lãnh đạo cơ quan thuế các cấp phải chủ động, tích cực cùng các ngành tham gia với Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại từ khâu lập chương trình, kế hoạch chống buôn lậu đến biện pháp tổ chức thực hiện ở địa phương. Đồng thời căn cứ vào chương trình, kế hoạch của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại địa phương đã được thông qua để cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch và biện pháp tổ chức triển khai trong ngành. Thường xuyên gắn công tác quản lý thu thuế với công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại theo hướng tập trung cán bộ quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh hàng nhập khẩu, tăng cường kiểm tra hoá đơn, chứng từ đối với hàng hoá mua vào, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm, khảo sát doanh thu điều chỉnh doanh thu tính thuế cho sát với thực tế kinh doanh của từng hộ. Trước mắt ngay trong tháng 4 và những tháng của Quý II cần tập trung điều chỉnh doanh thu của các cơ sở kinh doanh mặt hàng phải dán tem, các mặt hàng vải quần áo và các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu khác để góp phần hạn chế nhập lậu và kinh doanh hàng nhập lậu.

2. Theo sự phân công của Ban chỉ đạo chống buôn lậu, chống hàng giả và gian lận thương mại ở địa phương, Cục thuế phải sắp xếp và cử đủ số cán bộ có tinh thần trách nhiệm, có năng lực chuyên môn tham gia vào các tổ công tác liên ngành. Cán bộ thuế được cử tham gia các tổ công tác liên ngành phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình và quy chế hoạt động tổ công tác liên ngành, chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và phải phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

3. Phải quán triệt cho cán bộ công chức ngành thuế nâng cao nhận thức tư tưởng và ý thức trách nhiệm, gương mẫu trong chấp hành chủ trương chống buôn lậu của Nhà nước, vận động nhân dân đặc biệt là những người thân trong gia đình tham gia chống buôn lậu, không tham gia buôn lậu hoặc tiếp tay cho các hành vi buôn lậu. Trong quá trình quản lý cán bộ, công chức thuộc quyền của mình nếu phát hiện những công chức (ngành thuế) nào có dấu hiệu bảo kê, tiếp tay cho bọn buôn lậu thì cần tổ chức xác minh làm rõ các hành vi của công chức đó. Nếu có bằng chứng xác định là đúng phải xử lý nghiêm theo các quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức được quy định tại Pháp lệnh cán bộ, công chức hiện hành.

 

Nguyễn Đức Quế

(Đã ký)