Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1328/CP-VX

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2003

 

CÔNG VĂN

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 1328/CP-VX NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2003 VỀ VIỆC TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH CUỘC VẬN ĐỘNG THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG, LỄ HỘI

Kính gửi :

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
- Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
 

 

Sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 27/CT-TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg ngày 28 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân; bước đầu hình thành những phong tục tập quán mới tiến bộ, lành mạnh và đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội; nhưng sự chuyển biến tích cực trong việc tang và lễ hội tốt hơn trong việc cưới; việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới ở đô thị chuyển biến chậm hơn ở nông thôn; nhiều hủ tục chưa được khắc phục triệt để, mà còn biến tướng với những tiêu cực mới; một phần là do một bộ phận cán bộ, đảng viên, đoàn viên chưa gương mẫu; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm chỉnh Chỉ thị của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ về việc cưới, việc tang và lễ hội.

Để tiếp tục thực hiện sâu rộng hơn, hiệu quả hơn cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hủ tục, nâng cao tính chân, thiện, mỹ trong việc cưới, việc tang, lễ hội, góp phần đẩy mạnh phong trào "toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các cấp phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức xã hội có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, nhắc nhở thường xuyên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và công nhân thuộc thẩm quyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Không phô trương hình thức, ganh đua, lãng phí, ăn uống linh đình, ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự an ninh, an toàn xã hội. Phê phán, xử lý nghiêm túc, kịp thời và kiên quyết đối với những hành vi vi phạm.

2. Về việc cưới:

a. Công dân khi tổ chức cưới cho bản thân hoặc cho con, cháu phải thực hiện đúng Luật Hôn nhân và Gia đình và các Chỉ thị 27/CT-TW của Đảng, Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Chính phủ, tổ chức việc cưới văn minh, tiết kiệm, chống xa hoa, trục lợi và các hủ tục.

b. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu trong việc tổ chức cưới, không mời nhiều người, không chọn khách sạn, nhà hàng sang trọng, đắt tiền; không lợi dụng việc cưới để trục lợi; nghiêm cấm dùng công quỹ làm quà mừng cưới dưới mọi hình thức; không mời cán bộ, công chức, viên chức dự cưới trong giờ làm việc.

3. Về việc tang:

a. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, công dân khi tổ chức đám tang phải tuân thủ đúng những quy định của luật pháp, quy định về giữ gìn vệ sinh môi trường; tang lễ tổ chức trang trọng, chống các hủ tục, mê tín dị đoan.

b. Uỷ ban nhân dân các cấp phải có quy hoạch nghĩa trang và nghĩa địa, bảo đảm vệ sinh môi trường, cảnh quan như một công trình văn hóa. Nghĩa địa phải quy hoạch biệt lập với các khu: dân cư, công sở, trường học, bệnh viện, các công trình văn hóa, các khu công nghiệp, các công trình quân sự, các nguồn nước, các điểm di chỉ khảo cổ... và tuyệt đối tránh gây ô nhiễm. Cần hết sức tiết kiệm đất đai. Vận động, giáo dục và khuyến khích nhân dân áp dụng các hình thức hỏa táng, điện táng, tiến tới bãi bỏ hình thức địa táng; không xây nhà mồ, phần mộ phô trương hình thức, lãng phí, chiếm nhiều diện tích đất đai. Nghiêm cấm an táng, xây nhà mồ, phần mộ trong khu vực dân cư hoặc trên đất canh tác.

4. Về lễ hội:

a. Các hoạt động lễ hội nhằm thỏa mãn một trong những nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, nên phải có tính văn hóa chân, thiện, mỹ cao, có hiệu quả thiết thực.

b. Mỗi lễ hội đều phải có ý nghĩa, mục đích, yêu cầu và nội dung và hình thức riêng, phát huy được truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phải có tính độc đáo, tránh dập khuôn cả về nội dung và hình thức.

c. Lễ hội phải là một nội dung của chương trình hoạt động văn hóa - du lịch. Chống khuynh hướng thương mại hóa lễ hội. Không gian lễ hội phải thật sự văn hóa. Nghiêm cấm các hoạt động mê tín dị đoan, ăn xin, ép khách mua hàng hóa trong lễ hội. Phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi trộm cắp, mại dâm, ma túy, cờ bạc, say rượu, gây gổ và những hành vi tiêu cực khác tại các lễ hội.

5. Phân công trách nhiệm:

a. Bộ Nội vụ cùng với Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các quy định về thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội và đưa vào tiêu chuẩn bình xét: đề bạt, bổ nhiệm, bình chọn các danh hiệu thi đua khen thưởng, để đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng năm; bình xét công nhận các danh hiệu gia đình văn hóa, làng (bản, phum, sóc... ), xã, phường văn hóa.

b. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hướng dẫn việc thực hiện đăng ký kết hôn văn minh, theo đúng Luật Hôn nhân và Gia đình.

c. Bộ Văn hóa - Thông tin:

- Phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia nghiên cứu, xây dựng những mô hình tổ chức lễ cưới, lễ tang phù hợp (chú ý đặc trưng văn hóa, hoàn cảnh lịch sử, địa lý của từng địa phương) để hướng dẫn thực hiện.

- Cùng với Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia nghiên cứu, chỉnh lý các mô hình lễ hội truyền thống, lễ hội cổ truyền và xây dựng các mô hình lễ hội hiện đại để nâng cao bản sắc dân tộc và tính văn hóa của hoạt động lễ hội.

- Thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo tuyên truyền, giới thiệu, biểu dương những tấm gương tốt về thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội; phê phán nghiêm khắc, cụ thể những biểu hiện tiêu cực trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

d. Các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình cần tiếp tục có chương trình cụ thể tích cực tuyên truyền, phổ biến kỹ lưỡng Chỉ thị số 27/CT-TW của Đảng, Chỉ thị số 14/1998/CT-TTg và ý kiến chỉ đạo tại Công văn này của Thủ tướng Chính phủ; biểu dương những cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; phê phán nghiêm khắc đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương, cá nhân vi phạm, tạo thành dư luận xã hội, hỗ trợ tích cực cho việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

6. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở, Uỷ ban nhân dân các cấp tăng cường trách nhiệm quản lý, giám sát, chỉnh đốn và xử lý kịp thời việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần nội dung Chỉ thị 27/CT-TW của Đảng và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã Ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1328/CP-VX của Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

  • Số hiệu: 1328/CP-VX
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/10/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phạm Gia Khiêm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/10/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản