Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13257/BTC-HCSN
V/v Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2021

 

Kính gửi:

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/04/2019 về quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (sau đây gọi tắt là Nghị định số 32). Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2019 và áp dụng từ năm ngân sách 2019.

1. Trong quá trình thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các công văn số 8688/BTC-HCSN ngày 17/7/2020 và số 10197/BTC-HCSN ngày 06/9/2021 đề nghị các Bộ, cơ quan trung ương và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo về tình hình thực hiện Nghị định số 32 và đề xuất những vướng mắc và nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Trên cơ sở báo cáo của cáo của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Tài chính đã có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Nghị định số 32; đồng thời hướng dẫn tháo gỡ các vướng mắc đối với một số địa phương có ý kiến gửi Bộ Tài chính theo thẩm quyền.

2. Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo tại công văn số 9652/VPCP-KTTH ngày 18/11/2020 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2019/NĐ-CP, trong đó yêu cầu:

“a) Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương theo nhiệm vụ được giao khẩn trương hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý; ban hành theo thẩm quyền định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công do Nhà nước quản lý, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định liên quan trong phạm vi lĩnh vực quản lý nhà nước được giao. Thời gian hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thành việc ban hành theo thẩm quyền danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương, do địa phương thực hiện và định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công, làm cơ sở ban hành giá dịch vụ sự nghiệp công tính đủ chi phí và các quy định liên quan áp dụng trên địa bàn và trong phạm vi quản lý nhà nước được giao. Thời gian hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2020.

3. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thực hiện đầy đủ các quy định tại Nghị định số 32 và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9652/VPCP-KTTH nêu trên.

4. Qua tổng hợp, theo dõi phản ánh, kiến nghị của một số Bộ, ngành, địa phương, để thống nhất trong thực hiện Nghị định số 32, Bộ Tài chính có ý kiến hướng dẫn, làm rõ nội dung, như sau:

(1) Nhóm ý kiến thứ nhất: Về thẩm quyền lựa chọn hình thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) theo một trong các phương thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.

Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Điều 7 Nghị định số 32 đã quy định rõ thẩm quyền quyết định phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công

“1. Các bộ, cơ quan trung ương hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách trung ương.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc cơ quan quản lý trực thuộc được ủy quyền quyết định giao nhiệm vụ, đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ công cho đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc; đặt hàng (hoặc giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) đối với nhà cung cấp dịch vụ sự nghiệp công khác; nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích hoặc tổ chức đấu thầu theo quy định từ nguồn ngân sách địa phương.

3. Trường hợp giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với sản phẩm, dịch vụ công có tính đặc thủ từ nguồn ngân sách trung ương (nếu có), thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Bên cạnh đó, trong Nghị định số 32 cũng quy định rõ điều kiện, căn cứ, nội dung, kinh phí giao nhiệm vụ (Điều 9, Điều 10, Điều 11); điều kiện, căn cứ, hình thức, nội dung, kinh phí đặt hàng (Điều 12, Điều 13, Điều 14, Điều 15); quy định về đấu thầu cung cấp dịch vụ công (Điều 16),... Như vậy, việc lựa chọn hình thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN và điều kiện thực hiện theo một trong các phương thức: giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đã được quy định rõ trong Nghị định số 32.

(2) Nhóm ý kiến thứ hai: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước ban hành đầy đủ danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, để các đơn vị có căn cứ thực hiện.

Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Điều 5 Nghị định 32 đã quy định: “Danh mục sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chỉ thường xuyên, gồm: (a) Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; (b) Danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích”. Đồng thời Điều 26 Nghị định 32 cũng nêu rõ:

“1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, cơ quan trung ương: danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích của bộ, cơ quan trung ương theo quy định tại Điều 5 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ;

“2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ban hành, sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước; danh mục sản phẩm, dịch vụ công ích, thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định tại Điều 5 Nghị định này cho phù hợp với tình hình thực tế trong tùng thời kỳ”;

Như vậy, trong quá trình thực hiện, đối với một số các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên chưa được quy định trong danh mục ban hành kèm theo Nghị định 32, thì tùy theo phân cấp về nguồn kinh phí cung cấp dịch vụ công, các cơ quan, đơn vị phản ánh về các Bộ quản lý ngành để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công hoặc báo cáo UBND tỉnh, thành phố bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.

(3) Nhóm ý kiến thứ ba: Về thẩm quyền và căn cứ pháp luật để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước:

- Tại Mục 2, Mục 4, Điều 5 Nghị định số 32 quy định: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung danh mục sản phẩm, dịch vụ công từ dự toán chỉ của ngân sách địa phương”;

- Tại Điểm b, mục 3, Điều 4 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập quy định: “Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo phân cấp thuộc phạm vi quản lý của địa phương và phù hợp với khả năng ngân sách của địa phương”.

Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Như vậy đối với các danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được bổ sung, sửa đổi sau thời điểm Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định này; đối với các danh mục sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được ban hành trước thời điểm Nghị định số 60/2021/NĐ-CP có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo danh mục đã ban hành theo quy định tại Nghị định số 32.

(4) Nhóm ý kiến thứ tư: Đề nghị ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT) áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập làm cơ sở cho các địa phương thực hiện, đồng thời có văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện đối với nhiệm vụ thuộc phạm vi quản lý của địa phương.

Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

- Khoản 3, Điều 8 Nghị định 32 đã quy định: “Giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công được xác định trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành Trong đó, chi phí tiền lương trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo lương theo chế độ Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo định mức lao động, định mức chi phí (nếu có) do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền. Riêng chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công ích tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này và chi phí tiền lương, tiền công trong đơn giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tại Biểu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này đối với doanh nghiệp được ký hợp đồng đặt hàng, đấu thầu (hoặc được giao nhiệm vụ trong trường hợp pháp luật chuyên ngành quy định) theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”.

- Triển khai thực hiện Nghị định 32: Các Bộ như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 17/2019/TT-BLĐTBXH ngày 06/11/2019 hướng dẫn xác định chi phí tiền lương, chi phí nhân công trong giá, đơn giá sản phẩm, dịch vụ công sử dụng kinh phí NSNN do doanh nghiệp thực hiện; Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 09/2020/TT-BTTTT ngày 24/4/2020 về định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình phát thanh; Thông tư số 03/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 về định mức kinh tế - kỹ thuật về sản xuất chương trình truyền hình; Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 14/2019/TT-BGDĐT ngày 30/8/2019 hướng dẫn xây dựng, thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục đào tạo..

- Đồng thời Điều 26 Nghị định 32 đã nêu rõ:

1. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương:Ban hành, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền:

- Định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công.

- Đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích của bộ, cơ quan trung ương theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan.

- Tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công thuộc bộ, cơ quan trung ương.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: Ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) áp dụng đối với sản phẩm, dịch vụ công làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, dịch vụ công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng và quy chế kiểm tra, nghiệm thu sản phẩm, dịch vụ công, thuộc phạm vi quản lý của địa phương; c) Ban hành đơn giá, giá sản phẩm, dịch vụ công; mức trợ giá sản phẩm, dịch vụ công ích, thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan.

Như vậy việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công do nhà nước quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công,... thuộc trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong quá trình thực hiện nếu các đơn vị ở trung ương và địa phương có vướng mắc liên quan đến các định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng trong các lĩnh vực dịch vụ công thuộc các Bộ, cơ quan trung ương quản lý; tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ sự nghiệp công; cơ chế giám sát, đánh giá, kiểm định chất lượng dịch vụ công, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập,...đề nghị có phản ánh trực tiếp về các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực để được hướng dẫn kịp thời; hoặc Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ quy định tại Nghị định 32 đê ban hành theo thẩm quyền quy định chi tiết, bổ sung thêm các nội dung về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cho phù hợp với yêu cầu quản lý và tính chất đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành và pháp luật khác có liên quan.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính hướng dẫn, trao đổi về một số nội dung các bộ, ngành, địa phương có ý kiến trong quá trình thực hiện Nghị định 32. Bộ Tài chính sẽ tiếp tục ghi nhận và trao đổi làm rõ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định 32 và báo cáo Chính phủ những nội dung vượt thẩm quyền.

Bộ Tài chính trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của các Bộ, cơ quan trung ương và địa UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ (để phối hợp);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Vụ: PC, NSNN;
- Lưu: VT, HCSN (8b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 13275/BTC-HCSN năm 2021 hướng dẫn thực hiện Nghị định 32/2019/NĐ-CP do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 13275/BTC-HCSN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/11/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản