Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1320/TCHQ-TXNK
V/v hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để SXXK

Hà Nội, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

Kính gửi: Tập đoàn quốc tế Pouchen.
(Số D10/89Q, Đường Quốc lộ 1A, Phường Tân Tạo, Quận Bình Tân, TP. HCM)

Tổng cục Hải quan nhận được công văn số 20211214/XNK ngày 14/12/2021 của Tập đoàn quốc tế Pouchen kiến nghị sửa chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu tại điểm h khoản 2 Điều 12 được nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021 tương tự như chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công. Về vấn đề này, Tổng cục Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về ý kiến của Công ty cho rằng quy định về chính sách thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu tại điểm h khoản 2 Điều 12 được nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP chưa phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13

Căn cứ khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ” thuộc đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Căn cứ khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13 quy định “Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu” thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu.

Căn cứ khoản 24 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định ‘‘Chính phủ quy định chi tiết điều này”.

Căn cứ các quy định nêu trên, Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 107/2016/QH13 chỉ quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu, không quy định miễn thuế đối với hàng hóa sản xuất xuất khẩu được nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa. Về thẩm quyền ban hành các quy định về miễn thuế, khoản 24 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 Quốc Hội đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các trường hợp miễn thuế. Do đó, quy định tại điểm h khoản 2 Điều 12 được nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP phù hợp với quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, phù hợp với thẩm quyền của Chính phủ được Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 giao.

2. Về ý kiến của Công ty cho rằng quy định tại khoản 2 Điều 12 được nêu tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP chưa có sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công (được miễn thuế nhập khẩu) với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu (phải nộp thuế nhập khẩu và được hoàn lại tiền thuế đã nộp sau khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan)

Căn cứ khoản 1, khoản 2 Điều 28 Luật Thương mại số 36/2005/QH11 quy định:

“1. Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.

2. Nhập khẩu hàng hóa là việc hàng hóa được đưa vào lãnh thổ Việt Nam từ nước ngoài hoặc từ khu vực đặc biệt năm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý ngoại thương số 05/2017/QH14 quy định “Khu vực hải quan riêng” là khu vực địa lý xác định trên lãnh thổ Việt Nam, có quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa với phần lãnh thổ còn lại và nước ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu”.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 42 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương thì bên đặt gia công “Được xuất khẩu tại cho sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị cho thuê hoặc cho mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo văn bản thỏa thuận của các bên có liên quan, phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và phải thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật”.

Căn cứ điểm e khoản 2 Điều 42 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định bên nhận gia công được “Làm thủ tục xuất khẩu tại cho sản phẩm gia công; máy móc, thiết bị thuê hoặc mượn; nguyên liệu, phụ liệu, vật tư dư thừa; phế phẩm, phế liệu theo ủy nhiệm của bên đặt gia công”.

Căn cứ Điều 43 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định “Thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp, cụ thể như sau:

1. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này được sử dụng làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam.

2. Sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo”.

Căn cứ khoản 1, khoản 5 Điều 30 Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế thì “Khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.

5. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định”.

Căn cứ điểm h khoản 2 Điều 10, điểm h khoản 2 Điều 12 được nêu tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP quy định: “Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình nhập gia công được miễn thuế nhập khẩu nếu người nhập khẩu tại chỗ đáp ứng quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Nghị định này. Sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đăng ký tờ khai hải quan theo loại hình khác thì người nhập khẩu tại chỗ kê khai, nộp thuế theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai.

Trường hợp người nhập khẩu tại chỗ đã nộp thuế nhập khẩu hàng hóa để sản xuất, kinh doanh, đã đưa sản phẩm nhập khẩu tại chỗ vào sản xuất hàng hóa xuất khẩu và thực tế đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài hoặc vào khu phi thuế quan thì được hoàn thuế nhập khẩu đã nộp theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.”

Căn cứ các quy định nêu trên, Luật Thương mại số 36/2005/QH11, Nghị định số 82/2018/NĐ-CP không quy định về hình thức xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp nội địa đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu. Hàng hóa nhập khẩu để gia công và hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu có sự khác nhau, cụ thể như sau:

a) Đối với loại hình nhập khẩu để gia công (bao gồm nhập khẩu tại chỗ):

Với hoạt động gia công cho nước ngoài, nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để gia công thuộc sở hữu của bên nước ngoài đặt gia công. Tại Nghị định số 69/2018/NĐ-CP quy định bên đặt gia công được xuất khẩu tại chỗ sản phẩm gia công (điểm e khoản 1 Điều 42), bên nhận gia công được thuê thương nhân khác gia công (điểm b khoản 2 Điều 42), thương nhân được quyền gia công chuyển tiếp sản phẩm gia công của hợp đồng gia công này để làm nguyên liệu gia công cho hợp đồng gia công khác tại Việt Nam và sản phẩm gia công của hợp đồng gia công công đoạn trước được giao cho thương nhân theo chỉ định của bên đặt gia công cho hợp đồng gia công công đoạn tiếp theo (Điều 43). Do đó, để phù hợp với Điều 42, Điều 43 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP nêu trên, khoản 4 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP đã quy định miễn thuế đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ để gia công.

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu:

- Khác với hàng gia công chỉ có 01 hợp đồng nhận nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị từ thương nhân nước ngoài và phải xuất trả sản phẩm cho thương nhân nước ngoài, hàng hóa nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu thuộc sở hữu hoàn toàn của doanh nghiệp Việt Nam, được nhập khẩu theo hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp nước ngoài thông qua 02 hợp đồng riêng biệt (bao gồm 01 hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và 01 hợp đồng xuất khẩu sản phẩm).

- Doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu có quyền chủ động nguồn hàng (nhập khẩu từ nước ngoài hoặc nhập khẩu từ khu phi thuế quan hoặc nhập khẩu tại chỗ) cũng như chủ động trong lựa chọn phương án bán hàng (xuất bán cho khách hàng ở nước ngoài hoặc xuất bán cho khách hàng trong khu phi thuế quan hoặc xuất bán cho khách hàng theo chỉ định của thương nhân nước ngoài theo hình thức xuất khẩu tại chỗ hoặc thay đổi mục đích sử dụng, tiêu thụ nội địa) để đảm bảo cho hoạt động kinh doanh có hiệu quả nhất.

Trường hợp doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu nhập khẩu nguyên liệu, vật tư từ nước ngoài hoặc từ khu phi thuế quan thì được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP. Do đó, tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP quy định doanh nghiệp nội địa mua sản phẩm của doanh nghiệp nội địa khác dưới hình thức nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu thì không được miễn thuế nhập khẩu như đối với trường hợp nhập khẩu từ nước ngoài, nhập khẩu từ khu phi thuế quan.

Doanh nghiệp nội địa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu phải kê khai, nộp thuế nhập khẩu đối với sản phẩm nhập khẩu tại chỗ; sau khi sản phẩm nhập khẩu tại chỗ đưa vào sản xuất và thực xuất khẩu ra nước ngoài hoặc khu phi thuế quan thì doanh nghiệp được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại chỗ cấu thành trong sản phẩm đã xuất khẩu theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 134/2016/NĐ-CP.

Như vậy, quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP vẫn đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nội địa khi tạm nộp thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu và sau đó được hoàn thuế nhập khẩu tương ứng với lượng nguyên liệu đưa vào sản xuất, xuất khẩu ra nước ngoài hoặc xuất khẩu vào khu phi thuế quan.

Căn cứ các quy định nêu trên, về chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ giữa hai doanh nghiệp trong nội địa để sản xuất xuất khẩu, đề nghị Tập đoàn quốc tế Pouchen thực hiện theo quy định tại khoản 4, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP.

Tổng cục Hải quan thông báo để Tập đoàn quốc tế Pouchen biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT. Lưu Mạnh Tưởng (để b/c);
- Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (thay trả lời công văn số 20220328/XNK - PYV ngày 28/3/2022);
(Đ/c: Số D10/89Q, Đường Quốc lộ 1A, P. Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh)
- Lưu: VT, TXNK-CST (03b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. CỤC TRƯỞNG CỤC THUẾ XNK
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Trần Bằng Toàn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1320/TCHQ-TXNK năm 2022 về hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để sản xuất xuất khẩu do Tổng cục Hải quan ban hành

  • Số hiệu: 1320/TCHQ-TXNK
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 15/04/2022
  • Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
  • Người ký: Trần Bằng Toàn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/04/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản