Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC -
CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 128/TCCP-VC
Về việc xếp lương mới đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong khu vực hành chính sự nghiệp; công chức, viên chức được điều động, thuyên chuyển công tác từ sau ngày 1 tháng 4 năm 1993

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1994

 

Kính gửi:

- CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
- VĂN PHÒNG QUỐC HỘI
- VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC
- TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
- VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
- ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG.

 

Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ có nhận được nhiều công văn của các Bộ, địa phương hỏi về việc xếp lương đối với những công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong khu vực hành chính, sự nghiệp; công chức, viên chức được điều động, thuyên chuyển công tác từ sau ngày 1/4/1993, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ xin trả lời như sau:

Tại điều 10 Nghị địng số 25/CP(1) ngày 23/5/1993 của Chính phủ đã quy định việc thực hiện chế độ tiền lương phải bảo đảm những nguyên tắc sau:

- Làm công việc gì thì hưởng lương theo công việc đó; làm việc ở ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương ở ngạch công chức, viên chức đó.

- Khi thôi giữ chức vụ bầu cử thì được giữ nguyên lương trong 6 tháng, sau đó làm công việc gì thì xếp lương theo công việc đó.

- Việc xếp lương mới phải gắn với sắp sếp lại bộ máy tổ chức, biên chế của các cơ quan hành chính sự nghiệp, phải đánh giá lại năng lực của công chức, viên chức theo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ; những người không đảm nhận được công việc chuyên môn đang giữ thì phải xuống ngạch, xuống bậc hoặc giải quyết bằng tính sách khác.

Căn cứ vào nguyên tắc đã nêu trên, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn cụ thể các trường hợp sau đây:

1. Công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo

Công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan hành chính sự nghiệp sau ngày được chuyển xếp lương mới thì tại thời d8iểm được bổ nhiệm đang hưởng hệ số mức lương chuyên môn ở ngạch công chức nào thì vẫn giữ nguyên hệ số mức lương chuyên môn ở ngạch công chức đó và hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo bổ nhiệm (ban hành kèm theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ).

Ví dụ: Đồng chí A là chuyên viên chính (mã số 01002) có hệ số mức lương 4,75 (bậc 6) được bổ nhiệm giữ chức vụ Vụ trưởng thuộc Bộ. Như vậy, lương của đồng chí A sau khi có quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng sẽ là: 4,75 (bậc 6) ngạch chuyên viên chính (01002) cộng 0,8 (phụ cấp chức vụ lãnh đạo Vụ trưởng thuộc Bộ).

2. Khi thôi không giữ chức vụ dân cử để chuyển làm công tác khác

Khi thôi giữ chức vụ dân cử để chuyển làm công tác khác thì được giữ nguyên lương bầu cử, dân cử trong 6 tháng kể từ khi có quyết định thôi giữ chức vụ bầu cử, dân cử, sau đó làm việc gì thì xếp lương theo công việc đó, cụ thể như sau:

a) Trường hợp những người trước khi giữ chức vụ dân cử, bầu cử đã là công chức Nhà nước nếu có nguyện vọng trở về ngạch cũ thì xếp vào đúng ngạch của vạch mà trước khi được bầu cử công chức đó đã giữ, thời gian giữ chức vụ bầu cử được tính là thời gian để nâng bậc lương trong ngạch.

Ví dụ: Đồng chí B trước khi được bầu làm Chủ tịch huyện (hệ số mức lương 4,9) đã là công chức có hệ số lương 3,06 (bậc 6) ngạch chuyên viên (01003) khi thôi giữ chức Chủ tịch huyện thì được bảo lưu 6 tháng lương bầu cử (hệ số 4,9) sau đó nếu sắp xếp làm công chức thì trở về ngạch cũ (ngạch chuyên viên) thì xếp hệ số 3,06 (bậc 6), thời gian giữ chức vụ dân cử được 6 năm thì có thể tính để nâng lên 2 bậc lương à xếp vào bậc 8 hệ số 3,56 ngạch chuyên viên (01003).

b) Trường hợp trước khi giữ chức vụ dân cử, bầu cử chưa phải là công chức, viên chức Nhà nước thì khi thôi giữ chức vụ dân cử sau 6 tháng giữ nguyên lương dân cử, bầu cử nếu có nguyện vọng vào làm việc ở các cơ quan hành chính sự ngiệp công thì phải xin dự tuyểng vào một ngạch công chức; trúng tuyển vào ngạch công chức nào thì xếp vào bậc khởi điểm (bậc 1) của ngạch công chức đó và không phải qua thời gian tập sự. Trong mọi trường hợp không được lấy hệ số mức lương bầu cử để chuyển sang ngạch, bậc công chức, viên chức.

3. Điều động, thuyên chuyển công tác trong khu vực hành chính, sự nghiệp và từ các doanh nghiệp Nhà nước sang khu vực hành chính sự nghiệp

- Công chức, viên chức được điều động, chuyển công tác đến đơn vị mới mà vẫn đảm nhận công việc trong cùng một ngành ( không thay đổi mã số ngạch) thì không phải đánh giá lại để xếp lại hệ số lương, đơn vị mới tiếp nhận công chức căn cứ vào quyết định thôi trả lương của đơn vị cũ để chi trả tiếp cho công chức, viên chức.

- Công chức, viên chức được điều động, chuyển công tác đến đơn vị mới để đảm nhận công việc mà không trong cùng một ngành (chuyển ngạch) thì phải căn cứ vào tiêu chuẩn chuyên mô của ngạch công chức để tiến hành sát hạch, kiểm tra đánh giá lại công chức, viên chức, nếu đạt tiêu chuẩn ở ngạch nào thì xếp vào ngạch đó và hưởng hệ số mức lương tương đương với hệ số mức lương của ngạch cũ mà công chức, viên chức đã hưởng (nhưng chênh lệch giữa hệ số mới và hệ số cũ không vượt quá một bậc lương).

Ví dụ: Một kỹ sư xếp ngạch 13095, hệ số mức lương 2,98 (bậc 6) được điều động lên cơ quan Bộ làm công tác quản lý Nhà nước, thì căn cứ vào tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên để đánh giá lại, nếu đạt thì xếp vào ngạch chuyên viên (mã số 01003) bậc 6, hệe số 3,06.

- Trong quá trình điều động, chhuyển công tác không kết hợp để nâng ngạch, việc nâng ngạch sẽ có quy chế riêng.

4. Quân nhân, công an nhân dân tự nguyện vào làm việc ở các cơ quan hành chính sự nghiệp công thì phải dự kỳ thi tuyển vào mộ ngạch công chức, trúng tuyển ở ngạch công chức nào thì xếp lương ở ngạch cống chức đó, thủ trưởng đơn vị căn cứ vào kết quả thi tuyển và mối tương quan về trình độ chuyên môn với các công chức trong cùng ngạch để xếp công chức mới trúng tuyển vào bậc trong ngạch với hệ số mức lương tương đương với công chức cùng trình độ trong ngạg đó.

Không được chuyển ngang hệ số lương đang hưởng sang ngạch bậc công chức.

Trên đây là một số hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, điều động, chuyển công tác sau ngày 1/4/1993, đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, kiểm tra các đơn vị thực hiện.