Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12781/BCT-KH
V/v trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới Bộ Công Thương tại văn bản số 593/BDN ngày 26 tháng 11 năm 2012, cử tri tỉnh Tây Ninh có ý kiến như sau:

Cử tri đề nghị có giải pháp căn cơ tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa xuất khẩu, nhất là những mặt hàng nông, thủy sản, đảm bảo không bị ép giá, giải quyết việc làm và ổn định đời sống của nông dân. Đồng thời kiến nghị cần có những chính sách, biện pháp điều tiết thị trường tốt hơn, giải quyết được tình trạng nông dân luôn phải chịu thiệt thòi trong chuỗi lưu thông của thị trường; hàng vật tư nông nghiệp đầu vào tăng nhanh khi lạm phát cao, nhưng không giảm, hoặc giảm rất chậm khi lạm phát thấp; trong khi đó, giá bán nông sản của nông dân giảm rất nhanh khi lạm phát thấp và luôn thấp hơn nhiều so với giá tiêu dùng thực tế trên thị trường.

Bộ Công Thương xin được trả lời như sau:

Về giải pháp tìm thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản, thủy sản

Mặc dù gặp những khó khăn nhất định về vốn, lãi suất, thị trường tiêu thụ nhưng xuất khẩu nông sản, thủy sản vẫn đạt được những kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông sản, thủy sản năm 2012 đạt hơn 21 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2011. Lượng xuất khẩu của các mặt hàng trong nhóm (trừ mặt hàng hạt tiêu) còn lại đều tăng so với cùng kỳ. Nhờ vậy nên mặc dù giá xuất khẩu không còn thuận lợi như thời điểm năm 2011 nhưng hầu hết các mặt hàng trong nhóm đều đã có mức tăng trưởng dương, góp phần tạo kênh tiêu thụ các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, việc tìm giải pháp tiêu thụ cho nhóm hàng nông sản đòi hỏi chiến lược dài hơi từ các Bộ, ngành hữu quan đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó cần chú trọng vào sản xuất ra các mặt hàng có tính thương mại hóa cao, phù hợp với tín hiệu của thị trường, có khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu và hàng xuất khẩu các nước khác có cùng lợi thế cạnh tranh như Việt Nam. Trong phạm vi chức năng và nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai một số giải pháp sau đây để góp phần tạo thuận lợi và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thuộc nhóm hàng nông sản, thủy sản, cụ thể:

(i) Tăng cường và đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại

- Xác định việc xúc tiến xuất khẩu hàng hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm góp phần phát triển thị trường, hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản do đó Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng, các địa phương tăng cường và đổi mới các chương trình xúc tiến thương mại.

(ii) Tăng cường công tác thông tin, dự báo tình hình thị trường:

- Tổ chức hiệu quả, đồng bộ công tác thông tin, dự báo, bám sát tình hình thị trường;

- Chỉ đạo hệ thống thương vụ tại các thị trường, đặc biệt là các thị trường trọng điểm kịp thời phát hiện các thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý nhập khẩu, kiểm soát chất lượng hoặc những thông tin bất lợi đối với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường, kịp thời thông báo cho các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp, Hiệp hội để chủ động phối hợp, ngăn ngừa, giải quyết sớm các vụ việc phát sinh;

- Thường xuyên theo dõi và có cảnh báo sớm nguy cơ hàng xuất khẩu của Việt Nam bị kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp, để chủ động đối phó.

(iii) Phối hợp với các Bộ, ngành tiếp tục triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm

- Đề xuất cơ chế, chính sách về tín dụng lãi suất theo hướng tạo điều kiện thuận lợi về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nông dân, ưu tiên cấp tín dụng và đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nông dân và các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu và sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là vào các thời điểm trước khi bắt đầu vụ thu hoạch để giữ giá, tránh thiệt hại cho nông dân, đồng thời tạo sự chủ động về nguồn hàng cho xuất khẩu;

- Chủ động phối hợp với Bộ Tài chính triển khai có hiệu quả Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước nhằm góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu tiếp cận với nguồn vốn tín dụng xuất khẩu, đẩy mạnh hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn;

- Phối hợp với Bộ Tài chính đẩy mạnh hoạt động bảo hiểm tín dụng xuất khẩu nhằm bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu;

- Tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong việc điều chỉnh linh hoạt thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và tạo thuận lợi hơn nữa về thủ tục hải quan theo hướng hỗ trợ tối đa cho sản xuất trong nước và thúc đẩy kinh doanh, xuất khẩu.

Về những chính sách điều tiết thị trường đối với vật tư nông nghiệp

Để ổn định sản xuất nông nghiệp, góp phần đảm bảo thu nhập cho người nông dân, những năm gần đây, Chính phủ luôn quan tâm đầu tư ngân sách và có nhiều chính sách hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp từ giống, thủy lợi, vật tư đầu vào đến tiêu thụ nông sản đầu ra. Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng vẫn đang và sẽ tích cực triển khai các giải pháp tăng cường quản lý giá cả và chất lượng trong sản xuất kinh doanh các mặt hàng vật tư nông nghiệp thiết yếu như phân bón; bình ổn giá hàng hóa thiết yếu trong đó có các mặt hàng vật tư nông nghiệp, cụ thể:

- Xây dựng Nghị định về quản lý phân bón thay thế Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón; sửa đổi bổ sung Nghị định số 15/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Theo đó, sẽ đưa ra các điều kiện cụ thể, chặt chẽ hơn đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón; đưa ra chế tài và biện pháp xử lý cụ thể hơn đối với việc xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón.

- Ban hành Luật Giá: Nghị định số 107/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá quá mức, đưa tin thất thiệt, buôn lậu và gian lận thương mại; Nghị định 84/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá; Thông tư Liên tịch số 29/2011/TTLT-BCT-BTC ngày 04 tháng 8 năm 2011 của Bộ Công Thương và Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức phối hợp kiểm tra giữa cơ quan Quản lý thị trường và Cơ quan Quản lý giá (tại Trung ương và địa phương).

Tại các văn bản này, Chính phủ và các Bộ rất chú trọng đến công tác bình ổn giá đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ nông nghiệp. Đây cũng là căn cứ để các cơ quan chức năng tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá bán hàng hóa trên thị trường, kiểm tra phát hiện các hành vi vi phạm về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết cũng như phát hiện kịp thời để ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ găm hàng nhằm thu lợi bất chính, gây rối loạn thị trường, nhất là trong lĩnh vực kinh doanh vật tư nông nghiệp.

Ngoài ra để tăng năng lực và khả năng cung ứng phân bón đến người nông dân, đáp ứng nhu cầu của sản xuất nông nghiệp, Chính phủ và các Bộ, ngành vẫn có các chính sách và ưu tiên đầu tư cho lĩnh vực này, cụ thể:

- Chính phủ luôn khuyến khích và có chính sách ưu đãi đối với việc đầu tư sản xuất các hàng hóa vật tư nông nghiệp (như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật...) nhằm tăng khả năng chủ động nguồn hàng và ổn định giá bán trong nước. Đến nay, sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp (phân lân, NPK, Urê đáp ứng đủ; DAP đáp ứng được 30%).

- Hiện nay, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất, hệ thống phân phối các mặt hàng thiết yếu trong đó có mặt hàng phân bón đã được phê duyệt1, qua đó nâng cao năng lực sản xuất trong nước, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; phát triển hệ thống phân phối theo chiều sâu, tăng mối liên kết giữa các khâu nhằm kiểm soát giá bán và chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng cuối cùng.

- Ngoài ra, trong từng thời kỳ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên theo dõi giá bán, cung cầu các mặt hàng vật tư nông nghiệp và đề xuất các biện pháp để bình ổn thị trường như điều tiết cung cầu thông qua việc chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lớn đẩy mạnh cung ứng hàng cho thị trường khi cần thiết; điều chỉnh thuế xuất nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu, bố trí ngoại tệ nhập khẩu... để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp với giá hợp lý.

Thông qua đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, Bộ Công Thương xin cảm ơn cử tri tỉnh Tây Ninh đã quan tâm đến vấn đề nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Dân nguyện-UBTVQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Chủ nhiệm VPQH;
- UBTW Mặt trận TQVN;
- Các Bộ: TC, NN và PTNT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Lãnh đạo Bộ;
- Vụ XNK;
- Vụ TTTT;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 



1 Quyết định số 6868/QĐ-BCT ngày 27 tháng 12 năm 2010 phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và phân phối mặt hàng phân bón giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2025

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12781/BCT-KH trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Tây Ninh do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 12781/BCT-KH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản