Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12778/BCT-KH
V/v trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ

Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2012

 

Kính gửi: Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ

Theo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII của Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển tới Bộ Công Thương tại văn bản số 593/BDN ngày 26 tháng 11 năm 2012, cử tri tỉnh Phú Thọ có ý kiến như sau:

1. Hiện nay, trên thị trường hàng hóa của nước ta tràn ngập đồ tiêu dùng có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc; các mặt hàng này không được kiểm định chất lượng; mức độ an toàn sử dụng nên có nguy cơ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng (thực phẩm, đồ chơi trẻ em, thuốc chữa bệnh, máy móc thiết bị...). Cử tri đề nghị: Bộ cho biết nguyên nhân và có biện pháp tăng cường kiểm tra chất lượng các mặt hàng nhập khẩu có nguồn gốc từ Trung Quốc; ban hành quy định cụ thể về tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng Trung Quốc.

2. Hiện nay, các chương trình bình ổn giá mới chỉ phần lớn hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, người sản xuất và tiêu dùng chưa thực sự được hưởng lợi; những mặt hàng tiêu dùng vẫn ở mức quá cao; khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa vẫn chưa được hưởng lợi từ chương trình bình ổn giá; mặt hàng tham gia bình ổn giá tại các khu vực này còn hạn hẹp. Đề nghị tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình bình ổn giá, ban hành cơ chế chính sách để tăng cường hỗ trợ sản xuất và tiêu dùng.

Bộ Công Thương xin được trả lời như sau:

Về vấn đề thứ nhất

Thực tế, hiện nay có nhiều hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, kém chất lượng được bày bán nhiều trên thị trường, Lực lượng Quản lý thị trường của Bộ Công Thương đã và đang phối hợp với các cơ quan liên quan như Hải quan, kiểm dịch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, An toàn thực phẩm của Bộ Y tế, Công an...ngăn chặn dòng hàng hóa kém chất lượng vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp do các nguyên nhân như sau:

- Về khách quan: Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo cơ hội thẩm lậu hàng hóa kém chất lượng trong quá trình giao thương hàng hóa; đường biên giới chung giữa Việt Nam và Trung Quốc dài, địa hình phức tạp gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát; Trung Quốc là một trong những quốc gia có hoạt động sản xuất - tiêu dùng lớn nhất thế giới, có chủ trương, chính sách luôn thay đổi đối với xuất khẩu hàng hóa; phần đông cư dân biên giới còn nhiều khó khăn, một bộ phận người dân chưa nhận thức được tác hại của việc sử dụng hàng hóa kém chất lượng, do vậy đã tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu; do tâm lý ham rẻ, không ít người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng hóa kém chất lượng.

- Về chủ quan: Nhiều loại hàng hóa của Việt Nam giá cả còn chưa phù hợp với số đông người tiêu dùng, mẫu mã chưa đa dạng, phong phú; hệ thống tiêu chuẩn và quy định kỹ thuật đối với nhiều loại hàng hóa vẫn chưa đầy đủ; vẫn tồn tại một số bất cập về cơ chế, chính sách nên các đối tượng thường lợi dụng để hợp thức hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa; Việt Nam vẫn là nước nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc, tạo cơ hội cho hàng kém chất lượng thẩm lậu; nhận thức một số bộ phận cán bộ, công chức về công tác phòng, chống hàng lậu, hàng kém chất lượng còn chưa đầy đủ; công tác kiểm tra kiểm soát và xử lý tại không ít địa phương chưa thực hiện thường xuyên, chỉ tập trung một số thời điểm; chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe; công tác chia sẻ thông tin và phối hợp kiểm tra; kiểm soát của các cơ quan chức năng có lúc, có nơi còn hạn chế; sự phân công giữa các lực lượng tuy đã được quy định tại nhiều văn bản nhưng thực tế vẫn còn hiện tượng chồng chéo, trông chờ, đùn đẩy trách nhiệm...

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành 15 văn bản chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý các vi phạm về buôn bán hàng cấm, hàng kém chất lượng, vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức và tham gia hơn 20 đoàn công tác kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm và tại địa phương có 362 đoàn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa. Lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 6.481 vụ vi phạm trong lĩnh vực này với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên đến 31 tỷ đồng, tịch thu tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 43 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc, nhiều vấn đề nổi cộm về hàng cấm, về chất lượng hàng hóa, về vệ sinh an toàn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc đã được lực lượng Quản lý thị trường làm rõ, xử lý nghiêm như: vụ sử dụng chất cấm Beta- agonist trong chăn nuôi; vụ vận chuyển bằng tàu hỏa 241 tấn phân DAP có chất lượng không đảm bảo trị giá 2,4 tỷ đồng tại Yên Bái; vụ kinh doanh 4,4 tấn sữa bột hết hạn sử dụng tại Hà Nội; vụ vận chuyển 3 container chứa 26,4 tấn hương liệu thực phẩm đã hết hạn, nhưng dán đè giấy in thời hạn còn sử dụng, trị giá hơn 4 tỷ đồng tại Thành phố Hồ Chí Minh; vụ kinh doanh 4,2 tấn mứt nhập lậu, không rõ nguồn gốc tại Phú Yên; vụ vận chuyển hàng lậu trên toa tàu chạy tuyến Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Hà Nội trị giá ước tính khoảng 12 tỷ đồng; vụ sản xuất snack bimbim tại Hà Nội sử dụng 1,2 tấn đường cyclamat và hơn 10 tấn nguyên phụ liệu không rõ nguồn gốc, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm... Nhiều hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc đã bị Quản lý thị trường thu giữ từ đầu năm tới nay như: gần 10.000 quả và 1,5 tấn pháo các loại; hơn 300.000 hộp mỹ phẩm các loại; gần 80.000 viên, hơn 6000 hộp và 59 kg thuốc tân dược các loại; gần 250.000 chai nước giải khát; hơn 580 tấn và 131 thùng phân bón các loại; gần 250.000 đồ chơi trẻ em các loại; hơn 80 tấn trái cây và 54 tấn nông sản; hơn 5000 gói, chai và hơn 500 kg thuốc bảo vệ thực vật; gần 50.000 hộp và hơn 2,3 tấn bánh kẹo các loại; hơn 2.300.000 quả trứng, hơn 400.000 con gia cầm giống; 289 tấn gà thịt, 266 tấn phụ phẩm các loại; 38 tấn thực phẩm đông lạnh...

Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường sẽ triển khai các biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chú trọng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tổ chức các đợt cao điểm tấn công tội phạm, tập trung vào một số mặt hàng như rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá ngoại, thực phẩm... Đồng thời tuyên truyền vận động tổ chức, cá nhân không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cấp ủy và Chính quyền địa phương để thực thi nhiệm vụ. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách, không để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng vi phạm, trong đó có việc ban hành danh mục hàng hóa được hưởng chính sách miễn giảm thuế của cư dân biên giới nhằm kiểm soát tình trạng lợi dụng kẽ hở chính sách để mua gom hàng hóa và hợp thức hóa cho hàng cấm, hàng nhập lậu.

Giải pháp có tính bền vững, lâu dài là phải nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm sản xuất trong nước để cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu.

Thời gian vừa qua, với mục tiêu hạn chế nhập khẩu hàng hóa kém chất lượng, Bộ Công Thương đã tích cực chủ động phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ và các Bộ, ngành xây dựng, ban hành một số biện pháp kỹ thuật bổ sung dưới hình thức tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh và các thủ tục, quy trình đánh giá sự phù hợp, nhằm quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu, hạn chế việc nhập khẩu hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, đến sức khỏe của người dân.

Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để hạn chế hàng nhập khẩu trong thời gian qua còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do trình độ công nghệ của các ngành sản xuất của Việt Nam còn thấp so với thế giới, nếu xây dựng tiêu chuẩn hàng hóa quá cao nhằm ngăn chặn hàng nhập khẩu thì hàng hóa của Việt Nam sản xuất cũng không đáp ứng được, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp sản xuất hàng hóa trong nước.

Thực hiện Đề án thực thi Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 682/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2011, hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang chủ trì hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn và các biện pháp kỹ thuật trong thương mại; xây dựng và áp dụng cơ chế kiểm soát chất lượng hàng hóa từ xa, cảnh báo nhanh đối với các thị trường trọng điểm hoặc tiềm năng.

Về vấn đề thứ hai

Sau nhiều năm chuyển đổi và phát triển nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, kinh tế nước ta đã đạt được nhiều thành tựu lớn, thu nhập của người dân không ngừng được tăng lên, hàng hóa dồi dào, đa dạng, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, do trong kinh tế thị trường, giá cả hàng hóa chịu tác động lớn của quy luật cung cầu nên trong một số thời điểm (nhất là dịp Tết cổ truyền) nhu cầu thường tăng cao đã đẩy giá hàng hóa tăng đột biến gây bất ổn thị trường, làm mất ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Để hạn chế những tác động này, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân một số địa phương thực hiện việc can thiệp vào nguồn cung hàng hóa trên thị trường thông qua việc thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá.

Ngày 16 tháng 6 năm 2012, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá với sự tham dự của các Bộ, ngành, địa phương. Báo cáo tại Hội nghị cho thấy Chương trình bước đầu mang lại những kết quả đáng khích lệ. Với quy mô chương trình ngày càng được phát triển, hình thức triển khai ngày càng đa dạng, phương thức thực hiện ngày càng được cải tiến, Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá đã có tác động lan tỏa và vai trò định hướng dẫn dắt giá hàng hóa, giảm áp lực tăng giá trên địa bàn các đô thị lớn trong giai đoạn lạm phát cao; góp phần phát triển hệ thống phân phối, chú trọng cho các đối tượng có thu nhập thấp tại các khu công nghiệp và khu vực nông thôn; mức độ xã hội hóa ngày càng mạnh mẽ với nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia Chương trình mà không cần sự hỗ trợ về vốn của Nhà nước.

Hiện nay, các Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp phân phối hàng hóa mà người sản xuất và tiêu dùng cũng được hưởng lợi; quy mô được mở rộng đến cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đến nay đã có hơn 36 địa phương triển khai Chương trình với khoảng hơn 244 doanh nghiệp tham gia kể cả cơ sở và hộ kinh doanh. Đối tượng tham gia Chương trình dự trữ bình ổn giá là các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, ngoài các doanh nghiệp phân phối thì ngày càng có nhiều doanh nghiệp sản xuất tham gia chương trình như Công ty TNHH Một Thành Viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), Công ty cổ phần Sài Gòn Food, Công ty cổ phần thực phẩm Thuận Phát... Thông qua Chương trình đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng hàng hóa từ nhà sản xuất tới nhà phân phối, người tiêu dùng; tạo lập được liên kết giữa các doanh nghiệp trong chương trình với nhau, giữa các doanh nghiệp trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Tại một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai đã và đang xây dựng, triển khai mô hình liên kết tiêu thụ nông sản. Bộ Công Thương cũng phối hợp chỉ đạo các địa phương nghiên cứu xây dựng Chương trình bình ổn giá theo hướng tập trung bình ổn giá từ gốc của sản xuất, hỗ trợ lãi suất cho người sản xuất...

Đối tượng tham gia chương trình là các mặt hàng thiết yếu (không phải là toàn bộ các mặt hàng tiêu dùng), trước đây chỉ tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong các dịp Tết Nguyên đán, đến nay Chương trình đã mở rộng, bình ổn đối với cả các mặt hàng giấy vở học sinh, dược phẩm, sữa.

Các mặt hàng bình ổn được bán trong hệ thống phân phối của các doanh nghiệp tham gia chương trình tại các địa phương được bán với giá tương đối ổn định, đảm bảo thấp hơn từ 5-10% so với giá các sản phẩm cùng loại trên thị trường, góp phần hạn chế mức tăng giá chung và tình trạng đầu cơ, găm hàng tại địa phương và các tỉnh thành lân cận.

Các điểm bán hàng bình ổn cũng không ngừng được tăng lên, số điểm bán hàng trong các năm gần đây đã được các doanh nghiệp tham gia Chương trình phát triển theo hướng tăng tập trung cho các huyện ngoại thành các khu công nghiệp và các chợ truyền thống nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn cho các đối tượng có thu nhập thấp. Mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn được nhân rộng và tập trung cho các vùng nông thôn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp...

Trong quá trình triển khai Chương trình, các địa phương cũng kết hợp thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và chương trình xúc tiến thương mại nội địa nên đối tượng mặt hàng bình ổn ưu tiên, tập trung vào các mặt hàng có nguồn gốc sản xuất trong nước, đồng thời các doanh nghiệp cũng tổ chức được rất nhiều các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, các chuyến hàng bình ổn đến các khu công nghiệp, khu chế xuất và được người dân đón nhận rất nồng nhiệt.

Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 222/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị trực tuyến sơ kết đánh giá Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn giá. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Thông báo nêu trên, ngày 26 tháng 10 năm 2012 Bộ Tài chính đã có Công văn số 14719/BTC-NSNN về việc bố trí nguồn kinh phí và kiểm soát sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình để địa phương thực hiện. Đồng thời, ngày 21 tháng 11 năm 2012, Bộ Công Thương đã có Công văn số 11272/BCT-TTTN hướng dẫn các địa phương thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường, giá cả. Bộ cũng yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát thực hiện Chương trình về sử dụng vốn tạm ứng, số lượng, chất lượng, cơ cấu và giá hàng hóa bình ổn thị trường, việc phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn, việc niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết tại các điểm bán hàng bình ổn...

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương triển khai nhân rộng mô hình bình ổn giá cả, thị trường, đẩy mạnh việc đưa hàng tới tay người tiêu dùng (nhất là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa), giảm thiểu các khâu trung gian sao cho người tiêu dùng được hưởng giá cả có lợi nhất.

Thông qua đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Bộ Công Thương xin cảm ơn cử tri tỉnh Phú Thọ đã quan tâm đến vấn đề nêu trên./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Dân nguyện-UBTVQH;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP;
- Chủ nhiệm VPQH;
- UBTW Mặt trận TQVN;
- Lãnh đạo Bộ;
- Các Bộ: KHCN, TC;
- Các Vụ: TTTN, TMMN, KHCN;
- Cục QLTT;
- Lưu: VT, KH (2b).

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12778/BCT-KH trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Thọ do Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 12778/BCT-KH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 28/12/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Vũ Huy Hoàng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/12/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản