Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12138/BTC-CST
V/v cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cây sắn và sản phẩm sắn

Hà Nội, ngày 12 tháng 9 năm 2017

 

Kính gửi: Hiệp hội sắn Việt Nam

Bộ Tài chính nhận được công văn số ngày 15/5/2017 của Hiệp hội sắn Việt Nam kiến nghị về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cây sắn và sản phẩm sắn do Văn phòng Chính phủ chuyển. Sau khi trao đổi ý kiến với các Bộ (Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

1. Về kiến nghị điều chỉnh mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho tinh bột sắn là 5%:

- Theo quy định của Luật thuế GTGT và các văn bản hướng dẫn thì sắn của tổ chức, cá nhân trực tiếp trồng bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT; sắn do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Sản phẩm sắn đã qua chế biến như bột từ sắn, tinh bột sắn, các sản phẩm từ tinh bột sắn đang được áp dụng thuế GTGT với thuế suất 10%.

- Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020 (điểm a khoản 1 Mục III Điều 1 Quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ), định hướng cải cách chính sách thuế GTGT theo hướng giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%. Ngày 17/8/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 10958/BTC-CST gửi xin ý kiến về đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% theo định hướng của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020.

Kiến nghị của Hiệp hội về sửa đổi mức thuế suất thuế GTGT đối với tinh bột sắn và các sản phẩm đã qua chế biến từ sắn thuộc thẩm quyền của Quốc hội và chưa phù hợp với định hướng cải cách chính sách thuế GTGT nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020. Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội sắn thực hiện theo quy định của pháp luật thuế GTGT hiện hành.

2. Về kiến nghị áp dụng thuế suất cao đối với xuất khẩu củ sắn tươi:

- Theo khung thuế suất thuế xuất khẩu theo từng nhóm hàng chịu thuế kèm theo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì mặt hàng sắn (sắn củ tươi) thuộc nhóm 0714 có khung thuế xuất khẩu là 0-10%. Thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP là 0%.

- Về nhu cầu sắn lát khô cần thiết cho sản xuất E100 từ 2018 trở đi: Với giả thiết 04 nhà máy sản xuất E100 đang có hiện nay tại Việt Nam (2 nhà máy của Công ty TNHH Tùng Lâm, 01 nhà máy của Công ty TNHH NLSH Phương Đông và 01 nhà máy sản xuất bioethanol Dung Quất - Công ty CP NLSH Miền Trung) chạy tối đa 100% công suất, Bộ Tài chính tính toán khả năng sản xuất E100 và nhu cầu sắn lát khô cho 04 nhà máy nêu trên cho giai đoạn 2018-2020 như sau:

- Năm 2018: Nếu 04 nhà máy đạt 100% công suất sản xuất được 400.000m3 E100 thì cần khoảng 0,912 triệu tấn sắn lát khô (quy đổi theo tỷ lệ: 2,28kg sắn lát khô thì sản xuất được 01 lít E100; 01 m3 E100 = 1.000 lít E100). Nhu cầu E100 năm 2018 dự kiến cần khoảng 311.370m3 E100 nên sẽ cần khoảng 0,71 triệu tấn sắn lát khô (khoảng 35% sản lượng sắn lát khô năm 2016);

- Năm 2019 cần khoảng 333.165m3 E100 để phối trộn xăng E5 nên sẽ cần khoảng 0,76 triệu tấn sắn lát khô (khoảng 38% sản lượng sắn lát khô năm 2016), nếu phối trộn xăng E10 thì cần khoảng 1,52 triệu tấn sắn lát khô (khoảng 76% sản lượng sắn lát khô năm 2016) để sản xuất được 666.331m3 E100;

- Năm 2020 cần khoảng 356.478m3 E100 để phối trộn xăng E5 nên sẽ cần khoảng 0,812 triệu tấn sắn lát khô (khoảng 41% sản lượng sắn lát khô năm 2016), nếu phối trộn xăng E10 thì cần khoảng 1,625 triệu tấn sắn lát khô (khoảng 81% sản lượng sắn lát khô năm 2016) để sản xuất được 712.000m3 E100.

Chi tiết tại Bảng như sau:

Nội dung

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Nhu cầu E100 (m3)

Nhu cầu sắn lát khô (tấn)

Nhu cầu E100 (m3)

Nhu cầu sắn lát khô (tấn)

Nhu cầu E10 (m3)

Nhu cầu sắn lát khô (tấn)

Ethanol biến tính dùng để pha E5(E100)

311.370

709.924

333.165

759.616

356.487

812.790

Ethanol biến tính dùng để pha E10(E100)

Chưa phát sinh

0

666.331

1.519.235

712.975

1.626.000

Như vậy, nhu cầu sắn lát khô để sản xuất E100 phục vụ phối trộn xăng E10 đến năm 2020 sử dụng gần hết 2 triệu tấn sắn lát khô (theo sản lượng sắn lát khô 2016) nên cần khuyến khích xuất khẩu. Đồng thời, cây sắn là cây xóa đói giảm nghèo của người nông dân, đặc biệt là nông dân vùng sâu vùng xa, góp phần ổn định chính trị và quốc phòng do mang lại việc làm và thu nhập cho người nông dân vùng sâu vùng xa. Việc áp dụng thuế xuất khẩu sẽ dẫn tới người chịu thiệt hại là bà con nông dân trồng sắn.

Ngày 10/8/2017, Bộ Tài chính đã có công văn số 10613/BTC-CST gửi Văn phòng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ tại Thông báo số 255/TB-VPCP, tại công văn đã có ý kiến “Bộ Tài chính đề nghị giữ ổn định chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn tươi, sắn lát khô từ nay đến năm 2020 để khuyến khích bà con yên tâm trồng sắn, ổn định thu nhập cho người nông dân vùng sâu vùng xa. Đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch dài hạn để phát triển ngành sản xuất E100 trong nước, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu”.

Vì vậy, về chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng sắn tươi, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội sắn thực hiện theo quy định hiện hành.

3. Về kiến nghị điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu củ sắn tươi:

- Theo quy định tại Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan và biểu thuế nhập khẩu thông thường thì mặt hàng sắn củ tươi (nhóm 07.14) có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi là 3% .

- Theo quy định tại Nghị định số 129/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN giai đoạn 2016-2018 thì mặt hàng sắn củ tươi (nhóm 07.14) có thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt là 0%.

- Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 124/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định thương mại song phương giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào “Điều 4. Hàng hóa nhập khẩu được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%: Hàng hóa nhập khẩu có xuất xứ từ CHDCND Lào, trừ hàng hóa nhập khẩu áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan quy định tại Điều 5 Nghị định này, mà không thuộc Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0% (không phần trăm) nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này”.

Theo Danh mục hàng hóa quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 124/2016/NĐ-CP thì các mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 không có tên tại Phụ lục I, phụ lục II Nghị định số 124/2016/NĐ-CP, theo đó, mặt hàng sắn thuộc nhóm 07.14 nhập khẩu từ Lào áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%.

Từ các quy định nêu trên, việc áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 3% là phù hợp để bảo hộ người nông dân trồng sắn trong nước, trường hợp mặt hàng sắn được nhập khẩu từ Lào và Campuchia nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định số 129/2016/NĐ-CP và Nghị định số 124/2016/NĐ-CP thì được áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt 0%. Vì vậy, thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sắn tươi, Bộ Tài chính đề nghị Hiệp hội sắn thực hiện theo quy định của pháp luật về chính sách thuế xuất nhập khẩu hiện hành.

4. Về cơ chế, chính sách tài chính, tín dụng để tạm trữ sản phẩm khi vào chính vụ và cho vay vốn trung hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng sản phẩm:

a) Về chính sách tín dụng ưu đãi trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:

- Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông thôn, nông thôn có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2015 và thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ.

- Ngày 14/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2014 và thay thế Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg và Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg.

- Ngày 24/4/2017, NHNN đã có Quyết định số 813/QĐ-NHNN về Chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/03/2017 của Chính phủ.

Các dự án đầu tư về cây sắn và sản phẩm từ sắn là các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, trường hợp các dự án này đáp ứng các điều kiện quy định tại các chính sách nêu trên sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ.

b) Về chính sách tín dụng đầu tư của Nhà nước:

Ngày 31/3/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2017/NĐ-CP về tín dụng đầu tư của Nhà nước (thay thế Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước). Theo đó, các dự án đầu tư trồng cây sắn và sản xuất sản phẩm từ sắn không thuộc danh mục các dự án vay vốn tín dụng đầu tư ban hành kèm theo Nghị định này, trừ trường hợp:

Các dự án đầu tư tổ chức thực hiện tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; Dự án tại vùng đồng bào dân tộc Khơ me sinh sống tập trung, các xã thuộc Chương trình 135 và các xã biên giới thuộc Chương trình 120, các xã vùng bãi.

Do đó, trường hợp các dự án đầu tư về cây sắn và sản phẩm sắn được tổ chức thực hiện tại các khu vực nêu trên có thể liên hệ với Ngân hàng phát triển để được hướng dẫn, xem xét cho vay vốn theo quy định.

c) Về chính sách tài chính, tín dụng để tạm trữ sản phẩm khi vào chính vụ (tránh bị ép giá khi vào chính vụ, gây thiệt hại cho người làm sắn):

Trong những năm qua Chính phủ đã triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua tạm trữ đối với mặt hàng thóc, gạo tại các thời điểm vào vụ thu hoạch rộ để ngăn chặn tình trạng dư cung, gây áp lực giảm giá, ảnh hưởng đến đời sống và thu nhập của người nông dân. Tuy nhiên, chính sách tạm trữ chỉ áp dụng đối với mặt hàng thóc, gạo là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa thực hiện bình ổn giá theo Luật giá và có ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của đại bộ phận người nông dân và vấn đề an sinh xã hội do sản xuất lúa chiếm tỷ trọng cao nhất trong sản xuất nông nghiệp nước ta.

Theo đánh giá, việc thực hiện chính sách tạm trữ là một giải pháp trước mắt để thu mua lượng thóc, gạo hàng hóa khi vào chính vụ nhưng không giải quyết được triệt để vấn đề tiêu thụ cũng như cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập của người dân. Trong hai năm 2016 và 2017, Chính phủ không thực hiện chính sách tạm trữ đối với thóc, gạo như các năm trước đây. Đối với mặt hàng sắn, là một mặt hàng nông sản thông thường, do đó Bộ Tài chính đề nghị không thực hiện chính sách tạm trữ mà cây sắn và sản phẩm sắn được hưởng các chính sách ưu đãi tương tự các sản phẩm nông sản, nông nghiệp theo quy định hiện hành.

Bộ Tài chính trả lời để Hiệp hội sắn Việt Nam được biết, thực hiện./

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- VPCP (để b/cáo);
- TCHQ;
- Cục TCDN;
- Vụ TCNH, Vụ Pháp chế;
- Lưu: VT, Vụ CST (Pxnk).

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH THUẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Thanh Hằng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 12138/BTC-CST năm 2017 về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với cây sắn và sản phẩm sắn do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 12138/BTC-CST
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 12/09/2017
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Nguyễn Thị Thanh Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/09/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản