Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11944/BTC-HCSN
V/v kiến nghị của ông Nguyễn Bảo Nam

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2018

 

Kính gửi: Ông Nguyễn Bảo Nam, Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt.

Bộ Tài chính nhận được công văn số 8506/VPCP-ĐMDN ngày 6/9/2018 của Văn phòng Chính phủ về việc kiến nghị của ông Nguyễn Bảo Nam, sau khi nghiên cứu, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Nội dung câu hỏi:

Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.

Theo quy định văn bản số 17/VBHN-BTC ngày 4/3/2014 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại cố định đối với cán bộ lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, xác tổ chức chính trị - xã hội thì “Giám đốc Sở, Ban, ngành và lãnh đạo cấp tương đương ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh Văn phòng cơ quan đảng ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ tiền điện thoại với mức từ 100.000-250.000 đồng/máy/tháng.

Tại điểm 5 điều 15 mục 5 Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập đối với đơn vị sự nghiệp trong lĩnh vực kinh tế và sự nghiệp khác (Thông tư số 145) quy định: Một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi đơn vị phải thực hiện theo đúng các quy định của Nhà nước, trong đó bao gồm tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động. Tại mục 2 khoản 6 Phụ lục số 01 kèm theo Thông tư số 145 quy định: “Tiêu chuẩn trang bị điện thoại và chi phí mua máy điện thoại, chi phí lắp đặt và hòa mạng đơn vị thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước. Riêng mức thanh toán tiền cước phí điện thoại, đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và đơn vị tự bảo đảm chi thường xuyên, chi phí điện thoại có thể xây dựng mức cao hơn hoặc thấp hơn so với quy định”.

Đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn:

- Cơ quan tôi cơ được khoán tiền điện thoại di động cao hơn mức quy định 100.000 - 250.000 đồng/máy/tháng theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 đối với chức danh được hưởng theo tiêu chuẩn không?

- Đối với các trường hợp còn lại không đủ tiêu chuẩn nhưng do công việc cần thiết phải sử dụng điện thoại để liên lạc thì đơn vị tôi có được khoán tiền cước sử dụng điện thoại hàng tháng cho cán bộ công nhân viên theo hướng dẫn tại điểm 5 Phụ lục số 01 nêu trên không?

Nội dung câu trả lời:

1. Về khoán tiền điện thoại di động cao hơn mức quy định 100.000 - 250.000 đồng/máy/tháng theo hướng dẫn tại Phụ lục số 01 Thông tư số 145 đối với chức danh được hưởng theo tiêu chuẩn:

Theo công văn hỏi của ông Nguyễn Bảo Nam kèm theo công văn số 8506/8VPCP-ĐMDN của Văn phòng Chính phủ: Trung tâm xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Thốt Nốt là đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi hoạt động thường xuyên.

Theo đó, tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (Nghị định số 141) quy định: Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên: “Đối với các nội dung chi đã có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị được quyết định mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành và được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị”.

Tại khoản 4 khoản 6 Điều 15 Thông tư số 145 quy định:

“Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định”.

Theo đó, căn cứ vào khả năng tài chính, đơn vị quyết định mức chi điện thoại di động và quyết định phương thức khoán chi phí điện thoại di động cho từng cá nhân, bộ phận theo quy định nêu trên.

2. Về khoán tiền cước sử dụng điện thoại hàng tháng cho cán bộ công nhân viên không đủ tiêu chuẩn nhưng do cần thiết phải sử dụng điện thoại để liên lạc:

Tại điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị định số 141 quy định: Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khác tự bảo đảm chi thường xuyên: “Đối với các nội dung chưa có định mức chi theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Căn cứ tình hình thực tế, đơn vị xây dựng mức chi cho phù hợp theo quy chế chi tiêu nội bộ và chịu trách nhiệm về quyết định của mình”.

Tại điểm 5 khoản 2 Phụ lục 01 Thông tư số 145 quy định: “Đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại cố định tại nhà riêng và điện thoại di động theo quy định trên, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì Thủ trưởng đơn vị được mở rộng đối tượng được cấp tiền để thanh toán tiền cước phí sử dụng điện thoại cho phù hợp (riêng tiền mua máy, chi phí lắp đặt và hòa mạng máy do cá nhân phải tự thanh toán)”.

Tại khoản 4 khoản 6 Điều 15 Thông tư số 145 quy định:

“Thủ trưởng đơn vị căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, quyết định phương thức khoản chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí và các khoản khoán khác; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định”.

Theo đó, đối với trường hợp không đủ tiêu chuẩn trang bị điện thoại theo quy định, nhưng trong thực tế xét thấy cần thiết phải trang bị để phục vụ công việc chung thì đơn vị xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ để làm căn cứ thực hiện và khoán theo quy định nêu trên.

Trên đây là ý kiến của Bộ Tài chính trả lời ông Nguyễn Bảo Nam./.

 


Nơi nhận:
- VPCP;
- Lãnh đạo Bộ (để b/c);
- Phòng TMCN VN;
- Vụ NSNN, PC;
- Lưu: VT, HCSN (8).

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG VỤ TÀI CHÍNH HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP




Phạm Văn Trường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 11944/BTC-HCSN năm 2018 kiến nghị về tiêu chuẩn, định mức sử dụng điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại cố định đối với cán bộ lãnh đạo trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 11944/BTC-HCSN
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 02/10/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Phạm Văn Trường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/10/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản