Hệ thống pháp luật

VIỆN THI ĐUA, KHEN THƯỞNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 118/TĐKT

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2002

 

CÔNG VĂN

CỦA VIỆN THI ĐUA KHEN THƯỞNG NHÀ NƯỚC SỐ 118/TĐKT NGÀY 1 THÁNG 3 NĂM 2002 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN CÔNG TÁC THI ĐUA KHEN THƯỞNG NĂM 2002

Kính gửi: Thường trực Thi đua - Khen thưởng các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các Tông Công Ty 91/TTg các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 35/TC-TW ngày 03/06/1998 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong giai đoạn mới, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại phiên họp lần thứ 11 ngày 22/01/2002 về một số nội dung công tác trọng tâm năm 2002; Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước hướng dẫn một số nội dung về công tác thi đua và khen thưởng trên một số mặt chủ yếu sau:

I. VỀ TỔ CHỨC CÁC PHONG TRÀO THI ĐUA

Nghị quyết Đại hội IX của Đảng và kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá X đã quyết định phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 - 2005 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2002.

Kế hoạch 5 năm 2001-2005 có vị trí rất trọng yếu, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi chiến lược 10 năm 2001-2010, một chặng quan trọng trên con đường đi tới mục tiêu xây dựng nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020. 5 năm này cũng là thời gian nước ta phải xúc tiến rất khẩn trương việc chuẩn bị thực hiện các cam kết, hội nhập kinh tế quốc tế.

Năm 2002 là năm thứ hai thực hiện kế hoạch 5 năm; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2002 có ý nghĩa rất lớn đối với kế hoạch thực hiện 5 năm (2001-2005).

Phong trào thi đua năm 2002 phải đạt được các yêu cầu cơ bản sau: phải sâu, rộng bao quát được toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế, các cơ quan Nhà nước, Đảng, đoàn thể phải phát triển ở tất cả các vùng; tạo được sự tiến bộ vượt bậc về năng suất, chất lượng hiệu quả kinh tế, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Nâng cao rõ rệt hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát huy nhân tố con người; đẩy lùi các tệ nạn xã hội, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để đạt được các yêu cầu và mục tiêu trên từ cơ sở đến Trung ương phát động và tổ chức thật tốt các phong trào thi đua, nhằm thẳng vào các mục tiêu quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng năm 2002 của Đảng và Chính phủ đề ra. (Từ các phong trào thi đua nêu ra dưới đây các cấp, các ngành, các đơn vị cụ thể hoá các thành phần tiêu chí cụ thể để làm cơ sở xét khen thưởng thi đua cho các tập thể: xã, huyện, cơ quan, đơn vị... và cá nhân lập thành tích trong năm 2002).

1- Phong trào thi đua phát huy mọi nguồn lực, đẩy mạnh sự nghiệp chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sản xuất kinh doanh với năng suất lao động, chất lượng và hiệu suất công tác, hiệu quả kinh tế cao nhất, xây dựng cơ quan đơn vị, địa phương giầu đẹp, văn minh.

Động viên mọi người, mọi nhà phát huy nguồn lực phát triển sản xuất kinh doanh đẩy mạnh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư.

Khu vực nông nghiệp và nông thôn đẩy mạnh các phong trào thi đua để có bước chuyển biến mạnh thành một nền nông nghiệp hàng hoá đa dạng, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và ngành nghề phi nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động và giải quyết việc làm ở nông thôn. Kinh tế hợp tác và hợp tác xã phải có bước phát triển mới nhằm hỗ trợ, bổ sung cho kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại, doanh nghiệp nhỏ. Đẩy mạnh phong trào xoá đói, giảm nghèo, giao thông nông thôn, phong trào lao động giỏi, thi đua đưa nhanh tiến bộ khoa học - công nghệ vào nông, lâm ngư nghiệp. Thi đua phát triển nhanh, vững chắc các làng nghề.

Trên lĩnh vực công nghiệp, tổ chức tốt phong trào thi đua phát huy sáng kiến, lao động giỏi, lao động sáng tạo. Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

Từng tổ chức, từng địa bàn động viên nông dân, công nhân viên chức lao động, thi đua sử dụng tốt lao động, đất đai và cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có.

Thi đua tăng năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu thị trường đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới.

Trong khu vực sự nghiệp, phát động cán bộ, công nhân viên chức thi đua lao động sáng tạo nâng cao kiến thức chuyên môn, nâng cao tinh thần và trách nhiệm trong công việc, nâng cao chất lượng nghiên cứu, chất lượng đào tạo, giáo dục; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.

Trong khu vực hành chính, thi đua nâng cao năng lực trí tuệ, làm tốt việc tham mưu, đề xuất xây dựng các chế độ, chính sách hợp thực tiễn, thi đua cải tiến lề lối làm việc cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng người công chức "trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu". Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính.

Để đẩy mạnh sản xuất, phát động toàn dân tiết kiệm, tăng tích luỹ, khuyến khích dân cư đầu tư mạnh vào sản xuất kinh doanh thu hút nhiều lao động, tăng thu cho ngân sách nhà nước

Trên từng địa bàn tổ chức thi đua thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về kinh tế, xã hội. Phát động phong trào thi đua: "Toàn dân làm kinh tế giỏi, từng người, từng nhà làm giầu cho mình, cho cộng đồng, cơ sở và cho đất nước" gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá".

2- Phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và phong trào học tập.

Đẩy mạnh phong trào thi đua nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo để bồi dưỡng, xây dựng con người toàn diện.

Học tập văn hoá, chuyên môn nghiệp vụ, chính trị, tin học, và ngoại ngữ phải được dấy lên thành cao trào.

Các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập và nghiên cứu khoa học cần được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng kịp thời.

3- Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

Từng cơ sở, từng địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", tạo cho được nếp sống lành mạnh, có văn hoá trong từng gia đình, từng cộng đồng.

Thi đua để có nhiều làng văn hoá mới, nhiều khu phố, nhiều điểm dân cư văn hoá mới.

4- Phong trào tiết kiệm triệt để trong sản xuất, công tác và tiêu dùng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thi đua phấn đấu giảm giá thành, giảm phí lưu thông, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm tỷ lệ sản phẩm sai hỏng, thu hồi, tái sinh tận dụng phế liệu làm ra sản phẩm mới; tiết kiệm triệt để các khoản chi, nhất là chi hành chính sự nghiệp, quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước cấp cho hành chính, sự nghiệp, cho quốc phòng, an ninh đúng theo các quy định, mang lại hiệu quả thiết thực. Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chống buôn lậu và gian lận thương mại phải được dấy lên thành cao trào sâu rộng và liên tục.

5- Phong trào thi đua tiếp tục cải cách mạnh mẽ hành chính, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương.

Thi đua tiếp tục thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giảm biên chế. Tiếp tục cải tiến lề lối làm việc trong các cơ quan Nhà nước, loại bỏ những việc làm hình thức, không hiệu quả kém thiết thực, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính.

Củng cố kỷ luật hành chính ở tất cả các cấp. Thi đua thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Xử lý nghiêm minh và kịp thời những vi phạm của công chức Nhà nước.

6- Phong trào toàn dân tham gia củng cố quốc phòng, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Quân đội nhân dân gia sức rèn luyện về mọi mặt, nâng cao sức mạnh toàn diện, xây dựng quân đội chính quy hiện đại; tích cực tham gia xây dựng kinh tế có hiệu quả, xây dựng các khu kinh tế, quốc phòng.

Công an nhân dân xây dựng lực lượng trong sạch vững mạnh, bảo đảm an ninh xã hội, chống hoạt động phá hoại nhiều mặt của kẻ thù, giữ gìn trật tự, trị an xã hội, chống mọi hoạt động tiêu cực.

Phát động phong trào toàn dân tham gia củng cố quốc phòng và an ninh, giữ gìn trật tự trị an, chống tiêu cực, gắn liền với phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hoá mới ở từng địa bàn dân cư.

Để phong trào thi đua thiết thực, có hiệu quả cao, ngoài việc phát động thi đua cả năm, cần chú ý tổ chức tốt các đợt thi đua ngắn, treo trước các phần thưởng và phải sơ kết từng đợt, đánh giá kết quả và khen thưởng kịp thời.

Tổ chức tốt việc ký kết, giao ước thi đua theo khối công tác, theo tính chất công việc giống nhau, gần giống nhau hoặc có quan hệ mật thiết. Thực hiện tốt việc xây dựng tiêu chí, thang điểm để chấm điểm thi đua, công khai so sánh xét chọn thành tích.

Các ngành, các địa phương và các đoàn thể cần phối kết hợp trong tổ chức và vận động thi đua, thực hiện tốt việc nồng ghép các phong trào.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần theo dõi phát hiện kịp thời các nhân tố mới, giới thiệu người tốt, việc tốt để loi gương, cổ vũ phong trào; phải đặc biệt chú trọng khai thác sáng kiến và kinh nghiêm của các anh hùng chiến sĩ thi đua.

Các Bộ, ngành, các địa phương tuỳ theo đặc điểm, điều kiện cụ thể của mình đề ra các phong trào thi đua cụ thể, có chất lượng, hiệu quả thiết thực, tránh phô trương, hình thức; các phong trào đã được phát động phải thường xuyên kiểm tra đánh giá, tổng kết kinh nghiệm, rút ra những bài học để tổ chức tốt hơn các phong trào thi đua sau này.

II. VỀ CÔNG TÁC KHEN THƯỞNG

1. Khen thưởng thành tích thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ công tác khác hàng năm (lâu nay vẫn gọi là khen thường xuyên).

a. Về đối tượng khen thưởng.

+ Đối tượng là cá nhân:

Hai năm gần đây các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Tổng công ty 91/TTg, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chú trọng khen cho cá nhân với các hình thức khen thưởng như: giấy khen của huyện, sở, Ban, Ngành; bằng khen của Bộ, Tỉnh, thành phố; như các hình thức khen từ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ đến huân chương các loại là đối tượng cá nhân chưa được chú trọng đúng mức (tỷ lệ phần trăm khen thưởng cho các tập thể vẫn còn cao hơn cá nhân).

Năm 2002 tiếp tục đổi mới mạnh hơn nữa trong khen thưởng. Chú trọng khen cá nhân nhiều hơn nhất là đối tượng công nhân, nông dân, các nhân viên kỹ thuật, chuyên viên; những người trực tiếp sản xuất, công tác.

Những người làm công tác Đảng có thành tích xứng đáng trong nghiên cứu, đề xuất và thi hành công vụ... cần được khen thưởng kịp thời.

+ Đối tượng là tập thể:

Chú trọng khen các đơn vị cơ sở, các tổ, đội, phân xưởng, các phòng, ban, các đơn vị nhỏ; khen thưởng cho các tập thể lớn cần xem xét rất kỹ tiêu chí chung để có thể so sánh sự nổi bật với đơn vị khác.

Khi xét khen thưởng chú ý cân đối, bao quát giữa các thành phần kinh tế, các cá nhân, tập thể thuộc kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn; các hộ sản xuât nông, lâm, ngư nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Các công ty liên doanh, liên kết với nước ngoài, các cá nhân, tập thể người nước ngoài có nhiều công lao đóng góp cho nước ta cần được chú trọng khen thưởng kịp thời.

b. Về thành tích để xét khen thưởng.

Khen phải bảo đảm đúng thành tích, đúng người, đúng việc và khen kịp thời. Chú trọng nhiều hơn các hình thức khen của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, của tỉnh, của huyện...

Thành tích tiêu biểu ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tiêu biểu vùng, tiêu biểu toàn quốc mới trình thủ tướng Chính phủ và Nhà nước khen thưởng.

Trong tình hình hiện nay phải lấy năng xuất lao động, hiệu suất công tác, chất lượng, hiệu quả kinh tế, xã hội làm mục tiêu, tiêu chuẩn thi đua và là thước đo để đánh giá kết quả thi đua, thước đo để xét khen thưởng.

Cần đặc biệt lưu ý căn cứ để xét khen thưởng các cá nhân, tập thể là thành tích cụ thể rõ ràng mà cá nhân, tập thể đạt được trong một số năm gần thời điểm xét khen thưởng; không cộng dồn thành tích đã được Nhà nước khen thưởng trong những năm trước đây và không lấy mức khen thưởng lần trước làm căn cứ chủ yếu để đề nghị mức khen thưởng mới cao hơn. Thành tích để xét khen thưởng là những cố gắng khắc phục khó khăn vươn lên hoàn thành vượt mức nhiệm vụ được giao, những sáng kiến, cải tiến có giá trị và hiệu suất công tác, năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả kinh tế - xã hội cao đạt được bằng sự nỗ lực chủ quan của cá nhân, đơn vị. Thành tích đạt được đến đâu, khen thưởng đến đó. Do vậy, một đơn vị, cá nhân có thể được khen thưởng nhiều lần cùng một hình thức của một cấp. Chỉ khi nào thành tích nổi trội, theo đúng tiêu chuẩn quy định tại Nghị định 56-CP của Chính phủ mới khen thưởng ở mức cao hơn.

c. Về thời gian xét khen thưởng

Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước yêu cầu từ năm 2002 trở đi, hàng năm chỉ trình Chính phủ, Nhà nước xét khen bằng khen và huân chương các loại trong 4 đợt theo đúng Nghị định 56-CP của Chính phủ đã quy định. Cụ thể xin hướng dẫn thêm như sau:

- Đợt 1: Khen thưởng trong dịp 1 tháng 5, các Bộ, ngành, Tổng công ty 91, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 1/3.

Riêng khen trong lĩnh vực y tế nhân ngày thầy thuốc Việt Nam phải hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng về Viện trước ngày 1/1.

- Đợt 2: Khen thưởng trong dịp 27/7 (Kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỹ), phải hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 1/6.

- Đợt 3: Khen thưởng trong dịp 2/9, phải hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng tới Viện thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 1/7.

- Đợt 4: Khen thưởng trong dịp 20/11 về thành tích giáo dục và đào tạo (ngày nhà giáo Việt Nam), phải hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 20/9.

Ngoài 4 đợt trên, Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước chỉ nhận hồ trình khen đột xuất các trường hợp sau:

+ Khen thưởng tổ chức, cá nhân người nước ngoài do yêu cầu của công tác đối ngoại.

+ Khen thành tích thực hiện một chiến dịch, một nhiệm vụ công tác trung tâm, đột xuất của Chính phủ trong năm.

+ Thành tích chống thiên tai.

+ Khen thưởng thành tích chiến đấu đột xuất của lực lượng vũ trang nhân dân có ảnh hưởng lớn trong nhân dân cần được mọi người học tập, noi gương kịp thời.

+ Khen thưởng những cán bộ Đảng, Nhà nước đã có nhiều công lao đối với sự nghiệp Cách mạng trong những trường hợp cần thiết.

Riêng đối với cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các Tổng Công ty 91/TTg, các địa phương thường trao vào dịp tổng kết thi đua cuối năm vì vậy trình vào hai đợt sau:

- Đợt 1: Hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 20/1 đối với các đối tượng không có nghĩa vụ phải nộp ngân sách Nhà nước.

- Đợt 2: Hoàn chỉnh các thủ tục và gửi các hồ sơ đề nghị khen thưởng cho các đối tượng còn lại tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trước ngày 15/4.

Sau ngày 15/4 Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước không xem xét trình khen thưởng cờ thi đua của Chính phủ về thành tích đạt được của năm trước. Khi trình cờ thi đua của Chính phủ, các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải gửi kèm theo biên bản xét chọn của Hội đồng thi đua - Khen thưởng.

Năm nay kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Viện huân chương (nay là Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước) 17 tháng 9 năm 1947 - 17 tháng 9 năm 2002, trong dịp này thường trực thi đua khen thưởng các cấp cần xem xét đề nghị các cấp khen thưởng cho các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích đóng góp cho phong trào thi đua và công tác khen thưởng, nhất là từ năm 1995 trở lại đây. Trường hợp trình bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và huân chương cần làm các thủ tục, hồ sơ trình vào đợt 3, để kịp quyết định khen thưởng trong dịp 2/9.

d. Về hồ sơ, thủ tục

Hồ sơ đề nghị khen thưởng thực hiện theo quy định tại Nghị định 56/CP của Chính phủ gồm:

- Tờ trình của Bộ, ngành, Tổng công ty 91/TTg, của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ xét khen thưởng.

- Thành tích của các đối tượng được đề nghị khen thưởng.

- Ý kiến hiệp y của địa phương hoặc Bộ, ngành liên quan.

Các đối tượng là đơn vị cơ sở và trưởng các đơn vị từ cơ sở trở lên thuộc Bộ, ngành thì phải có văn bản hiệp y của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đơn vị đóng trụ sở.

Các đơn vị nhỏ trực thuộc cơ sở, và các cá nhân khác thuộc Bộ, ngành không phải hiệp y của tỉnh, thành phố.

Các đơn vị, cá nhân thuộc các tỉnh, thành phố nói chung không cần có văn bản hiệp y của Bộ quản lý ngành; nhưng các đơn vị chủ yếu và các cá nhân có sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Bộ, ngành ở Trung ương như: Sở, Ban, ngành của tỉnh... và Thủ trưởng các đối tượng trên thì cần có văn bản hiệp y của Bộ, ngành ở Trung ương.

Việc lấy văn bản hiệp y của Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương có liên quan do Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước thực hiện để giảm thủ tục hành chính của các tỉnh, thành phố.

Cùng với các văn bản quy định ở trên, đối với các đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế còn phải kèm theo văn bản của chi cục thuế xác nhận cụ thể, rõ ràng hàng năm đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế đối với Nhà nước theo Luật thuế đã quy định (không chỉ xác nhận số thuế đã nộp như lâu nay vẫn làm).

Các hồ sơ quy định ở trên, mỗi đợt trình khen gửi tới Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước (cơ quan giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về công tác khen thưởng) 4 bộ (3 bộ chính, 1 bộ sao); Để Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch nước.

2. Về khen thưởng tổng kết và khen thưởng đối ngoại.

Năm 2002 tiếp tục xử lý tốt số tồn đọng trong việc tặng và truy tặng huân chương bậc cao theo Thông tri 38/TT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, Tổng Công ty 91-TTg và các địa phương thực hiện tốt việc tổng kết công tác khen thưởng thành tích kháng chiến, báo cáo Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước danh sách các đối tượng chưa đủ căn cứ, không đủ tiêu chuẩn và điều kiện khen hoặc có đủ điều kiện và tiêu chuẩn khen nhưng vì lý do nào đó chưa kịp trình Chính phủ để Viện tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Các Bộ, ngành các địa phương phải tổ chức tốt công tác lưu trữ các hồ sơ khen thưởng và kịp thời trả lời nhân dân khiếu nại về khen thưởng, tránh tình trạng đùn đẩy lên Trung ương.

Về khen thưởng đối ngoại, các Bộ, Ngành, đoàn thể Trung ương, Tổng công ty 91-TTg, các địa phương phải chú trọng khen các hình thức khen thưởng của cấp mình để khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể người nước ngoài khi họ hoàn thành một chương trình, dự án với Bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Những đối tượng có thành tích suất sắc trong việc ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam, khi đề nghị khen thưởng ở hình thức cao từ bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trở lên, cần lưu ý một số điểm sau:

Các đối tượng trực tiếp sang Việt Nam liên doanh, liên kết, xây dựng phát triển kinh tế, nhất thiết cơ quan nào cấp giấy phép hoạt động, theo dõi, quản lý thì cơ quan đó đứng ra làm thủ tục trình Nhà nước khen thưởng.

Điều kiện, tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ khen thưởng giống như các cá nhân, tập thể của Việt Nam quy định tại Nghị định 56-CP của Chính phủ.

Các đối tượng gián tiếp ủng hộ giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong các lĩnh vực xã hội, từ thiện, nhân đạo... thì cơ quan nào trực tiếp quan hệ mời vào hoặc cơ quan làm việc cuối cùng của Việt Nam đứng ra làm thủ tục trình Nhà nước khen thưởng và nhất thiết phải có ý kiến trao đổi bằng văn bản với Bộ Ngoại giao ta trước khi trình Chính phủ, đồng thời báo cho đối tượng biết.

Các Bộ, ngành đoàn thể Trung ương, các Tổng công ty 91-TTg, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào bản hướng dẫn này sớm cụ thể hoá thành văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc quyền thực hiện.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc cần phản ánh kịp thời để Viện Thi đua - Khen thưởng Nhà nước nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

 

 

Phạm Hữu Phụng

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 118/TĐKT của Viện Thi đua, Khen thưởng Nhà nước về việc hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng năm 2002

  • Số hiệu: 118/TĐKT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 01/03/2002
  • Nơi ban hành: Viện Thi đua, Khen thưởng Nhà nước
  • Người ký: Phạm Hữu Phụng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2002
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản