Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1178/BHXH-TCKT
V/v hướng dẫn thực hiện án phí, lệ phí Tòa án, phí thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2014

 

Kính gửi: Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Căn cứ Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án, Luật Thi hành án dân sự, Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự, Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 19/12/2011 hướng dẫn cơ chế quản lý tài chính về kinh phí tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, Công văn số 143/TANDTC-KHXX ngày 21/9/2011 của Tòa án nhân dân tối cao về việc một số vấn đề liên quan đến việc khởi kiện vụ án dân sự của cơ quan BHXH, Công văn số 425/TCTHA-NV1 ngày 20/02/2014 của Tổng cục thi hành án dân sự hướng dẫn việc thu chi phí xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến cơ quan BHXH, Công văn số 426/TCTHA-NV1 ngày 20/02/2014 của Tổng cục thi hành án dân sự hướng dẫn việc thu phí thi hành án liên quan đến cơ quan BHXH, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (viết tắt là BHXH các tỉnh) một số nội dung về thực hiện án phí, lệ phí Tòa án, phí thi hành án và chi phí cưỡng chế thi hành án như sau:

1. Khi khởi kiện các đơn vị sử dụng lao động ra Tòa án dân sự

a) Về án phí: Theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án, cơ quan BHXH không phải chịu phí thi hành án nên không phải nộp tiền tạm ứng án phí, án phí.

b) Về lệ phí Tòa án: Căn cứ quy định tại Điều 4 Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án, cơ quan BHXH nộp theo mức quy định tại Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Pháp lệnh Án phí, lệ phí Tòa án (nếu có) cho Tòa án nhân dân cấp huyện (hoặc cấp tỉnh).

2. Khi thực hiện thi hành án dân sự

a) Về phí thi hành án: Theo quy định tại Khoản 1, Điều 34 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP, cơ quan BHXH không phải chịu phí thi hành án nên không phải nộp phí thi hành án.

b) Về chi phí cưỡng chế thi hành án:

- Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP, cơ quan BHXH là người được thi hành án phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án, bao gồm:

+ Chi phí xác minh điều kiện thi hành án: Chi tiền công tác phí cho các đối tượng tham gia vào việc xác minh điều kiện thi hành án; chi bồi dưỡng cho các đối tượng tham gia vào quá trình xác minh điều kiện thi hành án; các chi phí khác phục vụ trực tiếp cho việc xác minh điều kiện thi hành án.

+ Chi phí định giá lại tài sản (nếu cơ quan BHXH yêu cầu định giá lại).

+ Một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ trong trường hợp bản án, quyết định xác định cơ quan BHXH phải chịu chi phí xây ngăn, phá dỡ.

- Mức chi cưỡng chế thi hành án: Thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 184/2011/TTLT-BTC-BTP .

- Trình tự thực hiện:

+ Cơ quan thi hành án gửi cơ quan BHXH một bản dự toán các nội dung chi phí cưỡng chế thi hành án theo Kế hoạch cưỡng chế đã được phê duyệt để theo dõi thực hiện, thanh toán.

+ Cơ quan BHXH: Căn cứ hồ sơ, biểu mẫu, chứng từ do cơ quan thi hành án chuyển đến, thanh toán chi phí cưỡng chế thi hành án cho cơ quan thi hành án theo nội dung chi và mức chi theo quy định, chuyển tiền vào tài khoản của cơ quan thi hành án.

3. Kinh phí chi lệ phí tòa án, chi phí cưỡng chế thi hành án được chi từ nguồn chi quản lý bộ máy được giao hàng năm của đơn vị và hạch toán, quyết toán vào Mục 7750, Tiểu mục 7756 - Chi các khoản phí, lệ phí.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc kịp thời phản ánh về BHXH Việt Nam (Ban Tài chính-Kế toán) để được hướng dẫn, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Tổng Giám đốc (để b/c);
- Lưu: VT, TCKT (2).

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Nguyễn Đình Khương