Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1154/LĐTBXH-LĐTL
V/v hướng dẫn chế độ trợ cấp thôi việc

Hà Nội, ngày 18 tháng 04 năm 2011

 

Kính gửi:

Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam.
(Đ/c: Tòa nhà Vinaconex, 34 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội)

Trả lời công văn số 0830A/2011/CV-PTNL ngày 31/3/2011 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam về việc hướng dẫn chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

1. Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1995, theo đó kể từ ngày này, khi người lao động thôi việc ở doanh nghiệp nào thì thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động ở doanh nghiệp đó, khi chuyển sang làm việc ở doanh nghiệp khác thì thực hiện giao kết hợp đồng lao động mới.

Trường hợp ông Trương Trần Hiển làm việc tại Công ty Thăng Long – Talimex (trước đây là Xí nghiệp sản xuất máy khâu Hà Nội), đến tháng 8/1997 ông Hiển thôi việc (chấm dứt hợp đồng lao động) để chuyển sang Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thì tại thời điểm thôi việc (tháng 8/1997, sau ngày Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành), Công ty Thăng Long – Talimex có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 10 Nghị định số 198/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ. Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam không có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho thời gian ông Hiển làm việc ở doanh nghiệp từ tháng 8/1997 trở về trước.

2. Theo quy định tại điểm c, khoản 3, mục III Thông tư số 20/2007/TT-LĐTBXH ngày 04/10/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì công ty cổ phần có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển sang khi người lao động đó thôi việc tại công ty cổ phần, kể cả khoản trợ cấp cho thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trước đó và thời gian người lao động làm việc tại công ty, đơn vị khác thuộc khu vực nhà nước nhưng chuyển đến công ty 100% vốn nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa nhận trợ cấp thôi việc.

Như vậy, đối với thời gian từ tháng 9/1997, ông Hiển làm việc theo hợp đồng lao động tại Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam nay chuyển thành Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam có trách nhiệm giải quyết trợ cấp thôi việc theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ đối với thời gian làm việc tại Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (kể cả thời gian làm việc theo hợp đồng lao động tại Tổng công ty trước khi cổ phần hóa).

3. Đối với thời gian ông Hiển làm việc tại Liên danh Vikowa thì căn cứ vào hợp đồng lao động đã giao kết giữa ông Hiển và Liên danh Vikowa, đề nghị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam chủ trì, phối hợp với Liên danh Vikowa giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho ông Hiển theo quy định tại khoản 1, Điều 42 Bộ luật Lao động.

Đề nghị Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước./.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu: VT, Vụ LĐTL.

TL. BỘ TRƯỞNG
 KT. VỤ TRƯỞNG VỤ LAO ĐỘNG – TIỀN LƯƠNG
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Hoàng Minh Hào  

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1154/LĐTBXH-LĐTL về hướng dẫn chế độ trợ cấp thôi việc do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 1154/LĐTBXH-LĐTL
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 18/04/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Hoàng Minh Hào
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 18/04/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản