Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC HẢI QUAN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 103/TCHQ-KTTT | Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 1999 |
Kính gửi: - Các cục Hải quan tỉnh, thành phố
Ngày 25-12-1998, liên Bộ Tài chính - Công nghiệp - Tổng cục Hải quan đã ban hành Thông tư liên tịch số 176/1998/TTLT-BTC-BCN-TCHQ hướng dẫn thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử, và Bộ Tài chính cũng đã ban hành Quyết định số 1944/1998/QĐ-BTC ngày 25-12-1998 về việc thực hiện thuế suất thuế ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm trên. Để thực hiện thống nhất trong cả nước, Tổng cục Hải quan hướng dẫn chi tiết thêm một số điểm như sau:
1. Chính sách thuế được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá:
Chỉ có thuế nhập khẩu mới được hưởng ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá. Còn các loại thuế khác như thuế giá trị gia tăng... vẫn nộp theo quy định hiện hành.
2. Đối tượng áp dụng.
a) Chỉ áp dụng việc tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hóa đối với việc nhập khẩu để phục vụ cho hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử có thuế suất thuế nhập khẩu (theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) từ 30% trở lên.
b) Việc áp dụng tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá cũng được áp dụng đối với việc nhập khẩu để phục vụ sản xuất hay lắp ráp phụ tùng của các mặt hàng đã nêu ở phần a trên.
Lưu ý phụ tùng (hoàn chỉnh) cũng phải có thuế suất thuế nhập khẩu (theo biểu thuế nhập khẩu ưu đãi) từ 30% trở lên.
II. CÁC ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC TÍNH THUẾ NHẬP KHẨUTHEO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ
Để được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá, các doanh nghiệp khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá phải có đầy đủ các điều kiện sau:
1. Doanh nghiệp phải có dây chuyền công nghệ sản xuất, láp ráp sản phẩm hay phụ tùng phù hợp với mặt hàng nhập khẩu.
Dây chuyền này phải được Bộ công nghiệp (hoặc cơ quan được Bộ công nghiệp uỷ quyền) kiểm tra và xác nhận bằng văn bản.
2. Sản phẩm hoặc phụ tùng được sản xuất hay láp ráp trong nước phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng do cơ quan tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp.
Trường hợp các doanh nghiệp mới được thành lập hoặc mới có dây chuyền công nghệ sản xuất, láp ráp bắt đầu đi vào sản xuất nên chưa có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm thì cho phép doanh nghiệp được nợ giấy chứng nhận này, nhưng chậm nhất không quá 06 (sáu) tháng kể từ khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên, doanh nghiệp phải nộp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký chất lượng.
3. Đăng ký kế hoạch nội địa hoá sản phẩm:
Bản đăng ký tỷ lệ nội địa hoá thực hiện đối với từng sản phẩm, phụ tùng và xác nhận của Bộ công nghiệp về việc doanh nghiệp có đủ điều kiện thực hiện nội địa hoá sản phẩm, phụ tùng theo tỷ lệ đăng ký.
III. QUY TRÌNH TÍNH VÀ THU THUẾ NHẬP KHẨU THEO TỶ LỆ NỘI ĐỊA HOÁ
1. Đăng ký hồ sơ
Để được áp dụng tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá các doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan hải quan các giấy tờ sau:
a. Bản đăng ký kế hoạch nội địa hoá sản phẩm (nêu ở Mục 3; Phần II nêu trên)
b. Danh mục và định mức về số lượng các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận cấu thành (dùng sản xuất hay lắp ráp) nên một sản phẩm hoặc một phụ tùng. Trong đó phân ra:
- Danh mục các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận nhập khẩu cùng giá nhập (giá CIF).
Danh mục các bán thành phẩm, chi tiết, cụm chi tiết, bộ phận sản xuất trong nước (đối với phụ tùng mua của các đơn vị sản xuất, lắp ráp trong nước thì phải ghi rõ tên đơn vị cung cấp), trong đó phải nêu rõ loại phụ tùng chi tiết bắt buộc phải sản xuất trong nước (trường hợp không có loại sản xuất trong nước cũng phải nói rõ).
Nếu doanh nghiệp nào đăng ký thực hiện thuế suất thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu theo tỷ lệ nội địa hoá thì phải cung cấp danh mục và định mức về số lượng nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất sản phẩm, phụ tùng đó. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực và chính xác của danh mục và định mức.
c. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải xuất trình cho cơ quan hải quan giấy tờ sau:
- Giấy xác nhận dây chuyền công nghệ.
- Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng.
2. Nơi làm thủ tục tính thuế và theo dõi hàng nhập khẩu:
a. Nơi làm thủ tục: Để thuận tiện cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và sự theo dõi quản lý của cơ quan hải quan thì các doanh nghiệp đăng ký nộp thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá chỉ được mở tờ khai hải quan hàng nhập khẩu tại một Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp thấy thuận lợi nhất.
Khi doanh nghiệp kê khai làm thủ tục nhập khẩu để tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá thì Cục Hải quan địa phương yêu cầu doanh nghiệp phải mở sổ theo dõi việc nhập khẩu nguyên, vật liệu, bán thành phẩm, chi tiết... để đảm bảo việc nhập khẩu phục vụ đưa vào sản xuất, lắp ráp, ngăn chặn tình trạng lợi dụng kê khai đưa vào sản xuất, lắp ráp để nhượng bán ra ngoài, không sản xuất và được hưởng mức thuế nhập khẩu ưu đãi.
b. Tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá:
b.1. Cơ quan Hải quan căn cứ vào Bản đăng ký tỷ lệ nội địa hoá thực hiện đối với từng sản phẩm, phụ tùng của doanh nghiệp và đã được Bộ Công nghiệp xác nhận để xác định tỷ lệ nội địa hoá làm căn cứ tính thuế nhập khẩu.
b.2. Việc phân loại sản phẩm hoặc phụ tùng của ngành điện tử hay ngành cơ khí - điện... để áp thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá đã quy định tại Quyết định số 1944/1998/QĐ-BTC ngày 25-12-1998 của Bộ Tài chính. Yêu cầu các Cục Hải quan địa phương cũng căn cứ vào bản đăng ký của doanh nghiệp và xác nhận của Bộ Công nghiệp để áp suất thuế cho phù hợp.
b.3. Cách áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu:
- Trường hợp áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá thì căn cứ vào tỷ lệ nội địa hoá loại sản phẩm hay phụ tùng để áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu (Lưu ý: trong trường hợp này, toàn bộ nguyên vật liệu chỉ được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá, kể cả trường hợp thuế suất thuế nhập khẩu của nguyên vật liệu, phụ tùng theo quy định của Biểu thuế nhập khẩu thấp hơn thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá).
- Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn việc nộp thuế nhập khẩu theo thuế suất cho từng loại nguyên vật liệu theo đúng biểu thuế nhập khẩu thì toàn bộ nguyên vật liệu nhập khẩu đều phải áp dụng theo đúng mức thuế suất quy định của Biểu thuế nhập khẩu, kể cả các trường hợp nguyên vật liệu có mức thuế suất cao hơn mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá.
b.4. Chỉ số ưu tiên
Một số trường hợp cần ưu tiên thì Bộ Công nghiệp sẽ xét duyệt và công bố các sản phẩm hoặc phụ tùng ưu tiên được áp dụng giảm thuế suất thuế nhập khẩu theo hệ số điều chỉnh (k).
Hệ số điều chỉnh (k) này cũng do Bộ Công nghiệp xét duyệt và công bố.
b.5. Trường hợp đối với những sản phẩm, phụ tùng có quy định những chi tiết linh kiện bắt buộc phải sản xuất tại Việt Nam nhưng nếu doanh nghiệp vẫn sử dụng chi tiết, linh kiện nhập khẩu (loại bắt buộc sản xuất tại Việt Nam) để sản xuất lắp ráp sản phẩm, phụ tùng đó thì không được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá.
c. Quyết toán hàng nhập khẩu:
c.1. Cuối mỗi năm, Cục Hải quan tỉnh, thành phố phải đôn đốc tổ chức quyết toán việc nhập khẩu trên cơ sở giấy tờ đã quy định tại Khoản 7.2.2, Mục 7 Thông tư liên tịch số 176 nêu trên.
Thời gian doanh nghiệp nộp báo cáo quyết toán chậm nhất đến ngày 31 tháng 3 năm sau. Đến hết ngày này, nếu doanh nghiệp chưa báo cáo quyết toán (mà không có lý do giải trình) thì Cục Hải quan tạm thời không cho doanh nghiệp được áp dụng thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các lô hàng tiếp theo.
c.2. Các số liệu trong báo cáo quyết toán của doanh nghiệp phải có sự xác nhận của cơ quan Kiểm toán.
c.3. Đối với số bán thành phẩm, chi tiết, linh kiện đã nhượng bán hoặc không sử dụng vào mục đích lắp ráp hay sản xuất sản phẩm, phụ tùng thì sẽ bị tính lại và truy thu thuế nhập khẩu theo đúng quy định tên hàng cụ thể trong Biểu thuế nhập khẩu.
Sau hai ngày kể từ ngày nhượng bán hoặc sử dụng không đúng mục đích thì doanh nghiệp phải chủ động khai báo với cơ quan Hải quan nơi nhập khẩu để được tính lại thuế. Trường hợp không tự giác kê khai thì khi bị phát hiện, doanh nghiệp phải chịu phạt vi phạm hành chính và phạt chậm nộp thuế.
Thời điểm áp dụng thuế suất, giá tính thuế, tỷ giá truy thu được xác định tại thời điểm nhượng bán.
- Việc áp dụng tính thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá bắt đầu áp dụng đối với các tờ khai hàng hoá nhập khẩu đăng ký với cơ quan hải quan từ ngày 01-01-1999 trở đi.
- Đối với các sản phẩm đã được quy định tiêu chuẩn dạng rời SKD, CKD, IKD thì các doanh nghiệp được tự lựa chọn một trong hai quy định: Nộp thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá hoặc nộp thuế nhập khẩu theo tiêu chuản dạng rời SKD, CKD, IKD. (Trường hợp nộp thuế nhập khẩu theo dạng rời SKD, CKD, IKD thì chỉ áp dụng đến hết ngày 31-12-2000). Bắt đầu từ ngày 01-01-2001 sẽ chỉ áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá.
- Đối với các trường hợp sản phẩm, phụ tùng chưa có quy định tiêu chuẩn dạng rời SKD, CKD, IKD đang thực hiện tạm thời theo Thông tư 50A-TC/TCT ngày 31-07- 1997 của Bộ Tài chính thì các doanh nghiệp được phép tiếp tục thực hiện Thông tư số 50A-TC/TCT tối đa đến hết ngày 30-06-1999 hoặc chuyển sang thực hiện ngay quy đinh thuế suất theo tỷ lệ nội địa hoá. Từ ngày 01-07-1999, Thông tư 50A-TC/TCT dẫn trên hết hiệu lực thi hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc, yêu cầu các Cục Hải quan tỉnh, thành phố báo cáo về Tổng cục Hải quan (Cục kiểm tra - thu thuế xuất nhập khẩu) để được giải quyết cụ thể.
| Nguyễn Văn Cầm (Đã ký)
|
- 1Thông tư 50A-TC/TCT-1997 quy định tạm thời về thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, chi tiết nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp các sản phẩm chưa có quy định tiêu chuẩn dạng lắp ráp SKD,CKD, IKD do Bộ Tài chính ban hành
- 2Thông tư liên tịch 176/1998/TTLT/BTC-BCN-TCHQ thực hiện chính sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí - điện - điện tử do Bộ Tài chính - Bộ Công nghiệp - Tổng cục Hải quan ban hành
- 3Quyết định 1944/1998/QĐ-BTC về quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi theo tỷ lệ nội địa hoá đối với các sản phẩm, phụ tùng thuộc ngành cơ khí điện tử do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 4Công văn 6540/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc thực hiện điểm 5 Thông tư liên tịch số 176/1999/TTLT/BTC-BCN-TCHQ
Công văn 103/TCHQ-KTTT của Tổng cục Hải quan về việc hướng dẫn thu thuế nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá
- Số hiệu: 103/TCHQ-KTTT
- Loại văn bản: Công văn
- Ngày ban hành: 07/01/1999
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Văn Cầm
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 07/01/1999
- Ngày hết hiệu lực: 09/01/2001
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra