Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TỔNG CỤC HẢI QUAN
CỤC GSQL VỀ HẢI QUAN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1026/GSQL-GQ1
V/v NK mặt hàng hạt ngô, hạt đậu nành làm thức ăn chăn nuôi

Hà Nội, ngày 09 tháng 09 năm 2015

 

Kính gửi: Công ty CP phân phối sản phẩm công nghệ MT.
(Đ/c: Số nhà 26, ngõ 151 Nguyễn Đức Cảnh, P. Tương Mai, Q.Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời công văn 150803/CV-MT ngày 03/8/2015 của Công ty phân phối sản phẩm công nghệ MT về việc nêu tại trích yếu, Cục Giám sát quản lý về Hải quan có ý kiến như sau:

1. Về điều kiện nhập khẩu:

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ thì: Thương nhân Việt Nam không có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài được xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa không phụ thuộc vào ngành nghề đăng ký kinh doanh (trừ hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu quy định tại Nghị định này và các văn bản pháp luật khác).

Căn cứ Nghị định 187/2013/NĐ-CP dẫn trên và Thông tư số 04/2014/TT-BCT ngày thì mặt hàng hạt ngô và hạt đậu nành không thuộc Danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu, tạm ngừng nhập khẩu.

Về chính sách quản lý đối với mặt hàng hạt ngô và hạt đậu nành nhập khẩu làm thức ăn chăn nuôi: Thực hiện theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi.

Do vậy, đề nghị Công ty căn cứ quy định trên để thực hiện.

2. Về thủ tục nhập khẩu: Đề nghị Công ty nghiên cứu quy định về hồ sơ hải quan nhập khẩu và thủ tục nhập khẩu tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan và tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Ngoài ra, mặt hàng hạt ngô và hạt đậu nành khi nhập khẩu thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật theo Thông tư số 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/9/2014 về ban hành Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật; Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật phải phân tích nguy cơ dịch hại trước khi nhập khẩu vào Việt Nam và thuộc đối tượng phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan theo Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT ngày 18/8/2009 ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Thông tư số 50/2010/TT-BNNPTNT ngày 30/8/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Danh mục hàng hóa nhóm 2 tại Thông tư số 50/2009/TT-BNNPTNT dẫn trên.

3. Về mã số hàng hóa:

Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 103/2015/TT-BTC ngày 1/7/2015 của Bộ Tài chính thì:

- Mặt hàng ngô hạt, còn hoặc không còn ở trên bông hay trên thân cây thuộc nhóm 10.05 “Ngô”. Tuy nhiên, nhóm này không bao gồm ngô ngọt (chương 7) và ngô đã xát vỏ hoặc chế biến cách khác (nhóm 11.04).

- Mặt hàng hạt đậu nành thuộc nhóm 12.01 “Đậu tương, đã hoặc chưa vỡ mảnh”. Tuy nhiên, nhóm này không bao gồm đậu tương rang được dùng làm các sản phẩm thay thế cà phê (nhóm 21.01).

Đề nghị Công ty căn cứ vào thực tế hàng hóa để xác định mã số cụ thể cho mặt hàng.

4. Về thuế nhập khẩu:

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu từ các nước có quan hệ tối huệ quốc với Việt Nam thì áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính và các Thông tư sửa đổi của Thông tư này.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu đáp ứng các điều kiện quy định tại các Thông tư ban hành các Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt thì áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt tại các biểu thuế đó.

5. Về thuế giá trị gia tăng:

Theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, thì:

- Khoản 1 quy định: Sản phẩm trồng trọt (bao gồm cả sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT;

- Khoản 2 quy định: Thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang) theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và khoản 2, khoản 3 Điều 1 Thông tư số 50/2014/TT-BNNPTNT ngày 24/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Theo đó, mặt hàng hạt ngô và hạt đậu nành nhập khẩu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi nếu đáp ứng quy định tại khoản 2 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính thì thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Việc xuất hóa đơn GTGT trong nội địa đề nghị Công ty liên hệ với cơ quan Thuế để được hướng dẫn.

Cục Giám sát quản lý về Hải quan trả lời để Công ty được biết./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- PTCT Vũ Ngọc Anh (để b/cáo);
- Lưu: VT, GQ1 (3b).

KT. CỤC TRƯỞNG
PHÓ CỤC TRƯỞNG




Ngô Minh Hải