Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10214/BTC-ĐT
V/v đề xuất cơ chế sử dụng nguồn vốn của các địa phương có khả năng chi cho nhiệm vụ xây dựng các công trình biên giới để quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2023

 

Kính gửi: Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.

Bộ Tài chính nhận được văn bản số 112/TB-VPCP ngày 11/7/2023 của Văn phòng Chính phủ về thông báo thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, trong đó có nội dung: Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan và địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế sử dụng nguồn vốn của các địa phương có khả năng chi cho nhiệm vụ xây dựng các công trình biên giới để quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia để chủ động thực hiện có hiệu quả theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan. Sau khi nghiên cứu pháp luật hiện hành, Bộ Tài chính báo cáo như sau:

- Luật Biên giới quốc gia số 06/2003/QH11 ngày 17/6/2023 của Quốc hội quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới, quy định: Công trình biên giới là công trình được xây dựng để cố định đường biên giới quốc gia, công trình phục vụ việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (khoản 6, Điều 4); Hàng năm, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án .... công trình biên giới trình Chính phủ quyết định (Điều 26); Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng công trình biên giới, mốc quốc giới để quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia (Điều 27).

- Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật biên giới quốc gia, theo đó khoản 2,3 Điều 9 quy định về xây dựng công trình biên giới: Công trình để cố định đường biên giới quốc gia do các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch trình Chính phủ quyết định; Công trình phục vụ hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia do Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch trình Chính phủ Quyết định; Điều 24 phân cấp nhiệm vụ chi ngân sách về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới “1. Ngân sách trung ương bảo đảm cho các nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới do các cơ quan, đơn vị Trung ương thực hiện. 2. Ngân sách địa phương bảo đảm cho các nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới do các địa phương thực hiện”.

Như vậy, với quy định trên chưa quy định cụ thể công trình cố định đường biên giới quốc gia nào do trung ương đảm bảo nguồn vốn và công trình nào do địa phương đảm bảo nguồn vốn thực hiện.

- Việc đầu tư các công trình biên giới thực hiện theo quy định Luật Biên giới năm 2003, Nghị định số 140/2004/NĐ-CP ngày 25/6/2004 của Chính phủ, theo đó đã quy định chi từ ngân sách ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để xây dựng công trình cố định đường biên giới quốc gia chưa quy định loại công trình biên giới nào thuộc trách nhiệm từ ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương. Việc này dẫn đến tình trạng không thống nhất trong đề xuất nguồn vốn đầu tư giữa các địa phương; thực tế trong giai đoạn vừa qua các công trình này chủ yếu được đầu tư bằng ngân sách trung ương (nguồn tăng thu, dự phòng ngân sách trung ương).

- Để có căn cứ pháp lý thống nhất trong việc xác định rõ đối tượng dự án công trình cụ thể theo nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới thuộc trách nhiệm trung ương hay địa phương, cần nghiên cứu quy định rõ khi sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2004/NĐ-CP (tại văn bản số 112/TB-VPCP ngày 11/7/2023 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã giao Bộ Quốc phòng chủ trì sửa đổi).

- Việc đề xuất có cơ chế sử dụng ngân sách địa phương chi trả cho nhiệm vụ của ngân sách trung ương (bao gồm cả công trình để cố định đường biên giới quốc gia) sẽ được Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước. Trước mắt, đối với những dự án gắn trực tiếp với việc bảo vệ cột mốc, biên giới, công trình đầu tư quy mô lớn, địa phương phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao lập dự án đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương; đối với các dự án quy mô nhỏ gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn địa phương, tỉnh chủ động sử dụng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương và các khoản bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác để thực hiện. Việc xác định quy mô đầu tư để phân định trách nhiệm ngân sách trung ương hay ngân sách địa phương đề nghị giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xác định làm cơ sở thực hiện.

Trên đây là ý kiến Bộ Tài chính về đề xuất của tỉnh Quảng Ninh sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện các công trình biên giới, Bộ Tài chính xin báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, xem xét có ý kiến chỉ đạo./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- VPCP;
- Các Bộ: QP, NG, KH&ĐT;
- Các Vụ: NSNN, PC;
- Lưu: VT, ĐT (4).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Võ Thành Hưng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 10214/BTC-ĐT năm 2023 về đề xuất cơ chế sử dụng nguồn vốn của các địa phương có khả năng chi cho nhiệm vụ xây dựng các công trình biên giới để quản lý, bảo vệ chủ quyền quốc gia do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 10214/BTC-ĐT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 22/09/2023
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 22/09/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản