Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC THUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1014/TCT-PC
V/v hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất hóa đơn

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2021

 

Kính gửi: Cục thuế tỉnh Bình Thuận

Trả lời Công văn số 687/CTBTH-TTKT3 của Cục thuế tỉnh Bình Thuận đề nghị hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất hóa đơn GTGT đầu vào của Công ty Cổ phần Cảng Cạn Đức Khải, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:

1. Về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán:

- Khoản 18 Điều 3 Luật Kế toán số 88/2015/QH13 ngày 20/11/2015 quy định: “Tài liệu kế toán là chứng từ kế toán, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo kế toán quản trị, báo cáo kiểm toán, báo cáo kiểm tra kế toán và tài liệu khác có liên quan đến kế toán.”

- Khoản 1 Điều 12 Luật Kế toán quy định:

“1. Kỳ kế toán gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng và được quy định như sau:

a) Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch”.

- Điều 41 Luật Kế toán quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán:

“1. Tài liệu kế toán phải được đơn vị kế toán bảo quản đầy đủ, an toàn trong quá trình sử dụng và lưu trữ...

3. Tài liệu kế toán phải đưa vào lưu trữ trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc kết thúc công việc kế toán...

5. Tài liệu kế toán phải được lưu trữ theo thời hạn sau đây:

b) Ít nhất là 10 năm đối với chứng từ kế toán sử dụng trực tiếp để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, sổ kế toán và báo cáo tài chính năm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Lưu trữ vĩnh viễn đối với tài liệu kế toán có tính sử liệu, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng ”.

2. Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán:

- Khoản 2 Điều 15 Nghị định 41/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập quy định:

“2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

b) Bảo quản tài liệu kế toán không an toàn, để hư hỏng, mất mát tài liệu trong thời hạn lưu trữ”.

3. Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn của người mua:

- Khoản 1 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 14/9/2013 của Chính phủ phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định:

“Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho người mua) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách, trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn”.

- Khoản 6 Điều 3 Nghị định 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định:

“6. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 39 như sau:

“1. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách: trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

Trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng), người bán và người mua lập biên bản ghi nhận sự việc, người bán đã kê khai, nộp thuế, có hợp đồng, chứng từ chứng minh việc mua bán hàng hóa và có một tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt ở mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có từ hai tình tiết giảm nhẹ thì xử phạt cảnh cáo”.

- Khoản 6 Điều 1 Thông tư 176/2016/TT-BTC ngày 31/10/2016 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn quy định xử phạt VPHC về hóa đơn quy định:

“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi làm mất, chảy, hỏng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) để hạch toán kế toán, kê khai thuế và thanh toán vốn ngân sách; trừ trường hợp mất, cháy, hỏng hóa đơn do thiên tai, hỏa hoạn hoặc do sự kiện bất ngờ, sự kiện bất khả kháng khác thì không bị xử phạt tiền.

Trường hợp mất, cháy, hóng hóa đơn đã lập (liên giao cho khách hàng) trong thời gian lưu trữ thì xử phạt theo pháp luật về kế toán”.

4. Về việc áp dụng tình tiết tăng nặng trong xử phạt VPHC:

- Điểm l Điều 10 Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20/3/2012 của Quốc hội quy định về tình tiết tăng nặng:

“l) Vi phạm hành chính có quy mô lớn, số lượng hoặc trị giá hàng hóa lớn”.

- Khoản 6 Điều 3 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 14/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn quy định:

“Khi phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về giá, phí, lệ phí, hóa đơn, mức phạt cụ thể đối với một hành vi không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu cộng mức tối đa.

Trường hợp có một tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ thì áp dụng mức trung bình tăng thêm hoặc mức trung bình giảm bớt. Mức trung bình tăng thêm được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối đa và mức trung bình. Mức trung bình giảm bớt được xác định bằng cách chia đôi tổng số của mức tối thiểu và mức trung bình”.

5. Về xử phạt hành vi vi phạm quy định về lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn:

- Tại Khoản 1 Điều 24 Thông tư 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính quy định:

“Tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh nếu phát hiện mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập hoặc chưa lập phải lập báo cáo về việc mất, cháy, hỏng và thông báo với cơ quan thuế quản lý trực tiếp (mẫu số 3.8 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) chậm nhất không quá năm (05) ngày kể từ ngày xảy ra việc mất, chảy, hỏng hóa đơn. Trường hợp ngày cuối cùng (ngày thứ 05) trùng với ngày nghỉ theo quy định của pháp luật thì ngày cuối cùng của thời hạn được tính là ngày tiếp theo của ngày nghỉ đó”.

- Khoản 4 Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:

“Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 21 ngày đến 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định”.

Đề nghị Cục thuế tỉnh Bình Thuận căn cứ các quy định nêu trên để thực hiện xử lý theo quy định.

Do việc mất hóa đơn Công ty cổ phần Cảng cạn Đức Khải số lượng lớn, trong thời gian dài (từ 2009 đến 2020), vì vậy đề nghị Cục thuế thực hiện kiểm tra làm rõ các nội dung liên quan, xác định cụ thể hành vi vi phạm để xử lý cho phù hợp, đồng thời ngăn ngừa rủi ro gian lận thuế.

Tổng cục Thuế trả lời Cục thuế tỉnh Bình Thuận biết và thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Các Vụ: Chính sách, Thanh tra, DNL;
- Lưu: VT, PC (02b).

TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG VỤ PHÁP CHẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Bùi Công Minh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công văn 1014/TCT-PC năm 2021 hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi làm mất hóa đơn do Tổng cục Thuế ban hành

  • Số hiệu: 1014/TCT-PC
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 07/04/2021
  • Nơi ban hành: Tổng cục Thuế
  • Người ký: Bùi Công Minh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/04/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản