Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN DÂN TỘC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1006/UBDT-CSDT
V/v góp ý Đề án đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch

Hà Nội, ngày 12 tháng 8 năm 2020

 

Kính gửi: Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông

Ủy ban Dân tộc nhận được Công văn số 465/BDT-NV ngày 02/7/2020 của Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông về việc xin ý kiến góp ý Đề án đào tạo nghề gắn với phát triển du lịch đối với đồng bào M’Nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Sau khi nghiên cứu, Ủy ban Dân tộc có ý kiến như sau:

I. VỀ Ý KIẾN CHUNG:

1. Việc xây dựng và thực hiện Đề án đào tạo nghề gắn với du lịch của tỉnh Đắk Nông là hết sức cần thiết và phù hợp với nội dung của dự án 6 và dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Ủy ban Dân tộc nhất trí với đề xuất của Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông lồng ghép đề án này vào Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 khi Chương trình mục tiêu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

2. Để có thể lồng ghép có hiệu quả Đề án với Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội và miền núi giai đoạn 2021-2030, đề nghị tiếp cận giải pháp đồng bộ theo các hướng:

- Đào tạo nghề gắn với phát triển làng nghề và phát triển du lịch.

- Đào tạo nghề gắn với việc làm thông qua các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Mở rộng đề án đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đắk Nông gắn với phát triển toàn diện kinh tế xã hội của tỉnh Đắk Nông.

II. VỀ Ý KIẾN CỤ THỂ VỚI ĐỀ ÁN:

1. Tại Chương I, phần I. Sự cần thiết xây dựng Đề án và Chương III: Nội dung thực hiện Đề án: Đề nghị không dùng thuật ngữ “dân tộc bản địa”, “đồng bào M’Nông bản địa”. Đề nghị sử dụng thuật ngữ về người dân tộc thiểu số theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/1/2011 về công tác dân tộc.

2. Trong phần II. Mục tiêu trọng điểm xây dựng Đề án: Phần mục tiêu tổng quát cần đưa ra mục tiêu cần đạt được về kinh tế, xã hội, môi trường trong giai đoạn phân kỳ thực hiện dự án. Mục tiêu tổng quát cần diễn đạt ngắn gọn, súc tích; về mục tiêu cụ thể cần định lượng một số chỉ tiêu cụ thể, thiết thực mà đề án cần đạt được trong từng giai đoạn như số lượng người được đào tạo theo ngành nghề, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm trong từng giai đoạn; số người hưởng lợi từ đề án, mô hình du lịch tại các điểm du lịch v.v.

3. Về thời gian thực hiện Đề án: Để có thể lồng ghép vào Chương trình mục tiêu, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án theo phân kỳ phù hợp với giai đoạn 2021-2030.

4. Đề nghị nghiên cứu kỹ phong tục tập quán văn hóa của từng nhóm dân tộc thiểu số ở Đắk Nông để lồng ghép vào trong các mô hình du lịch để thu hút khách du lịch quốc tế và phát triển du lịch hiệu quả tại địa phương.

5. Cần có các giải pháp phù hợp về quy hoạch, bảo tồn và phát triển nghề và làng nghề truyền thống; giải pháp về kích cầu, giải pháp về xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm; giải pháp về xử lý chất thải, vệ sinh môi trường, giải pháp về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

6. Đề nghị nghiên cứu sâu hơn về đặc trưng văn hóa M’Nông (trang 10) theo các phần cụ thể: Văn hóa sinh hoạt và sản xuất, trang phục, đời sống kinh tế, nhà ở, văn hóa vật thể và phi vật thể, nghề truyền thống.

Ủy ban Dân tộc, đề nghị Ban Dân tộc tỉnh Đăk Nông tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện./.

 


Nơi nhận:

- Như trên;
- Bộ trưởng, Chủ nhiệm (để b/c);
- Vụ Địa phương II;
- Cổng TTĐT của UBDT;
- Lưu: VT, CSDT (3bản).

TL. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
VỤ TRƯỞNG VỤ CHÍNH SÁCH DÂN TỘC




Bùi Văn Lịch