Hệ thống pháp luật

Phần 2 Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

PHẦN II

Điều 42.

Các Quốc gia thành viên cam kết phổ biến rộng rãi những nguyên tắc và quy định của Công ước này tới người lớn cũng như trẻ em, bằng các phương tiện thích hợp và tích cực.

Điều 43.

1. Nhằm mục đích xem xét sự tiến bộ mà các Quốc gia thành viên đạt được trong việc thực hiện những nghĩa vụ họ đã cam kết trong Công ước này, một Ủy ban về quyền trẻ em được thành lập để thực hiện các chức năng quy định dưới đây:

2. Ủy ban này bao gồm 18 chuyên gia có đạo đức tốt và có năng lực được thừa nhận trong lĩnh vực mà Công ước đề cập[1]. Các thành viên của Ủy ban sẽ do những Quốc gia thành viên bầu ra trong số công dân của mình và họ sẽ làm việc với tư cách cá nhân, có tính đến sự phân bố công bằng về địa lý cũng như các hệ thống pháp luật chính.

3. Các thành viên của Ủy ban được bầu bằng cách bỏ phiếu kín từ danh sách những người do các Quốc gia thành viên đề cử. Mỗi Quốc gia thành viên có thể đề cử một công dân của nước mình.

4. Cuộc bầu cử đầu tiên sẽ được tiến hành không muộn hơn 6 tháng kể từ ngày Công ước có hiệu lực và sau đó cứ 2 năm tiến hành một lần[HTC1]. Ít nhất 4 tháng trước mỗi cuộc bầu cử, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi thư tới các Quốc gia thành viên mời họ đề cử trong vòng 2 tháng. Sau đó, Tổng Thư ký sẽ chuẩn bị một danh sách theo thứ tự trong bảng chữ cái những người đã được đề cử, trong đó nêu rõ Quốc gia thành viên đề cử họ, và sẽ gửi danh sách đó cho các Quốc gia thành viên của Công ước này.

5. Các cuộc bầu cử được tổ chức trong phiên họp của các Quốc gia thành viên do Tổng Thư ký triệu tập tại trụ sở Liên Hợp Quốc. Các phiên họp này phải có ít nhất hai phần ba số các Quốc gia thành viên tham dự, những người được bầu vào Ủy ban là những người nhận được số phiếu cao nhất và chiếm đa số tuyệt đối trong tổng số phiếu của đại diện các Quốc gia thành viên có mặt và bỏ phiếu.

6. Các thành viên của Ủy ban được bầu với nhiệm kỳ 4 năm. Họ có quyền tái cử nếu như được đề cử lại. Nhiệm kỳ của 5 trong số những thành viên được bầu trong lần bầu cử đầu tiên sẽ kết thúc sau 2 năm. Ngay sau cuộc bầu cử đầu tiên, tên của 5 thành viên này sẽ được Chủ tịch phiên họp chọn bằng rút thăm.

7. Nếu một thành viên của Ủy ban chết hoặc từ chức hay tuyên bố rằng vì bất kỳ một lý do nào khác không thể đảm nhiệm công việc trong Ủy ban, Quốc gia thành viên đã đề cử thành viên đó sẽ có quyền bổ nhiệm một chuyên gia khác là công dân nước mình làm việc trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, với sự chấp thuận của Ủy ban.

8. Ủy ban sẽ đề ra các quy tắc thủ tục riêng của mình.

9. Ủy ban sẽ bầu ra các quan chức của mình theo nhiệm kỳ 2 năm.

10. Thông thường, các phiên họp của Ủy ban được tổ chức tại trụ sở của Liên Hợp Quốc hay bất kỳ nơi thuận tiện nào khác do Ủy ban quyết định. Thông thường Ủy ban họp hàng năm. Thời gian các phiên họp của Ủy ban sẽ được quyết định và xem xét lại, nếu cần thiết, bằng một phiên họp của các Quốc gia thành viên Công ước này, với sự thông qua của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc.

11. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ cung cấp nhân sự và phương tiện cần thiết cho việc thực hiện có hiệu quả các chức năng của Ủy ban theo Công ước này.

12. Với sự thông qua của Đại Hội đồng, các thành viên của Ủy ban được thành lập theo Công ước này được nhận thù lao của Liên Hợp Quốc theo những quy định và điều kiện mà Đại Hội đồng quy định.

Điều 44.

1. Các Quốc gia thành viên cam kết trình lên Ủy ban, thông qua Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, các báo cáo về những biện pháp mà họ đã đề ra nhằm thực hiện các quyền được thừa nhận trong Công ước này, và về những tiến bộ mà họ đã đạt được trong việc thực hiện các quyền này:

a. Trong vòng 2 năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với Quốc gia thành viên liên quan;

b. Sau đó cứ 5 năm một lần.

2. Các báo cáo được đệ trình theo điều này phải nêu ra những nhân tố và các khó khăn, nếu có, mà ảnh hưởng đến việc thực hiện những nghĩa vụ nêu ra trong Công ước này. Các báo cáo cũng phải cung cấp đầy đủ thông tin để Ủy ban có thể hiểu biết toàn diện về tình hình thực hiện Công ước ở nước có liên quan.

3. Một Quốc gia thành viên đã trình báo cáo tổng thể đầu tiên với Ủy ban không cần nhắc lại trong các báo cáo tiếp theo được gửi theo khoản 1 (b) những thông tin cơ bản đã cung cấp trước đó.

4. Ủy ban có thể yêu cầu các Quốc gia thành viên cung cấp thêm bất kỳ thông tin nào khác liên quan đến việc thực hiện Công ước.

5. Ủy ban sẽ trình báo cáo về hoạt động của mình cho Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hai năm một lần, thông qua Hội đồng Kinh tế và Xã hội.

6. Các Quốc gia thành viên phải Công bố rộng rãi những báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước cho công chúng nước mình.

Điều 45.

Để thúc đẩy sự thực hiện có hiệu quả Công ước và khuyến khích sự hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực mà Công ước này đã đề cập:

1. Các tổ chức chuyên môn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những cơ quan khác của Liên Hợp Quốc có quyền có đại diện trong khi xem xét việc thực hiện những quy định của Công ước này thuộc phạm vi trách nhiệm của các cơ quan đó. Ủy ban có thể mời các tổ chức chuyên môn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những cơ quan có thẩm quyền khác mà Ủy ban coi là thích hợp để cung cấp các ý kiến tư vấn chuyên môn về việc thực hiện Công ước trong các lĩnh vực thuộc phạm vi trách nhiệm của những cơ quan này. Ủy ban có thể đề nghị các tổ chức chuyên môn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những cơ quan khác của Liên Hợp Quốc cung cấp các báo cáo về việc thực hiện Công ước trong những lĩnh vực thuộc phạm vi hoạt động của họ;

2. Nếu xét thấy thích hợp, Ủy ban sẽ chuyển tới các tổ chức chuyên môn, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc và những cơ quan có thẩm quyền khác bất kỳ báo cáo của các Quốc gia thành viên mà đưa ra đề nghị hoặc nêu nhu cầu tư vấn hay trợ giúp kỹ thuật, cùng với những nhận xét và gợi ý của Ủy ban, nếu có, về những đề nghị hay nhu cầu đó;

3. Ủy ban có thể khuyến nghị Đại Hội đồng yêu cầu Tổng Thư ký thay mặt mình tiến hành các nghiên cứu về những vấn đề cụ thể liên quan tới quyền trẻ em;

4. Ủy ban có thể nêu những gợi ý và khuyến nghị chung dựa trên các thông tin nhận được theo Điều 44 và 45 của Công ước này. Những gợi ý và khuyến nghị chung này sẽ được chuyển tới bất kỳ Quốc gia thành viên nào có liên quan và sẽ được báo cáo với Đại Hội đồng, cùng với các bình luận, nếu có, của những Quốc gia thành viên.

Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 20/11/1989
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/09/1990
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH