Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
(New York, ngày 10 tháng 06 năm 1958)
CÔNG ƯỚC
VỀ CÔNG NHẬN VÀ THI HÀNH CÁC QUYẾT ĐỊNH TRỌNG TÀI NƯỚC NGOÀI
Điều 1.
Công ước này áp dụng đối với việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài được ban hành tại lãnh thổ của một Quốc gia khác với Quốc gia nơi có yêu cầu công nhận và thi hành quyết định trọng tài đó, xuất phát từ các tranh chấp giữa các thể nhân hay pháp nhân. Công ước còn được áp dụng cho những quyết định trọng tài không được coi là quyết định trong nước tại Quốc gia nơi việc công nhận và thi hành chúng được yêu cầu.
Thuật ngữ “các quyết định trọng tài” bao gồm không chỉ những quyết định ra bởi các Trọng tài viên được chỉ định cho từng vụ mà còn bao gồm những quyết định ra bởi các tổ chức trọng tài thường trực được các bên đưa vụ việc ra giải quyết.
Khi ký kết, phê chuẩn, hoặc gia nhập Công ước này, hoặc thông báo phạm vi áp dụng Công ước theo điều X, bất kỳ Quốc gia nào cũng có thể trên cơ sở có đi có lại tuyên bố rằng Quốc gia đó sẽ áp dụng Công ước đối với việc công nhận và thi hành các quyết định được đưa ra tại lãnh thổ một Quốc gia thành viên khác mà thôi. Quốc gia đó còn có thể tuyên bố chỉ áp dụng Công ước cho các tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp lý/ dù là quan hệ hợp đồng hay không. Được coi là quan hệ thương mại theo pháp luật quốc gia của Quốc gia đó.
Điều 2.
Mỗi Quốc gia thành viên sẽ công nhận một thỏa thuận bằng văn bản theo đó các bên cam kết đưa ra trọng tài xét xử mọi tranh chấp đã hoặc có thể phát sinh giữa các bên từ một quan hệ pháp lý xác định, dù là quan hệ hợp đồng hay không, liên quan đến một đối tượng có khả năng giải quyết được bằng trọng tài. Thuật ngữ “thoả thuận bằng văn bản” bao gồm điều khoản trọng tài trong một hợp đồng hoặc một thoả thuận trọng tài được các bên ký kết hoặc được ghi trong thư tín trao đổi.
Toà án của một Quốc gia thành viên, khi nhận được một đơn kiện về một vấn đề mà đối với vấn đề đó các bên đã có thoả thuận theo nội dung của điều này, sẽ, theo yêu cầu của một bên, đưa các bên tới trọng tài, trừ khi Toà án thấy rằng thoả thuận nói trên không có hiệu lực, không hiệu quả hoặc không thể thực hiện được.
Điều 3.
Mỗi Quốc gia thành viên sẽ công nhận các quyết định trọng tài có giá trị ràng buộc và thi hành chúng theo quy tắc về thủ tục của lãnh thổ nơi quyết định sẽ được thi hành, theo các điều kiện được nêu trong các điều khoản dưới đây. Không được đặt các điều kiện về căn bản nặng hơn hoặc các phí hay chi phí cao hơn cho việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài mà Công ước này áp dụng tới so với việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài trong nước.
Điều 4.
Để đạt được việc công nhận và thi hành một quyết định trọng tài như nói ở điều trên, bên yêu cầu công nhận và thi hành, khi nộp đơn yêu cầu phải cung cấp:
a. Bản quyết định gốc có xác nhận hợp lệ hoặc một bản sao quyết định có chứng nhận hợp lệ;
b. Thỏa thuận gốc theo điều II hoặc bản sao thỏa thuận đó được chứng nhận hợp lệ,
Nếu quyết định hoặc thỏa thuận nói trên không được lập bằng thứ tiếng chính thức của nước nơi quyết định sẽ được thi hành, bên yêu cầu công nhận và thi hành quyết định phải xuất trình bản dịch các tài liệu đó ra thứ tiếng nói trên. Bản dịch phải được chứng nhận bởi một thông dịch viên chính thức hay đã tuyên thệ hoặc bởi một cơ quan ngoại giao hoặc lãnh sự.
Điều 5.
Việc công nhận và thi hành quyết định có thể bị từ chối, theo yêu cầu của bên phải thi hành, chỉ khi nào bên đó chuyển tới cơ quan có thẩm quyền nơi việc công nhận và thi hành được yêu cầu, bằng chứng rằng:
Các bên của thỏa thuận nói ở điều II, theo luật áp dụng đối với các bên, không có đủ năng lực, hoặc thoả thuận nói trên không có giá trị theo luật mà các bên chịu sự điều chỉnh, nếu không có chỉ dẫn về điều này, theo luật của Quốc gia nơi ra quyết định; hoặc
Nếu bên phải thi hành quyết định không được thông báo thích đáng về việc chỉ định trọng tài viên hay về tố tụng trọng tài hoặc do một nguyên nhân gì khác không thể trình bày vụ việc của mình; hoặc Quyết định giải quyết một tranh chấp không được dự liệu trong các điều khoản của đơn yêu cầu đưa ra trọng tài giải quyết hay nằm ngoài các điều khoản đó, hoặc quyết định trọng tài gồm các quyết định về các vấn đề ngoài phạm vi yêu cầu xét xử bằng trọng tài, tuy nhiên, nếu các quyết định về các vấn đề được yêu cầu xét xử bằng trọng tài có thể tách rời khỏi các quyết định về các vấn đề không được yêu cầu, thì phần của quyết định trọng tài gồm các quyết định về vấn đề được yêu cầu có thể được công nhận và thi hành; hoặc
Thành phần trọng tài xét xử hoặc thủ tục xét xử trọng tài không phù hợp với thoả thuận của các bên hoặc, nếu không có thoả thuận đó, không phù hợp với luật của nước tiến hành trọng tài; hoặc
Quyết định chưa có hiệu lực ràng buộc đối với các bên, hoặc bị huỷ hay đình hoãn bởi cơ quan có thẩm quyền của nước hoặc theo luật của nước nơi quyết định được lập.
Việc công nhận và thi hành quyết định trọng tài còn có thể bị từ chối nếu như cơ quan có thẩm quyền của nước, nơi việc công nhận và thi hành đó được yêu cầu cho rằng:
Đối tượng của vụ tranh chấp không thể giải quyết được bằng trọng tài theo luật pháp của nước đó; hoặc
Việc công nhận và thi hành quyết định sẽ trái với trật tự công cộng của nước đó.
Điều 6.
Nếu cơ quan có thẩm quyền nêu ở điều V mục 1 (e) nhận được yêu cầu huỷ hoặc đình hoãn một quyết định, thì cơ quan nơi sẽ thi hành quyết định có thể, nếu thấy phù hợp, hoãn quyết định cho thi hành quyết định trọng tài hoặc còn có thể, theo đề nghị của bên yêu cầu thi hành quyết định, ra lệnh phía bên kia đưa ra bảo đảm thích hợp.
Điều 7.
Các quy định của Công ước này không làm ảnh hưởng tới hiệu lực của các thoả thuận đa phương hay song phương của các Quốc gia thành viên liên quan tới việc công nhận và thi hành các quyết định trọng tài, cũng như không tước của bất kỳ bên nào liên quan quyền bên đó có thể dùng quyết định trọng tài theo cách và giới hạn được luật pháp hoặc các điều ước của nước nơi quyết định sẽ được thi hành cho phép.
Nghị định thư Giơnevơ năm 1923 về Các điều khoản trọng tài và Công ước Giơnevơ năm 1927 về thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài sẽ ngừng có hiệu lực giữa các Quốc gia thành viên khi và trong phạm vi các Quốc gia thành viên bị ràng buộc bởi Công ước này.
Điều 8.
Công ước này được mở tới ngày 31 tháng 12 năm 1958 để ký nhân danh cho mọi Thành viên của Liên Hợp quốc và cũng nhân danh mọi Quốc gia khác đang hoặc sau đây trở thành thành viên của bất kỳ cơ quan chuyên môn nào của Liên Hợp Quốc, hoặc đang hoặc sau đây trở thành một bên của Quy chế của Toà án Công lý Quốc tế/hoặc bất cứ Quốc gia nào khác nhận được lời mời của Đại hội Đồng Liên Hợp Quốc.
Công ước này sẽ được phê chuẩn và văn kiện phê chuẩn sẽ được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ.
Điều 9.
Công ước này được mở ra để gia nhập cho mọi Quốc gia nêu ở điều VIII.
Việc gia nhập sẽ được thực hiện bằng cách trao cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu giữ văn bản xin gia nhập.
Điều 10.
Mọi Quốc gia có thể vào thời điểm ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập, tuyên bố rằng Công ước này sẽ áp dụng cho tất cả hoặc bất kỳ lãnh thổ nào mà trong quan hệ quốc tế Quốc gia đó chịu trách nhiệm. Tuyên bố đó sẽ có hiệu lực khi Công ước bắt đầu có hiệu lực đối với Quốc gia có liên quan.
Vào bất lỳ thời điểm nào sau đó mọi tuyên bố phạm vi áp dụng như vậy sẽ được thực hiện bằng một thông báo gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc và sẽ có hiệu lực kể từ ngày thứ chín mươi sau ngày Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo đó, hoặc kể từ ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực đối với Quốc gia liên quan, lấy từ ngày nào trong hai ngày đó đến chậm hơn.
Đối với các lãnh thổ không nằm trong phạm vi áp dụng của Công ước này vào thời điểm ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập, mỗi Quốc gia liên quan sẽ xem xét khả năng tiến hành các bước cần thiết nhằm mở rộng việc áp dụng Công ước này tới các lãnh thổ đó, khi cần thiết do những lý do Hiến pháp, thì tùy vào sự đồng ý của Chính quyền của các lãnh thổ đó.
Điều 11.
Trong trường hợp một Quốc gia liên bang hay Quốc gia chưa nhất thể hoá thì áp dụng các điều khoản sau:
Đối với các điều khoản của Công ước này nằm trong giới hạn thẩm quyền lập pháp của chính quyền liên bang, các nghĩa vụ của Chính phủ liên bang, trong chừng mực đó, sẽ như các nghĩa vụ của các Quốc gia thành viên không phải là Quốc gia liên bang.
Đối với các điều khoản của Công ước này nằm trong giới hạn thẩm quyền lập pháp của các bang hoặc tỉnh thành viên mà theo hệ thống hiến pháp của liên bang, không có trách nhiệm lập pháp, Chính phủ liên bang sẽ thông báo các điều khoản đó cho các cơ quan có thẩm quyền thích hợp của các bang hoặc tỉnh thành viên, cùng với một khuyến nghị tán thành, một cách sớm nhất.
Một Quốc gia liên bang Thành viên của Công ước này, theo yêu cầu của bất kỳ một Quốc gia thành viên khác gửi qua Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra một bản tường trình về luật pháp và thực tiễn của liên bang và các đơn vị thành viên của mình liên quan tới mọi điều khoản cụ thể của Công ước này, từ đó chỉ ra giới hạn hiệu lực của những điều khoản đó bằng hoạt động lập pháp hay hoạt động khác.
Điều 12.
Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ chín mươi tiếp sau ngày nhận được văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ ba.
Đối với mỗi Quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này, sau khi đã trao văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ ba.
Công ước sẽ có hiệu lực vào ngày thứ chín mươi sau khi trao văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của Quốc gia đó.
Điều 13.
Mọi Quốc gia thành viên có thể từ bỏ Công ước này bằng một văn bản thông báo gửi tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Việc từ bỏ sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo.
Mọi Quốc gia đã tuyên bố hoặc thông báo theo Điều X có thể, vào mọi thời điểm sau đó, bằng thông báo gửi cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tuyên bố rằng Công ước này sẽ thôi áp dụng tới lãnh thổ liên quan một năm sau ngày Tổng thư ký nhận được thông báo.
Công ước này sẽ tiếp tục áp dụng cho các quyết định trọng tài mà các thủ tục công nhận và thi hành được bắt đầu trước khi việc từ bỏ có hiệu lực.
Điều 14.
Một Quốc gia Thành viên không có quyền lợi dụng Công ước này chống các Quốc gia thành viên khác trừ khi trong phạm vi mà các Quốc gia đó tự ràng buộc để áp dụng Công ước.
Điều 15.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho các Quốc gia nêu ở Điều VIII về:
Việc ký kết và phê chuẩn theo Điều VIII;
Việc gia nhập căn cứ vào Điều IX;
Tuyên bố và các thông báo theo Điều I, X, và XI;
Ngày tháng bắt đầu có hiệu lực của Công ước này theo Điều XII;
Việc từ bỏ và thông báo căn cứ theo Điều XIII.
Điều 16.
Công ước này sẽ được lưu tại phòng lưu trữ của Liên Hợp Quốc, các bản tiếng Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga và Tây Ban Nha đều có giá trị như nhau.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ gửi một bản sao có xác nhận của Công ước này cho các Quốc gia nêu ở Điều VIII.
Công ước công nhận và thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài năm 1958
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 10/06/1958
- Nơi ban hành: ***
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/1900
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra