Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 252/CĐ-UBND

Hải Dương, ngày 24 tháng 01 năm 2020

 

CÔNG ĐIỆN

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH VIÊM ĐƯỜNG HÔ HẤP CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA GÂY RA

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, ĐIỆN:

- Giám đốc các sở: Y tế; Nông nghiệp & Phát triển nông thôn; Tài chính; Giáo dục & Đào tạo; Văn hóa, Thể thao & Du lịch; Thông tin & Truyền thông.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc và một số quốc gia. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi rút Corona biến chủng gây ra, lây truyền từ người sang người qua đường tiếp xúc gần hoặc nước bọt, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc xin phòng bệnh. Tính đến ngày 24/01/2020, Trung Quốc đã ghi nhận 634 trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV tại 24 tỉnh/thành phố, trong đó có 17 trường hợp tử vong, 15 nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Một số nước, vùng lãnh thổ trong khu vực đã ghi nhận các trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (04 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp), Đài Loan - Trung Quốc (01), Hoa Kỳ (01), Ma Cao - Trung Quốc (01), Hồng Kông - Trung Quốc (02). Tại Việt Nam đã ghi nhận hai nam bệnh nhân người Trung Quốc đang điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy dương tính với nCoV. Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona lây nhiễm vào địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cạo.

Thực hiện Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 23/1/2020 của Thủ tướng chính phủ và Chỉ thị số 03/CT-BYT ngày 22/1/2020 của Bộ Y tế về việc phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra. Để chủ động kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Thủ trưởng các đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện các nội dung sau:

1. Sở Y tế

- Xây dựng, ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona và các công văn chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Theo dõi chặt tình hình dịch bệnh, thường xuyên phân tích, đánh giá nguy cơ và đề xuất các giải pháp thực hiện phù hợp, hiệu quả.

- Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường hoạt động truyền thông, cung cấp tài liệu hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.

- Tăng cường giám sát dịch bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở điều trị và trong cộng đồng thông qua hệ thống giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện, đặc biệt những trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút, những trường hợp có yếu tố dịch tễ đi, đến vùng có dịch, tiếp xúc với bệnh nhân đã được chẩn đoán nCoV. Khi phát hiện những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần được khám, cách ly, lấy mẫu để xét nghiệm xác định nguyên nhân gây bệnh và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch nhằm hạn chế sự lây lan của bệnh dịch.

- Tổ chức tập huấn chuyên môn về bệnh viêm phổi cấp do nCoV cho đội ngũ cán bộ tham gia công tác phòng chống bệnh dịch tại các tuyến theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

- Chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, để thu dung, cấp cứu điều trị bệnh nhân.

- Thực hiện rà soát trang thiết bị, hóa chất, thuốc điều trị, thuốc kháng vi rút, phương tiện... sẵn sàng tổ chức giám sát, điều tra, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý ổ dịch, thu dung cấp cứu điều trị bệnh nhân... Là đầu mối tập hợp đề xuất kinh phí bổ sung của các đơn vị y tế trình UBND tỉnh phê duyệt đáp ứng các tình huống dịch bệnh.

- Củng cố “Đội đáp ứng nhanh” với bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm và các sự kiện y tế công cộng/đội cơ động phòng chống dịch tại các đơn vị y tế và tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ trong thời gian có dịch.

- Thực hiện nghiêm chỉnh chế độ khai báo thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona tại các đơn vị y tế, để phát hiện những vấn đề tồn tại và đề ra giải pháp khắc phục kịp thời.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã

- Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch/Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân khẩn trương xây dựng, ban hành kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi do chủng mới của vi rút Corona và tổ chức triển khai thực hiện. Bố trí các nguồn lực cho công tác phòng chống dịch tại địa phương.

- Chỉ đạo cơ quan y tế, đài phát thanh và các cơ quan thông tấn đóng trên địa bàn đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, thường xuyên cung cấp thông tin vệ tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống để người dân không hoang mang; chủ động khai báo, áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân cho bản thân và gia đình.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng chống bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona tại địa phương

3. Sở Thông tin & Truyền thông; Đài phát thanh & Truyền hình tỉnh; Báo Hải Dương

Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các đơn vị liên quan đẩy manh truyền thông, tuyên truyền về bệnh viêm phổi do nCoV trên cổng Thông tin điện tử tỉnh, trên Trang thông tin điện tử tổng hợp, chuyên đề, tin, bài... thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh, mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng chống dịch để người dân không hoang mang. Khuyến cáo người dân không đi đến vùng có dịch hoặc những trường hợp có người nhà đang ở vùng dịch có nhu cầu về Hải Dương.

4. Sở Giáo dục & Đào tạo

- Xây dựng, ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong trường học.

- Chỉ đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế địa phương trong việc quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh. Chủ động phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

5. Sở Tài chính

Trước mắt bố trí nguồn kinh phí đã được dự trù hàng năm để đảm bảo cho việc mua sắm vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và có phương án dự phòng kinh phí đáp ứng yêu cầu thực tế cho công tác phòng, chống dịch khi dịch bùng phát, lan rộng, trình UBND tỉnh phê duyệt.

6. Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch

- Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng giám sát dịch bệnh đối với du khách tại các điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Tổ chức tuyên truyền các cơ sở dịch vụ du lịch về bệnh dịch viêm phổi cấp do nCoV.

- Khi có dịch bệnh xảy ra Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch chỉ đạo các địa phương tạm dừng tổ chức hoạt động Lễ hội, các sự kiện văn hóa thể thao có đông người tham dự.

7. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan có trách nhiệm phối hợp với Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch đáp ứng bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.

UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai các nội dung trên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, báo cáo Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm ở người (số điện thoại 02203847314).

 


Nơi nhận:
- Như trên;
- Thường trực tỉnh ủy;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn toàn tỉnh;
- Lãnh đạo VP. UBND tỉnh;
- Lưu: VT, VX(01). Ph(35)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lương Văn Cầu

 

UBND TỈNH HẢI DƯƠNG
BCĐ PHÒNG CHỐNG DỊCH NGUY HIỂM Ở NGƯỜI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 145/KH-BCĐ

Hải Dương, ngày 22 tháng 01 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐÁP ỨNG VỚI BỆNH VIÊM PHỔI CẤP DO CHỦNG MỚI CỦA VI RÚT CORONA (NCOV)

Phần I

TÌNH HÌNH BỆNH VIÊM PHỔI CẤP DO NCOV

1. Trên thế giới

1.1. Tại Trung Quốc

Theo thông báo của WHO, tính đến ngày 21/01/2020, tại Trung Quốc đã ghi nhận 291 trường hợp mắc (trong đó đã ghi nhận 15 trường hợp là nhân viên y tế mắc bệnh), 5 trường hợp tử vong (các trường hợp này đều có bệnh nền mạn tỉnh). Ngoài tỉnh Hồ Bắc, một số tỉnh/thành phố tại Trung Quốc cũng đã ghi nhận trường hợp bệnh (Thượng Hải, Quảng Đông, Bắc Kinh, Thẩm Quyến). Đây là chủng vi rút chưa có vắc xin, thuốc điều trị đặc hiệu.

1.2. Tại một số quốc gia trong khu vực châu Á

Hiện nay, một số nước trong khu vực cũng đã ghi nhận một số trường hợp bệnh xâm nhập như: Thái Lan (02 trường hợp), Nhật Bản (01 trường hợp), Hàn Quốc (01 trường hợp).

2. Tại Việt Nam và Hải Dương

Qua hệ thống giám sát từ tháng 12/2019 đến ngày 22/01/2020, nước ta nói chung và tỉnh Hải Dương nói riêng chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV.

3. Nhận định, dự báo

Bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A. Vi rút corona là một họ vi rút lớn gây bệnh từ cảm lạnh thông thường đến bệnh nặng, đe dọa tính mạng của người bệnh như Hội chứng hô hấp cấp tỉnh nặng (SARS-CoV) năm 2002 va Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012. Tuy nhiên, từ tháng 12 năm 2019, một chủng vi rút corona mới (nCoV) gây viêm phổi tại tỉnh Vũ Hán (Trung Quốc) đã được xác định và có nguy cơ lan rộng. Ngày 21/01/2020, WHO nhận định bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV đã có khả năng lây truyền hạn chế từ người sang người.

Hiện nay với điều kiện khí hậu mùa đông xuân lạnh ẩm rất thuận lợi cho tác nhân gây bệnh phát sinh và phát triển. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu dựa vào vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, ngăn ngừa xâm nhập hường hợp bệnh, phòng chống lây truyền tại cộng đồng. Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào nước ta là hoàn toàn có thể do sự giao lưu đi lại, thương mại, du lịch gia tăng đột biến trong dịp Tết cũng như khả năng lây lan hạn chế từ người sang người của tác nhân gây bệnh.

Phần II

KẾ HOẠCH ĐÁP ỨNG VỚI BỆNH VIÊM PHỔI DO NCOV

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Căn cứ Quyết định số 156/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona;

Căn cứ Quyết định số 181/QĐ-BYT ngày 21/01/2020 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona;

Căn cứ vào tình hình dịch bệnh tại địa phương.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát hiện sớm trường hợp viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ mắc và tử vong.

2. Mục tiêu cụ thể

2.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận trường hợp bệnh tại Hải Dương

Triển khai giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm ca bệnh viêm phổi cấp do nCoV đầu tiên để xử lý triệt để, tránh lây lan ra cộng đồng và nhân viên y tế.

2.2. Tình huống 2: Xuất hiện các trường hợp bệnh xâm nhập vào tỉnh

Khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong và lây lan ra cộng đồng.

2.3. Tình huống 3: Dịch bệnh lây lan trong cộng đồng

Đáp ứng nhanh, khoanh vùng, xử lý kịp thời triệt để các ổ dịch nhằm hạn chế thấp nhất việc lan rộng trong cộng đồng.

III. CÁC NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác tổ chức, chỉ đạo

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm ở người các cấp, xây dựng cơ chế hoạt động, điều hành của Ban chỉ đạo theo từng tình huống phân, công cụ thể cho từng thành viên.

- Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của TW để nắm bắt thông tin, học tập kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ Trung ương cho địa phương.

- Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, củng cố Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn.

- Xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch phòng chống dịch của chính quyền các cấp. Trong Kế hoạch phải đặt ra những tình huống cụ thể để có biện pháp xử lý phù hợp nhằm chủ động ứng phó hiệu quả ngay từ khi dịch có nguy cơ xâm nhập vào địa phương.

- Tổ chức kiểm tra đôn đốc, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện của các đơn vị, địa phương trong địa bàn.

2. Công tác tuyên truyền giáo dục

- Biên soạn,cung cấp tài liệu tuyên truyền về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona cho các ban ngành, đơn vị, địa phương.

- Phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, địa phương thống nhất triển khai chiến dịch tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona trên các phương tiện truyền thông của địa phương và thông qua hoạt động của các ban, ngành, đoàn thể.

3. Nâng cao năng lực, kiến thức phòng và điều trị bệnh viêm phổi cấp do nCoV cho hệ thống y tế.

Tập huấn, phổ biến bổ sung những kiến thức mới về công tác phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do nCoV cho tất cả cán bộ làm công tác y tế trong địa bàn tỉnh.

4. Giải pháp kinh phí, hậu cần.

- Huy động trang thiết bị, thuốc, vật tư hiện có của các cơ sở y tế trong tỉnh

- Tham mưu cho UBND tỉnh cấp kinh phí cho các hoạt động tổ chức triển khai, tập huấn chuyên môn, mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất, thuốc chuyên dụng đáp ứng theo các tình huống dịch.

5. Các hoạt động đáp ứng theo từng tình huống

5.1. Tình huống 1: Chưa ghi nhận ca bệnh tại tỉnh Hải Dương

a) Công tác chỉ đạo, kiểm tra

- Tăng cường hoạt động kiểm tra của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch nguy hiểm ở người các cấp.

- Xây dựng Kế hoạch phòng chống dịch trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị y tế địa phương.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị phòng chống dịch của Ban chỉ đạo các cấp, các đơn vị. Kịp thời chấn chỉnh, bổ sung hoàn thiện, sẵn sàng thu dung, điều trị, xử lý ổ dịch tại các địa phương.

b) Công tác truyền thông

- Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế. Biên soạn, cung cấp tài liệu tuyên truyền về những biện pháp phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona cho các ban, ngành, đơn vị, địa phương, các cơ sở điều trị và cộng đồng.

- Truyền tải các thông điệp, khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh tới các đoàn du lịch, người lao động tới các vùng có dịch do viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona, đặc biệt tại các quốc gia và vùng lãnh thổ có dịch đang lây lan mạnh như Trung Quốc, Thái Lan.

- Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền lập thời cung cấp thông tin để người dân không hoang mang lo lắng.

c) Công tác giám sát, dự phòng

- Tăng cường giám sát các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan thông qua giám sát thường xuyên tại các cơ sở khám chữa bệnh và trong cộng đồng. Trong đó, lưu ý các trường hợp từ vùng dịch trở về.

- Rà soát, cập nhật các hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, dự phòng xử lý ổ dịch theo tình hình dịch.

- Tổ chức tập huấn cập nhật về các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong giám sát, phòng chống dịch.

- Thường xuyên tổ chức đánh giá nguy cơ để đề xuất các biện pháp ứng phó phù hợp.

- Kiện toàn các đội chống dịch cơ động, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương điều tra, xử lý ổ dịch.

d) Công tác điều trị

- Các cơ sở khám, chữa bệnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, khu vực cách ly, giường bệnh.

- Củng cố hệ thống kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các bệnh viện.

- Thiết lập mạng lưới các đơn vị thu dung điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona. Thiết lập khu vực cách ly riêng để khám, theo dõi, điều trị các trường hợp nghi ngờ viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona.

- Tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về chẩn đoán, điều trị, xây dựng các pháp đồ điều trị phù hợp, hiệu quả và triển khai trong hệ thống điều trị.

- Kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ địa phương cấp cứu, điều trị bệnh nhân khi có yêu cầu.

đ) Công tác hậu cần

- Rà soát danh mục, cơ số thuốc, vật tư, trang thiết bị, máy móc phục vụ công tác giám sát, xử lý ổ dịch, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân.

- Chuẩn bị sẵn sàng kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

B. Tình huống 2: Xuất hiện các ca bệnh xâm nhập vào tỉnh

a) Công tác chỉ đạo, điều hành

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế về tình hình diễn biến của dịch thường xuyên để kịp thời nhận được các chỉ đạo về phòng chống dịch.

- Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm các cấp duy trì chế độ hoạt động hàng ngày, hàng tuần và đột xuất tổ chức giao ban, hợp với các đơn vị, địa phương để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động.

- Tổ chức các đoàn kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện tại các đơn vị, địa phương để đánh giá việc triển khai công tác phòng, chống dịch rút kinh nghiệm kịp thời.

b) Công tác truyền thông

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế, trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, bổ sung nội dung các thông điệp truyền thông, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hàng tuần tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

c) Cộng tác điều tra, giám sát dịch bệnh

- Tiếp tục giám sát chặt chẽ các trường hợp từ vùng dịch nghi mắc bệnh có yếu tố dịch tễ liên quan; giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe của những người có tiếp xúc gần với người bệnh trong vòng 21 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời giữa khối điều trị và khối dự dự phòng; giữa các tuyến điều trị.

- Đẩy mạnh giám sát dựa vào sự kiện các kênh báo chí, các nguồn chính thức và không chính thức để kịp thời xác minh, tổ chức điều tra phát hiện ổ dịch, khoanh vùng, xử lý triệt để không để bùng phát dịch trong cộng đồng.

- Tổ chức thường trực phòng, chống dịch tại các đơn vị y tế, điều động các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trọng công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

d) Công tác điều trị

- Tổ chức tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh.

- Chuẩn bị sẵn sàng phương án đưa khu vực điều trị tập trung vào hoạt động (phương án sử dụng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh là cơ sở điều trị tập trung).

- Thực hiện nghiêm ngặt việc tổ chức cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng hộ cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia khám, điều trị, chăm sóc bệnh nhân, không để xảy ra hiện tượng lây nhiễm sang cán bộ y tế.

- Tăng cường công tác thường trực cấp cứu tại các đơn vị khám, chữa bệnh; đưa các đội cấp cứu lưu động vào trạng thái thường trực, sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

đ) Công tác hậu cần

- Căn cứ vào dự báo tình hình dịch tiếp tục bổ sung kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống dịch phù hợp với tình hình dịch tại địa phương.

- Thực hiện chính sách, chế độ cho các cán bộ tham gia hoạt động phòng chống dịch.

- Chuẩn bị sẵn sàng phương án kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

C. Tình huống 3: Dịch lây lan trong cộng đồng

a) Công tác chỉ đạo kiểm tra

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Y tế hàng ngày tình hình diễn biến của dịch tại địa phương.

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm các cấp tổ chức họp, giao ban hàng ngày vào 16 giờ để thống nhất chỉ đạo triển khai các hoạt động tại các đơn vị, địa phương.

- Huy động hệ thống chính trị, cộng đồng triển khai quyết liệt các hoạt động phòng chống dịch theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, hướng dẫn tại các địa phương và đánh giá việc triển khai công tác phòng chống dịch của các địa phương.

b) Công tác truyền thông

- Hàng ngày cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng trên Cổng thông tin điện tử của Sở Y tế và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Thường xuyên cập nhật các thông tin, bổ sung thông điệp, khuyến cáo phòng chống dịch phù hợp với các đối tượng nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Hàng tuần tổ chức gặp mặt báo chí để cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống.

- Đẩy mạnh việc giao lưu với các độc giả trên các báo giấy, báo điện tử.

c) Công tác giám sát, dự phòng

- Huy động hệ thống y tế theo dõi giám sát các chùm ca viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona có yếu tố dịch tễ liên quan tại cộng đồng. Áp dụng việc báo cáo hàng ngày và chia sẻ thông tin kịp thời.

- Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, triển khai các biện pháp hạn chế đi lại khi cần thiết, áp dụng các biện pháp phòng bệnh rộng rãi, bắt buộc đối với toàn bộ người dân trong khu vực ổ dịch.

- Tăng cường giám sát, gửi mẫu xét nghiệm để xác định sự lưu hành do chủng mới của vi rút Corona.

- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác giám sát, chẩn đoán điêu trị, dự phòng xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

- Điều động các đội chống dịch cơ động hỗ trợ các địa phương xử lý ổ dịch.

- Thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm và cập nhật các tài liệu chuyên môn trong công tác giám sát, xử lý ổ dịch để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn, chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

d) Công tác điều trị

- Thực hiện quyết liệt việc phân tuyến điều trị bệnh nhân theo quy định nhằm giảm tải các bệnh viện tuyến cuối. Trong trường hợp bệnh nhân vượt quá khả năng thu dung, điều trị của tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh thì sử dụng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh là nơi tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc bệnh do chủng mới vi rút Corona. Các bệnh viện chủ động triển khai Kế hoạch mở rộng việc thu dung, điều trị bệnh nhân.

- Tổ chức thường trực cấp cứu, thu dung, điều trị tại các đơn vị khám, chữa bệnh, thực hiện điều động các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương, đơn vị theo yêu cầu.

- Thường xuyên cập nhật, đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chẩn đoán điều trị, chăm sóc để kịp thời điều chỉnh các hướng dẫn chỉ đạo phù hợp với đặc điểm dịch bệnh.

đ) Công tác hậu cần

- Bổ sung kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

- Điều động, cấp phát bổ sung máy móc, thuốc, vật tư, hóa chất từ nguồn dự trữ của tỉnh đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

a) Công tác tổ chức, chỉ đạo

- Sở Y tế là cơ quan thường trực của BCĐ phòng, chống dịch tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn chuyên môn; tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch. Ban hành các văn bản chỉ đạo chuyên môn về phòng chống dịch.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, trong tỉnh, thống nhất các biện pháp đáp ứng theo diễn biến của dịch.

- Tổ chức giám sát phát hiện dịch kịp thời, thu dung cấp cứu, điều trị và xử lý ổ dịch hiệu quả.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất và phương tiện máy móc sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân và khoanh vùng xử lý ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không để dịch lây lan ra diện rộng.

- Phối hợp với các sở, ban, ngành và các tổ chức đoàn thể hướng dẫn các đơn vị, địa phương triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh.

b) Công tác tuyên truyền

- Cung cấp tài liệu tuyên truyền phòng, chống dịch cho cơ quan thông tin đại chúng, các đơn vị, địa phương trong tỉnh.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức tuyên truyền, vận động mọi người dân trong việc tham gia phòng, chống dịch bệnh.

- Tổ chức trực đường dây nóng giải đáp hướng dẫn cho người dân các nội dung liên quan về các nội dung chuyên môn về phòng, chống dịch.

c) Công tác chuyên môn

- Tổ chức tập huấn chuyên môn phòng chống dịch cho các cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở.

- Tổ chức điều tra, giám sát các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh. Đồng thời, tổ chức điều trị, chăm sóc bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.

- Thành lập đường dây nóng, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng chi viện cho các địa phương trong công tác bao vây, xử lý ổ dịch và thu dung điều trị.

d) Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị

- Chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, hoá chất, cung cấp cho các cơ sở y tế trong tỉnh triển khai các hoạt động phòng chống dịch.

- Xây dựng các phương án thu dung điều trị bệnh nhân nặng, có biến chứng, phương án ứng phó khi tình hình dịch diễn biến trên diện rộng, có số người mắc tăng cao.

đ) Công tác kiểm tra, giám sát, báo cáo

- Tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động triển khai phòng, chống dịch tại các đơn vị, địa phương.

- Tổ chức thường trực phòng chống dịch, tổng hợp tình hình dịch hàng ngày báo cáo Bộ Y tế và BCĐ tỉnh theo quy định.

2. Sở Tài chính

- Phối hợp với Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt kinh phí đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực tế của công tác phòng, chống dịch; trước mắt bố trí nguồn kinh phí đã được dự trù để đảm bảo chuẩn bị mua sắm vật tư, hóa chất phòng, chống dịch và có phương án huy động trong trường hợp dịch bùng phát, lan rộng.

- Hướng dẫn các đơn vị quản lý, sử dụng nguồn kinh phí đạt hiệu quả.

- Kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí phòng chống dịch tại các đơn vị, địa phương theo các quy định hiện hành.

3. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch

- Khi có dịch bệnh xảy ra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương tạm dừng tổ chức hoạt động lễ hội, các sự kiện văn hóa thể thao có đông người tham dự.

- Phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan chức năng hướng dẫn và giám sát dịch bệnh đối với du khách tại các điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Tổ chức tuyên truyền các cơ sở dịch vụ du lịch về bệnh dịch viêm phổi cấp do nCoV.

4. Sở Giao thông vận tải

- Chỉ đạo tuyên truyền phổ biến, phát tờ rơi tuyên truyền tới tất cả lái xe, phụ xe, nhân viên bến xe, bến tàu thủy, nhà ga biết cách phòng chống dịch và phát hiện khách nghi ngờ mắc bệnh viêm phổi cấp do nCoV để thông báo lại cho cơ quan y tế giám sát.

- Chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp thuộc Sở quản lý Cấp phát tờ rơi hướng dẫn phòng chống do nCoV tại nhà ga, bến xe, trên các phương tiện chở khách công cộng.

5. Sở Thông tin và Truyền thông,

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Y tế và các cơ quan đơn vị có liên quan chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn các cơ quan thông tin, báo chí trên địa bàn tỉnh tổ chức thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các vấn để có liên quan đến phòng, chống viêm phổi cấp do nCoV gây ra trên địa bàn.

- Xem xét cấp giấy phép lập thời cho xuất bản các ấn phẩm thông tin, tài liệu tuyên truyền và cấp phép tổ chức họp báo có liên quan đến phòng, chống viêm phổi cấp do nCoV theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.

- Thực hiện các thông tin, tuyên truyền về phòng, chống viêm phổi do nCoV trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh, trên Trang thông tin điện tử tổng hợp và Đặc san Thông tin và Truyền thông của Sở Thông tin và Truyền thông.

6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hải Dương.

- Phối hợp với Sở Y tế và các ban, ngành đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền về vệ sinh và phòng chống dịch; thông tin lập thời, chính xác về tình hình dịch bệnh; những kiến thức phòng, chống dịch viêm phổi cấp do nCoV để mọi người dân đều biết và có ý thức tự giác phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

- Thường xuyên thông tin về tình hình dịch bệnh, công tác chỉ đạo, triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

- Cập nhật diễn biến tình hình dịch bệnh hằng ngày ở trong và ngoài tỉnh cũng như trên thế giới; những tiến bộ mới trong phòng, chống và điều trị viêm phổi cấp do nCoV.

- Xây dựng các chuyên trang, chuyên đề, chuyên mục phản ánh tình hình dịch bệnh.

- Tổ chức giao lưu trực tuyến, tọa đàm, trao đổi giải đáp thắc mắc của người dân về phòng, chống dịch bệnh.

- Đưa tin, phản ánh kịp thời các đơn vị, địa phương làm tốt công tác phòng, chống dịch.

7. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ động phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho giáo viên, học sinh, sinh viên.

- Triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các trường học cho phù hợp và hiệu quả.

8. Các sở, ban, ngành, đoàn thể có liên quan

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình có trách nhiệm Phối hợp với Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai Kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở người cho đơn vị và hệ thống tổ chức ngành dọc.

- Tích cực tham gia hưởng ứng phong trào vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân để góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh tại địa phương.

9. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Củng cố, kiện toàn BCĐ Phòng chống dịch.

- Xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng, chống dịch tới các đơn vị, ban, ngành, xã, phường, thị trấn.

- Kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Huy động các nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương đạt hiệu quả./.

 


Nơi nhận:
- Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Phó CVP UBND;
- Các sở, ngành, đoàn thể có liên quan;
- Thành viên BCĐ tỉnh;
- UBND các huyện, TX, TP;
- Lưu: VT, NVY.

KT. TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN
GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ




Phạm Mạnh Cường

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Công điện 252/CĐ-UBND năm 2020 về tăng cường phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra do tỉnh Hải Dương ban hành

  • Số hiệu: 252/CĐ-UBND
  • Loại văn bản: Công điện
  • Ngày ban hành: 24/01/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
  • Người ký: Lương Văn Cầu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/01/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản