Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 20/2010/TT-NHNN  

Hà Nội, ngày 29 tháng 09 năm 2010

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP ĐIỀU HÀNH CÔNG CỤ CHÍNH SÁCH TIỀN TỆ ĐỂ HỖ TRỢ TỔ CHỨC TÍN DỤNG CHO VAY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN

Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2003; Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện các biện pháp điều hành công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn như sau:

Điều 1. Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ nguồn vốn cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn của các tổ chức tín dụng (trừ Quỹ tín dụng nhân dân cơ sở) thông qua các công cụ điều hành chính sách tiền tệ như sau:

1. Áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam thấp hơn so với mức tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường (là tỷ lệ dự trữ bắt buộc áp dụng cho các ngân hàng thương mại Nhà nước không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, công ty tài chính) và áp dụng kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 10 năm 2010, cụ thể như sau:

a) Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 70% trở lên: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/20 (một phần hai mươi) so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.

b) Đối với tổ chức tín dụng có tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ bình quân cuối các quý trong năm tài chính liền kề từ 40% đến dưới 70%: Tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam bằng 1/5 (một phần năm) so với tỷ lệ dự trữ bắt buộc thông thường tương ứng với từng kỳ hạn tiền gửi.

2. Dành lượng tiền cung ứng hàng năm để tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn phù hợp với mục tiêu, biện pháp điều hành chính sách tiền tệ. Các khoản cho vay tái cấp vốn đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được Ngân hàng Nhà nước ưu tiên về thời hạn và nguồn vốn cho vay, so với các lĩnh vực khác.

3. Thực hiện các biện pháp hỗ trợ khác theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 2. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng và các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước

1. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng:

a) Thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

b) Báo cáo đầy đủ, kịp thời số liệu về tình hình cho vay đối với nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chịu trách nhiệm về tính chính xác và hợp pháp của các số liệu báo cáo về tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để làm cơ sở thực hiện quy định tại Điều 1 Thông tư này.

c) Sử dụng vốn được hỗ trợ đúng mục đích để cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

2. Trách nhiệm của các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước:

a) Vụ Tín dụng trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và thông báo Danh sách các tổ chức tín dụng được áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này cho Sở giao dịch và các đơn vị liên quan thuộc Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tổ chức tín dụng để thực hiện.

b) Các đơn vị khác thuộc Ngân hàng Nhà nước, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện các công việc về điều hành chính sách tiền tệ được quy định tại Điều 1 Thông tư này.

Điều 3. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

2. Các quy định trái với Thông tư này hết hiệu lực thi hành.

3. Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./. 

 

 

Nơi nhận:
- Như khoản 3 điều 3;
- Thủ tướng và các Phó Thủ tướng CP;
- Ban Lãnh đạo NHNN;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
- Văn phòng Quốc hội;
- Công báo;
- Lưu VP, PC, CSTT.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC




Nguyễn Đồng Tiến

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 20/2010/TT-NHNN of September 29, 2010, on guiding the implementation of measures for managing monetary policy instrument to support credit institutions lending for agricultural and rural development

  • Số hiệu: 20/2010/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/09/2010
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Nguyễn Đồng Tiến
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/09/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 13/07/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản