Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 09/2015/TT-BCT

Hà Nội, ngày 29 tháng 5 năm 2015

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ, THỦ TỤC PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG MUA, BÁN ĐIỆN VỚI NƯỚC NGOÀI

Căn cứ Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;

Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực,

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư Quy định trình tự, thủ tục phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định hồ sơ đề nghị và trình tự thực hiện thẩm định, phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài đối với từng dự án xuất, nhập khẩu điện.

2. Trường hợp mua điện trực tiếp với nước ngoài của khách hàng sử dụng điện ở khu vực biên giới quy định tại Khoản 2 Điều 22 Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện lực và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các đối tượng sau đây:

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

2. Đơn vị điện lực được cấp giấy phép hoạt động điện lực trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu điện.

Điều 3. Yêu cầu chung

1. Việc mua, bán điện với nước ngoài đối với từng dự án xuất, nhập khẩu điện phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương trước khi thực hiện.

2. Phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện phải phù hợp với Quy hoạch phát triển điện lực được phê duyệt hoặc Kế hoạch phát triển lưới điện khu vực phục vụ cho việc đấu nối của cả hai nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh, bổ sung; đảm bảo an ninh và an toàn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia cũng như cung cấp điện của địa phương.

3. Trường hợp việc mua, bán điện với nước ngoài có sử dụng lưới điện của một đơn vị quản lý lưới điện khác để thực hiện hoạt động mua, bán điện với nước ngoài thì Đơn vị điện lực phải thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện này.

Chương II

TRÌNH TỰ THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT CHỦ TRƯƠNG MUA, BÁN ĐIỆN VỚI NƯỚC NGOÀI

Điều 4. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài

1. Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài của dự án bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài;

b) Bản sao văn bản đề nghị mua điện hoặc chấp thuận bán điện của phía nước ngoài;

c) Bản sao văn bản thỏa thuận của Đơn vị quản lý lưới điện khác trong trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 3 Thông tư này;

d) Phương án dự kiến mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện bao gồm các nội dung sau:

- Mô tả sơ bộ hiện trạng lưới điện khu vực đấu nối của cả 2 nước;

- Nhu cầu điện (công suất, điện năng, biểu đồ phụ tải năm, ngày điển hình) dự kiến của dự án xuất, nhập khẩu điện cho từng năm trong giai đoạn phù hợp với giai đoạn của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia hoặc Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được phê duyệt;

- Phương án đấu nối lưới điện giữa hệ thống điện Việt Nam với lưới điện phía nước ngoài để cấp điện cho dự án xuất, nhập khẩu điện bao gồm:

+ Bản sao Kế hoạch phát triển lưới điện khu vực phục vụ cho việc đấu nối của cả hai nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc điều chỉnh, bổ sung;

+ Phương án đấu nối lưới điện bao gồm các nội dung: Công suất, điện năng; thời điểm dự kiến mua hoặc bán điện; lưới điện đấu nối và điểm đấu nối; điểm đặt thiết bị đo đếm mua hoặc bán điện; cấp điện áp mua, bán điện; bản đồ địa lý và sơ đồ đấu nối lưới điện khu vực của hai nước thể hiện phương án mua bán điện cho dự án;

- Đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 110 kV trở lên: Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật của phương án đấu nối lưới điện; phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (nếu có), các ảnh hưởng của dự án đối với môi trường, sinh thái, phòng chống cháy nổ, an ninh quốc phòng (nếu có);

- Hình thức đầu tư, xác định sơ bộ khối lượng xây dựng, tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện dự án, phương án huy động vốn theo tiến độ và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và phân kỳ vốn đầu tư nếu có của phía Việt Nam;

- Kiến nghị và các giải pháp tổ chức thực hiện.

2. Số lượng hồ sơ: 05 (năm) bộ.

Điều 5. Trình tự thẩm định và phê duyệt chủ trương mua bán điện với nước ngoài

1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm lập và nộp trực tiếp Hồ sơ quy định tại Điều 4 Thông tư này về Cục Điều tiết điện lực để thẩm định.

2. Trường hợp Hồ sơ chưa hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm thông báo bằng văn bản yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam bổ sung hồ sơ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được Hồ sơ.

3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ Hồ sơ hợp lệ, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm:

a) Chủ trì tổ chức thẩm định Hồ sơ đề nghị phê duyệt chủ trương mua, bán điện với nước ngoài cho dự án xuất, nhập khẩu điện;

b) Lấy ý kiến bằng văn bản về phương án mua, bán điện với nước ngoài của dự án xuất, nhập khẩu điện của các cơ quan, đơn vị sau:

- Bộ, ngành có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên;

- Đơn vị điện lực có liên quan đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp dưới 220 kV;

c) Yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giải trình ý kiến thẩm định hoặc tổ chức cho Cơ quan thẩm định xem xét và đánh giá dự án xuất, nhập khẩu điện tại hiện trường trong trường hợp cần thiết.

4. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi hết hạn lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành và các đơn vị điện lực có liên quan đến phương án mua, bán điện với nước ngoài, Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm hoàn thành báo cáo thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét để:

a) Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên;

b) Phê duyệt đối với các dự án xuất, nhập khẩu điện đấu nối ở cấp điện áp dưới 220 kV.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Cục Điều tiết điện lực có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện Thông tư này.

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 7 năm 2015. Thông tư số 11/2008/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn trình tự, thủ tục mua bán điện với nước ngoài hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

2. Trong quá trình thực hiện Thông tư này, nếu có vướng m c, nội dung mới phát sinh, các đơn vị có liên quan có trách nhiệm báo cáo Cục Điều tiết điện lực nghiên cứu, đề xuất, trình Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung Thông tư cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Bộ Tư pháp (Cục kiểm tra VBQPPL);
- Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Các Tổng Công ty điện lực;
- Lưu: VT, PC, ĐTĐL.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hoàng Quốc Vượng

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Circular No. 09/2015/TT-BCT dated May 29, 2015, providing the order and procedures for approving policies on inter-country electricity trading

  • Số hiệu: 09/2015/TT-BCT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 29/05/2015
  • Nơi ban hành: Bộ Công thương
  • Người ký: Hoàng Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 10/07/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản