Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 05/2023/TT-BGDĐT | Hà Nội, ngày 28 tháng 02 năm 2023 |
BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học,
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên.
Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2023.
Thông tư này thay thế Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Việc tuyển sinh vào các lớp không chuyên của trường trung học phổ thông chuyên theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được thực hiện đến hết năm học 2023-2024.
Các lớp không chuyên đã được tuyển sinh và tổ chức trong trường trung học phổ thông chuyên tiếp tục thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên và Thông tư số 12/2014/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Điều 23 và Điều 24 Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến khi học hết lớp 12.
Điều 3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Hiệu trưởng trường đại học có trường trung học phổ thông chuyên, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG CHUYÊN
(Kèm theo Thông tư số 05/2023/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế này quy định về tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên (sau đây gọi tắt là trường chuyên) bao gồm: quy định chung; lớp học, tổ chuyên môn, tổ văn phòng; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh; tuyển sinh và tổ chức các hoạt động giáo dục.
2. Tổ chức và hoạt động của trường chuyên thực hiện theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và quy định tại Quy chế này.
3. Quy chế này áp dụng đối với trường chuyên, tổ chức và cá nhân có liên quan.
Điều 2. Mục tiêu, nhiệm vụ và quyền hạn của trường chuyên
1. Trường chuyên dành cho học sinh đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.
2. Trường chuyên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường trung học theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và có thêm các nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Tổ chức và thực hiện kế hoạch dạy học chương trình giáo dục nâng cao do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
b) Nghiên cứu vận dụng phù hợp, hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp quản lý, dạy học, kiểm tra, đánh giá tiên tiến; thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật và toán học trong giáo dục phổ thông;
c) Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng, cơ cấu; giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; có năng lực nghiên cứu khoa học; sử dụng được ngoại ngữ trong giao tiếp, dạy học và nghiên cứu khoa học;
d) Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên;
đ) Phát triển hoạt động hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục;
e) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển và tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học theo quy định của pháp luật để đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên;
g) Tổ chức và quản lý các hoạt động nội trú của học sinh;
h) Xây dựng, quản lý và sử dụng hiệu quả hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý, giáo dục và đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động của nhà trường;
i) Tổ chức theo dõi quá trình học tập và làm việc của cựu học sinh;
k) Trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 01 (một) hội thảo chuyên đề về tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục trong nhà trường với sự tham gia của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác nhằm chia sẻ những giải pháp và kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của trường chuyên theo quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 3. Hệ thống trường chuyên
1. Hệ thống trường chuyên bao gồm trường chuyên thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là trường chuyên thuộc tỉnh) và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
2. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 01 (một) trường chuyên.
Điều 4. Cơ quan quản lý trường chuyên
1. Trường chuyên thuộc tỉnh do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý.
2. Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học do cơ sở giáo dục đại học quản lý theo quy định về công tác tổ chức, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và được quy định cụ thể trong Quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; chịu sự quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo nơi trường đặt trụ sở về thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục, tổ chức thi tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp.
Điều 5. Chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục
1. Trường chuyên được ưu tiên:
a) Bố trí cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đủ định mức biên chế, đạt tiêu chuẩn quy định;
b) Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại theo quy định của pháp luật;
c) Bố trí kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật để bảo đảm cho các hoạt động giáo dục;
d) Mời giáo viên, giảng viên, chuyên gia trong nước và chuyên gia nước ngoài thỉnh giảng, bồi dưỡng chuyên môn, hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh theo quy định;
đ) Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học được tạo điều kiện sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm, thực hành và giảng viên của cơ sở giáo dục đại học thực hiện giảng dạy, bồi dưỡng học sinh.
2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trình cấp có thẩm quyền quyết định các chế độ chi ngân sách đầu tư bổ sung cho trường chuyên thuộc tỉnh theo quy định của pháp luật về cơ sở vật chất, chế độ ưu đãi đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp chuyên quy định tại khoản 1 Điều 8 Quy chế này được đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước, nước ngoài.
3. Cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên quyết định bổ sung chính sách đầu tư các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Chính sách khuyến khích đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh
1. Cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên được hưởng chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) căn cứ theo quy định của pháp luật trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc quyết định chính sách bổ sung chế độ ưu đãi, khen thưởng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên đạt kết quả xuất sắc theo nhiệm vụ được giao.
2. Học sinh trường chuyên đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế được xét cấp học bổng khuyến khích học tập và hưởng chế độ khen thưởng theo quy định.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) quyết định chính sách bổ sung chế độ học bổng, khen thưởng đối với học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập, rèn luyện, có thành tích trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi các môn văn hóa; cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế.
3. Việc xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển vào cơ sở giáo dục đại học trong nước, cử đi đào tạo tại cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài của học sinh trường chuyên được thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 7. Tài sản của trường chuyên
Trường chuyên được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị như các trường trung học phổ thông theo quy định đối với trường chuẩn quốc gia, ngoài ra được ưu tiên đầu tư:
1. Khối phòng học tập, khối phòng hỗ trợ học tập đủ số lượng, đạt tiêu chuẩn với trang thiết bị đồng bộ, bảo đảm điều kiện tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.
2. Các thiết bị dạy học đồng bộ, hiện đại phục vụ việc giảng dạy, bồi dưỡng học sinh năng khiếu và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học của giáo viên, học sinh.
3. Ký túc xá, nhà ăn cho học sinh có nhu cầu nội trú.
4. Nhà công vụ cho giáo viên.
5. Sân vận động, nhà đa năng, bể bơi và các thiết bị, dụng cụ thể thao khác.
LỚP HỌC, TỔ CHUYÊN MÔN, TỔ VĂN PHÒNG
Điều 8. Lớp học trong trường chuyên
1. Lớp học trong trường chuyên được tổ chức theo môn học trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, bao gồm: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Toán, Tin học, Vật lí, Hóa học, Sinh học (sau đây gọi chung là lớp chuyên).
2. Không tổ chức lớp không chuyên trong trường chuyên.
3. Mỗi lớp chuyên có không quá 35 học sinh.
4. Trên cơ sở các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và đề nghị của hiệu trưởng trường chuyên, cơ quan quản lý trường chuyên quyết định số môn học được tổ chức lớp chuyên (sau đây gọi là môn chuyên) và số lớp chuyên đối với từng môn chuyên.
Tổ chuyên môn của trường chuyên được thành lập, thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và có thêm các nhiệm vụ sau:
1. Phát triển chương trình, xây dựng tài liệu dạy học môn chuyên theo chương trình giáo dục nâng cao đối với môn chuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định; nghiên cứu, áp dụng các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến vào dạy học, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện của học sinh.
2. Tham mưu hiệu trưởng xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong nước, nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý.
3. Tổ chức nghiên cứu khoa học, tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học; hỗ trợ giáo viên nghiên cứu khoa học và hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học.
4. Xây dựng đội ngũ giáo viên của tổ chuyên môn làm nòng cốt cho các hoạt động chuyên môn của nhà trường và của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
5. Tổ chức việc bồi dưỡng phát triển năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của các thành viên trong tổ.
6. Theo dõi quá trình học tập và làm việc của cựu học sinh.
7. Trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 01 (một) lần sinh hoạt chuyên môn có mời giáo viên của các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông khác tham dự nhằm chia sẻ những giải pháp, kết quả thực hiện của tổ chuyên môn trong việc nghiên cứu vận dụng hiệu quả chương trình giáo dục và các phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá tiên tiến trong nước và quốc tế.
Tổ văn phòng của trường chuyên được thành lập, thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và có thêm các nhiệm vụ sau:
1. Phối hợp với các tổ chuyên môn xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển hoạt động hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục và đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học chất lượng cao trong nước, nước ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục và quản lý.
2. Phối hợp với tổ chuyên môn thống kê, theo dõi quá trình học tập và làm việc của cựu học sinh.
CÁN BỘ QUẢN LÝ, GIÁO VIÊN, NHÂN VIÊN VÀ HỌC SINH
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, hiệu trưởng trường chuyên đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền sau:
1. Đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt.
2. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên.
3. Chủ trì đề xuất hoặc tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo phân cấp quản lý; đề xuất với cơ quan có thẩm quyền về việc đưa ra khỏi trường chuyên đối với giáo viên, nhân viên không đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên, mời giáo viên thỉnh giảng, cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng ở trong nước và nước ngoài.
4. Chỉ đạo xây dựng kế hoạch bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhằm đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên.
5. Trong mỗi năm học, chủ trì tổ chức ít nhất 01 (một) hội thảo chuyên đề theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 2 Quy chế này.
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, Phó hiệu trưởng trường chuyên đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền sau:
1. Đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt.
2. Chịu trách nhiệm quản lý, điều hành công việc do hiệu trưởng phân công trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên.
3. Trong mỗi năm học, tham gia tổ chức ít nhất 01 (một) hội thảo chuyên đề theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 2 Quy chế này.
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trường chuyên đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền sau:
1. Đáp ứng tiêu chuẩn quy định về lựa chọn giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán, trong đó tiêu chí về sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin đạt mức tốt.
2. Chấp hành phân công của hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên.
3. Trong mỗi năm học, chủ trì hoặc tham gia tổ chức thực hiện ít nhất 01 (một) lần sinh hoạt chuyên môn của tổ chuyên môn theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Quy chế này.
Ngoài các tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của nhân viên, nhân viên trường chuyên đáp ứng tiêu chuẩn, nhiệm vụ và quyền sau:
1. Có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của trường chuyên.
2. Chấp hành sự phân công của hiệu trưởng trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của trường chuyên theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Quy chế này nhằm đạt được mục tiêu của trường chuyên.
Điều 15. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường chuyên
1. Việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trường chuyên thực hiện theo các quy định của pháp luật.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách riêng về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường chuyên. Trong tuyển dụng giáo viên, nhân viên trường chuyên, ưu tiên những người có tài năng, có năng khiếu đặc biệt đáp ứng được các yêu cầu về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, phù hợp với vị trí việc làm của giáo viên, nhân viên trường chuyên.
Ngoài các nhiệm vụ và quyền của học sinh theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, học sinh trường chuyên có nhiệm vụ và quyền sau:
1. Tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi, hoạt động văn hóa, xã hội và nghiên cứu khoa học theo yêu cầu của nhà trường.
2. Trường hợp học sinh phát triển sớm về trí tuệ có thể được học vượt lớp theo quyết định của cơ quan quản lý trường chuyên.
3. Được tạo điều kiện nội trú khi có nhu cầu; được hưởng các chế độ ưu đãi theo quy định đối với học sinh trường chuyên.
4. Cựu học sinh trường chuyên được tạo điều kiện tham gia các hoạt động của nhà trường.
TUYỂN SINH VÀ TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC
Điều 17. Tuyển sinh vào lớp đầu cấp
1. Nguyên tắc tuyển sinh
a) Thực hiện theo quy định tại Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
b) Bảo đảm lựa chọn được những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả tốt trong rèn luyện và học tập ở cấp trung học cơ sở, đủ năng lực học tại trường chuyên;
c) Bảo đảm chính xác, khách quan, công bằng, minh bạch, bình đẳng giữa trường chuyên thuộc tỉnh và trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học.
2. Kế hoạch tuyển sinh
a) Trường chuyên thuộc tỉnh: hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;
b) Trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học: hằng năm, hiệu trưởng trường chuyên trình hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học quản lý trường chuyên phê duyệt kế hoạch tuyển sinh của trường chuyên;
c) Chậm nhất 60 (sáu mươi) ngày trước ngày tổ chức thi tuyển, trường chuyên thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và của trường chuyên.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học có trường chuyên quy định việc đăng ký dự tuyển, hồ sơ dự tuyển và điều kiện dự tuyển.
4. Tổ chức thi tuyển
a) Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học):
- Quy định môn thi, hình thức thi và thời gian làm bài của mỗi môn thi theo từng môn chuyên; hệ số điểm bài thi (nếu có), điểm xét tuyển;
- Ban hành quyết định thành lập các hội đồng ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo;
- Phê duyệt danh sách học sinh trúng tuyển vào trường chuyên.
b) Việc tổ chức ra đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo được vận dụng theo quy định tại Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện hành.
5. Kết quả tuyển sinh được thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và cổng thông tin điện tử của trường chuyên chậm nhất 03 (ba) ngày so với ngày công bố kết quả trúng tuyển.
6. Trước ngày 30 tháng 8 hằng năm, trường chuyên gửi báo cáo kết quả tuyển sinh về cơ quan quản lý trường chuyên.
1. Việc chuyển trường của học sinh trường chuyên sang trường trung học phổ thông không chuyên được thực hiện theo quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
2. Việc chuyển trường của học sinh trường chuyên sang trường chuyên khác được thực hiện theo quy định chuyển trường và tiếp nhận học sinh học tại các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có thêm các yêu cầu sau:
a) Nếu trường chuyên nơi học sinh chuyển đi và trường chuyên nơi học sinh chuyển đến đã tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, đợt thi) thì điều kiện được chuyển trường của học sinh trường chuyên là phải đạt đủ tiêu chuẩn trúng tuyển vào trường chuyên nơi chuyển đến.
b) Nếu trường chuyên nơi học sinh chuyển đi và trường chuyên nơi học sinh chuyển đến không tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, đợt thi) hoặc đã tổ chức tuyển sinh bằng kỳ thi chung (chung đề thi, đợt thi) nhưng học sinh không đủ tiêu chuẩn trúng tuyển vào trường chuyên nơi chuyển đến thì học sinh phải dự thi tuyển và đạt yêu cầu tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên (nơi học sinh xin chuyển đến) quy định tại Điều 19 Quy chế này.
Điều 19. Tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên
1. Trường hợp trường chuyên cần bổ sung học sinh, hiệu trưởng trường chuyên xây dựng kế hoạch tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với trường chuyên thuộc tỉnh), cơ sở giáo dục đại học (đối với trường chuyên thuộc cơ sở giáo dục đại học) phê duyệt kế hoạch tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên.
2. Đối tượng học sinh được dự thi tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên là học sinh trường chuyên xin chuyển sang trường chuyên khác quy định tại điểm b khoản 2 Điều 18 Quy chế này; học sinh trường trung học phổ thông không chuyên đạt mức tốt về kết quả học tập và mức tốt về kết quả rèn luyện trong năm học liền kề trước năm tổ chức tuyển sinh bổ sung.
3. Việc tổ chức thi tuyển, thông báo kết quả tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 17 Quy chế này.
4. Chậm nhất 30 (ba mươi) ngày trước ngày tổ chức thi tuyển, trường chuyên thông báo công khai kế hoạch tuyển sinh bổ sung vào trường chuyên trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trường chuyên và cổng thông tin điện tử của trường chuyên.
Điều 20. Chương trình và kế hoạch giáo dục
1. Chương trình giáo dục
a) Đối với môn chuyên: Thực hiện chương trình giáo dục nâng cao đối với môn chuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định;
b) Đối với các môn học còn lại: Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;
c) Hiệu trưởng trường chuyên quyết định việc tổ chức dạy học bằng tiếng nước ngoài theo quy định; phát triển tài liệu dạy học theo chương trình giáo dục nâng cao đối với môn chuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
2. Kế hoạch giáo dục
a) Kế hoạch giáo dục của trường chuyên được xây dựng để tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của trường chuyên theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Kế hoạch giáo dục của trường chuyên phải bảo đảm việc thực hiện đầy đủ kế hoạch giáo dục chung theo quy định và dành thời gian tăng cường dạy học nâng cao chất lượng các môn chuyên, ngoại ngữ, tin học và tăng cường rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội của học sinh.
c) Trường chuyên tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, đồng thời tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục về mỹ thuật, âm nhạc, thể thao nhằm phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho học sinh; tăng cường tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, các hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, hoạt động xã hội cho học sinh; chú trọng tổ chức các câu lạc bộ môn học và các câu lạc bộ khác phù hợp theo nhu cầu của học sinh và điều kiện của nhà trường.
Điều 21. Phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi
1. Hằng năm, trường chuyên tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, diễn đàn và các hoạt động chuyên môn trong phạm vi nhà trường hoặc phối hợp với các cơ sở giáo dục khác nhằm phát hiện học sinh có năng khiếu nổi bật trong từng môn học.
2. Học sinh có năng khiếu nổi bật được quan tâm bồi dưỡng, theo dõi sự phát triển và đánh giá thường xuyên để có phương thức bồi dưỡng thích hợp nhằm phát triển cao nhất năng khiếu của học sinh.
3. Tăng cường sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá phù hợp với đối tượng học sinh năng khiếu nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và bồi dưỡng phát triển năng lực của học sinh.
Điều 22. Đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục
Trường chuyên thực hiện đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục đối với trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học. Kết quả đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục của trường chuyên phải đáp ứng tiêu chuẩn đạt trường chuẩn quốc gia.
Circular No. 05/2023/TT-BGDDT dated February 28, 2023 on promulgation of the Regulation on organization and operation of upper-secondary schools for the gifted
- Số hiệu: 05/2023/TT-BGDDT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 28/02/2023
- Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Người ký: Nguyễn Hữu Độ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 15/04/2023
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra