Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/CTr-UBND | Tuyên Quang, ngày 23 tháng 12 năm 2021 |
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022
Phần thứ nhất
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2021
I. Kết quả đạt được
Duy trì thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp trên hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia; tổ chức Chương trình "Cà phê doanh nhân" và Hội nghị gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp.
Môi trường đầu tư của tỉnh có chuyển biến tích cực: Năm 2020, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tiếp tục tăng dần, xếp thứ 31/63 tỉnh, thành phố, tăng 01 bậc so với năm 2019; Chỉ số hiệu quả hành chính công (PAPI) xếp thứ 12, tăng 34 bậc so với năm 2019.
Tỉnh đã thu hút nhiều công ty, tập đoàn lớn đầu tư triển khai dự án tại tỉnh như: Công ty TNHH dịch vụ du lịch cáp treo Fansipan Sa Pa - Tập đoàn Sungroup, Công ty cổ phần Flamingo Redtours quan tâm nghiên cứu về các dự án du lịch, nghỉ dưỡng; Công ty cổ phần bất động sản Capella, Công ty TNHH xây dựng Tự Lập nghiên cứu, khảo sát về đầu tư hạ tầng khu công nghiệp,…
Tiếp tục hỗ trợ Công ty Cổ phần Việt - Nhật triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm Thương mại GO!; Công ty TNHH Leverages Career Việt Nam về lĩnh vực, dự án phát triển nguồn nhân lực du học sinh Nhật Bản; Công ty TNHH Niinuma Việt Nam nghiên cứu các dự án về năng lượng điện mặt trời; Công ty Cổ phần BSR Việt Nam về Dự án "Nhà máy xử lý chất thải thành phần hữu cơ và tạo điện năng tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang”; Công ty Delta E&C nghiên cứu triển khai 2 dự án: Khu du lịch sinh thái Na Hang và Nhà máy chế biến cam tại tỉnh.
Kết nối, tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc cũng như đón tiếp đoàn công tác của các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ nước ngoài, tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài để thu hút các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức1 gặp gỡ, làm việc với các cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam.
Cung cấp thông tin, tài liệu của tỉnh gửi Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các đoàn khách nước ngoài, đoàn khách quốc tế để quảng bá, giới thiệu về tỉnh. Tổ chức/tham gia2 giới thiệu, quảng bá sản phẩm của tỉnh Tuyên Quang tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Tham dự Hội nghị, Hội thảo của các Bộ, ban, ngành tổ chức3 nhằm giới thiệu, quảng bá thế mạnh, tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xúc tiến hợp tác đầu tư từ các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cũng như cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Ban hành và triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2021; Tổng hợp danh mục dự án mời gọi đầu tư và dự án trọng điểm mời gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021-2025; Biên soạn tài liệu, ấn phẩm, các clip giới thiệu về hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, môi trường đầu tư của tỉnh bằng nhiều thứ tiếng như: Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc,... để phục vụ công tác đối ngoại và xúc tiến đầu tư của tỉnh.
Tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trên Trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang (tiếng Anh, tiếng Việt) với 200 tin, bài và 1.235.515 lượt truy cập.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 244 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 2.110 tỷ đồng; nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là 2.114 doanh nghiệp (bao gồm 14 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) với tổng số vốn đăng ký 22.355 tỷ đồng. Thẩm định chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 70 dự án, đến nay UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 29 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 6.000 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương 21 dự án, quyết định chấp thuận 05 nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định về đấu thầu 04 khu đô thị và 01 dự án thương mại, dịch vụ; quyết định chủ trương nghiên cứu 12 dự án, với tổng số vốn đầu tư trên 25.000 tỷ đồng, đạt 50% so với mục tiêu Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 (phấn đấu thu hút 45.000-50.000 tỷ đồng).
II. Hạn chế, khó khăn, vướng mắc
Hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu và chưa đồng bộ, hạ tầng thiết yếu mà nhà đầu tư cần gắn với dự án, khu, cụm công nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh của tỉnh, cũng như chưa đáp ứng được nhu cầu huy động nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch chưa triển khai được theo kế hoạch; chưa thu hút được dự án FDI quy mô lớn, công nghệ hiện đại.
Danh mục thu hút, mời gọi đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu; chưa xây dựng được hệ thống dữ liệu đầu vào cụ thể, chi tiết để cung cấp cho các nhà đầu tư có quan tâm.
III. Nguyên nhân
Do ảnh hưởng của những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là tác động của đại dịch Covid-19; điều kiện kinh tế - xã hội, nguồn lực của tỉnh còn nhiều khó khăn.
Do địa hình miền núi phức tạp, nằm xa các vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, không có cảng biển, hàng không, cửa khẩu...
Thiếu quỹ đất sạch đón nhà đầu tư, hầu hết các dự án phải chờ giải quyết giải phóng mặt bằng.
Phần thứ hai
NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ NĂM 2022
I. Quan điểm, định hướng, mục tiêu
1. Quan điểm
Bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, văn bản hướng dẫn của Trung ương, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XVII để chủ động triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình mới, với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phương thức thiết thực hiệu quả, tập trung vào ba khâu đột phá theo Nghị quyết của Đại hội: Một là, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới. Hai là, phát huy tiềm năng, đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ba là, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm thu hút nguồn lực, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Tỉnh ủy, sự giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
2. Định hướng
Khai thác tiềm năng, nguồn lực; phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối (chú trọng dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai), hạ tầng Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn.
Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghệ chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu khai thác thị trường để phát triển chuỗi cung ứng, mục tiêu là các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singappore, Thái Lan.
Ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo gắn với đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Thiết kế công tác xúc tiến đầu tư theo ngành, lĩnh vực, tập trung vào những sản phẩm nằm trong chuỗi giá trị hàng hóa có lợi thế, có tiềm năng đầu tư thành vùng hàng hóa tập trung của tỉnh như chuỗi giá trị cây công nghiệp cam, chè, cây lâm nghiệp…; Các sản phẩm du lịch lịch sử sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, các dự án công nghiệp chế biến sâu, dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật,...
3. Mục tiêu thu hút vốn đầu tư
Để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục thu hút các nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư vào địa bàn tỉnh. Phấn đấu trong năm 2022, thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách đạt từ 7.500 - 8.000 tỷ đồng, tăng trên 20% so với năm 2021.
II. Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022
1. Nghiên cứu tiềm năng thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư
Nghiên cứu về tình hình dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI.
Tiếp tục thực hiện các chương trình hợp tác đầu tư và ngoại giao kinh tế để tìm kiếm cơ hội hợp tác, quảng bá nhằm xúc tiến đầu tư tại chỗ, thu hút mở rộng các nguồn vốn và quy mô dự án của nhà đầu tư.
2. Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư
Gắn kết hoạt động xúc tiến đầu tư với các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến du lịch và các hoạt động đối ngoại của tỉnh, các chương trình văn hóa, qua đó quảng bá hình ảnh tốt đẹp về mảnh đất, con người Tuyên Quang nhằm hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Đảm bảo kinh phí cho hoạt động xúc tiến đầu tư gắn với xúc tiến thương mại và du lịch.
Tiếp cận, làm việc với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế để giới thiệu, quảng bá, kêu gọi xúc tiến đầu tư bằng hình thức làm việc trực tiếp, trực tuyến, gửi thư mời, tài liệu, quà tặng,…
Phối hợp với các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước viết bài, làm phóng sự quảng bá, giới thiệu qua các kênh truyền thông, các phương tiện thông tin đại chúng.
Tham dự các sự kiện hội nghị, hội thảo, hội chợ,… liên quan đến đầu tư trong nước và quốc tế hoặc tổ chức các chương trình kết nối đầu tư tại nước ngoài.
Nâng cấp 04 Website của Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang: ipc.tuyenquang.gov.vn (song ngữ Việt-Anh); Dulichtuyenquang.gov. vn; lehoithanhtuyen.com; santmdttuyenquang.gov.vn.
3. Hỗ trợ, hướng dẫn, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư (Tập trung đề xuất chương trình xúc tiến đầu tư tại chỗ, nhất là hỗ trợ các dự án đầu tư)
Chú trọng thực hiện hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; trọng tâm là tư vấn, đào tạo, kết nối doanh nghiệp, cung cấp thông tin, định hướng và hỗ trợ doanh nhân. Củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, phát huy vai trò của hợp tác xã trong việc thực hiện các dịch vụ sản xuất, tiêu thụ nông lâm sản cho nông dân.
Liên hệ thường xuyên với Đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào địa phương và hỗ trợ các doanh nghiệp của địa phương tìm kiếm cơ hội đầu tư ra nước ngoài.
Thực hiện đổi mới các hình thức xúc tiến đầu tư, kết hợp xúc tiến đầu tư trực tuyến và xúc tiến đầu tư ngoại tuyến. Chú trọng xúc tiến đầu tư “tại chỗ” thông qua việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh.
4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư
Hệ thống hóa, số hóa các số liệu, dữ liệu về các quy hoạch; môi trường đầu tư, hạ tầng kỹ thuật; quy định pháp luật, chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp ; thủ tục về đầu tư, môi trường, đất đai, cơ sở dữ liệu chuyên sâu về các Khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; Khả năng cung ứng lao động,... nhằm hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu môi trường đầu tư, lập và triển khai dự án đầu tư.
5. Xây dựng danh mục dự án thu hút đầu tư
Tổng hợp, xây dựng, cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của danh mục dự án đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn và nhu cầu, lĩnh vực đầu tư của từng quốc gia hay đối tác đầu tư, bao gồm dự án mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Nông, lâm, thủy sản; Du lịch Dịch vụ; Công nghiệp; Hạ tầng, kỹ thuật đô thị.
Công khai danh mục dự án mời gọi đầu tư, các dự án đã được thực hiện, các dự án đã có chủ đầu tư hay cấp chủ trương đầu tư,… trên trang thông tin điện tử Xúc tiến đầu tư của tỉnh.
6. Xây dựng các ấn phẩm, tài liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư
Tổng hợp, xây dựng và thường xuyên cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa thông tin của bộ tài liệu xúc tiến đầu tư phù hợp với tình hình thực tiễn từng thời điểm cũng như nhu cầu, lĩnh vực đầu tư của các đối tác ưu tiên thu hút đầu tư, bao gồm: Tờ gấp "Tuyên Quang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư", thông tin chi tiết về Danh mục các dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, các clip giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư vào tỉnh Tuyên Quang theo chuyên đề, lĩnh vực, với các ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về tua, tuyến, điểm du lịch, các sản phẩm du lịch, cẩm nang du lịch; sách ảnh các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh;… Chuẩn bị quà tặng, đồ lưu niệm mang tính đặc trưng của tỉnh Tuyên Quang.
Cập nhật nội dung, nâng cao chất lượng hình ảnh, thông tin tờ gấp "Tuyên Quang - Tiềm năng và cơ hội đầu tư" song ngữ. Tập trung xây dựng các sản phẩm thông tin đối ngoại, xúc tiến đầu tư khác (đặc san, bản tin đối ngoại, tin bài, phóng sự, video clip) bằng nhiều ngôn ngữ (tiếng Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc,...) để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Tuyên Quang, tiềm năng kinh tế, cơ hội hợp tác, đầu tư của tỉnh.
7. Đào tạo, tập huấn, tăng cường năng lực về xúc tiến đầu tư
Tạo điều kiện cho cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư tham gia các lớp học, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ do các Bộ, ngành Trung ương tổ chức.
Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xúc tiến đầu tư về kỹ năng xúc tiến đầu tư, tư vấn đầu tư, ngoại ngữ, quản trị Website, thuyết trình dự án... theo hình thức trực tuyến.
8. Hợp tác trong nước và quốc tế về xúc tiến đầu tư
Chỉ đạo các cơ quan thực hiện tốt Quy chế phối hợp giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Học tập kinh nghiệm của các địa phương có hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả, thành công. Phối hợp với các tỉnh trong vùng trung du miền núi phía Bắc triển khai các chương trình hợp tác, hội chợ thương mại, du lịch để tạo liên kết vùng, ngành, lĩnh vực. Tổ chức các Hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu quảng bá, kêu gọi xúc tiến các dự án đầu tư vào tỉnh.
Tiếp tục thực hiện Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 10/7/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc thực hiện hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và thành phố Hà Nội, phối hợp triển khai các hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư.
Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, tăng cường hợp tác liên kết vùng để phát triển du lịch. Thực hiện thỏa thuận hợp tác Chương trình “Hành trình theo dấu chân Bác” đã ký kết với Nghệ An và các tỉnh phía Bắc như: Phú Thọ, Thái Nguyên, Cao Bằng... nhằm phát triển hiệu quả và bền vững du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh gắn với quê hương và sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Bắc Trung Bộ như: Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội... để xây dựng các chương trình du lịch tìm hiểu, nghiên cứu và tham quan các di tích lịch sử, công trình văn hóa, lễ hội tâm linh; Phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tuyên truyền, quảng bá du lịch qua bản đồ du lịch liên vùng Hà Nội - Tuyên Quang - Hà Giang, góp phần nâng cao vị thế và sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Tiếp tục kết nối để thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Oita (Nhật Bản); duy trì các hoạt động giao lưu, hợp tác với đối tác truyền thống (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào; thành phố Anseong, tỉnh Gyeonggi, Hàn Quốc) trên các lĩnh vực mà hai bên đang triển khai hiệu quả, đồng thời mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực mới như du lịch cộng đồng, nông nghiệp công nghệ c ao, giáo dục đào tạo; ... tích cực tìm hiểu, kết nối mở rộng quan hệ hợp tác với địa phương các nước trong khối ASEAN, một số nước Châu Âu,...
Phần thứ ba
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trung tâm Xúc tiến đầu tư
Chủ trì tổng hợp, xây dựng dự án mời gọi đầu tư theo thứ tự ưu tiên của tỉnh và tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2022.
Phối hợp với Sở Ngoại vụ tham mưu, xây dựng kế hoạch tham dự các Hội nghị, hội thảo trực tuyến về xúc tiến đầu tư, liên hệ mật thiết với Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán các nước tại Việt Nam để giới thiệu, quảng bá, vận động, xúc tiến đầu tư.
Đầu mối, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Làm đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác xúc tiến đầu tư; Tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022. Tổng hợp, đề xuất để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.
Phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp. Tham mưu, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công theo quy định, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư.
3. Sở Ngoại vụ
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và các cơ quan đơn vị liên quan tham mưu tổ chức và tham gia các hoạt động giới thiệu, quảng bá, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài gắn với các hoạt động ngoại giao kinh tế.
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh mời, đón tiếp và cho phép các cơ quan, tổ chức, địa phương, nhà đầu tư nước ngoài vào khảo sát, thăm, làm việc với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh để tìm hiểu cơ hội hợp tác, mở rộng hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
4. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí cân đối nguồn vốn ngân sách hàng năm để đảm bảo kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư, phù hợp với khả năng của ngân sách địa phương.
5. Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư trong nước, nước ngoài.
Chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án đầu tư trong các khu công nghiệp tỉnh, kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
6. Ban Quản lý các Khu du lịch tỉnh
Phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư: Xây dựng dự án mời gọi đầu tư của các khu du lịch vào danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư của tỉnh; xây dựng các dự án phát triển du lịch; xây dựng các tua, tuyến du lịch của các khu, điểm du lịch của tỉnh.
7. Các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân huyện, thành phố
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động của từng ngành chủ động xây dựng, đề xuất các dự án mời gọi, thu hút đầu tư vào tỉnh.
Phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư dự án và thu hút lao động cho các doanh nghiệp.
Triển khai thực hiện các nội dung công việc liên quan trong Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Gồm: Chương trình làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại một số nước Châu Âu nhiệm kỳ 2020-2023; Chương trình làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc ; Trung tâm Nghiên cứu và Truyền thông vì sự phát triển bền vững (CSD) và Tổ chức AEFA/Nhật Bản; Liên Chi hội Doanh nhân Quốc tế và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh lĩnh vực nông sản, hoa quả xuất khẩu; Công ty Cổ phần BSR Việt Nam; Tập đoàn Delta E&C Japan...
2 Tổ chức Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 và Công bố Chỉ dẫn địa lý Cam sành Hàm Yên tại tỉnh Tuyên Quang; Tham gia gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại Chương trình “Lễ hội Kích cầu Du lịch và giới thiệu Văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021”; Tổ chức Chương trình khảo sát và tọa đàm kết nối doanh nghiệp, hưởng ứng Chương trình Kích cầu du lịch tỉnh Tuyên Quang năm 2021; Tham gia khảo sát trong Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" lần thứ XII năm 2021 tại tỉnh Thái Nguyên.
3 Chương trình làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Việt Nam tại một số nước Châu Âu nhiệm kỳ 2020-2023; Chương trình làm việc với Đại sứ quán Hàn Quốc; Diễn đàn “Nhịp cầu phát triển 2021” tại Hà Nội, Diễn đàn “Đầu tư phát triển vùng trung du và miền núi phía Bắc - Tầm nhìn 2020-2030”.
- 1Quyết định 4068/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh
- 2Quyết định 4074/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 3Quyết định 3331/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 4Quyết định 3145/QĐ-UBND năm 2021 về phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc
- 5Quyết định 2879/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng
- 1Luật Doanh nghiệp 2020
- 2Quyết định 4068/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh
- 3Quyết định 4074/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 4Quyết định 3331/QĐ-UBND năm 2021 về Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2022 do tỉnh Vĩnh Long ban hành
- 5Quyết định 3145/QĐ-UBND năm 2021 về phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Vĩnh Phúc
- 6Quyết định 2879/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư năm 2022 của tỉnh Lâm Đồng
Chương trình 11/Ctr-UBND năm 2021 về xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang năm 2022
- Số hiệu: 11/Ctr-UBND
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 23/12/2021
- Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
- Người ký: Nguyễn Mạnh Tuấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/12/2021
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra