Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
--------------

Số: 98-CT/BCS

Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2010

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT VÀ TỘI PHẠM TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG

Qua 12 năm thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Quyết định số 138/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, ngành Công Thương đã đạt được nhiều kết quả quan trọng về nhận thức công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong hoạt động; đã tạo lập được cơ chế phối hợp với các Bộ, ngành và lực lượng hữu quan; phát huy được sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể cùng toàn thể cán bộ công nhân viên chức tham gia công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm; tiến hành đồng bộ các biện pháp nhất là việc xây dựng và hoàn thiện các quy định về quản lý ngành Công Thương, từng bước kiềm chế sự gia tăng của các vi phạm pháp luật và tội phạm, làm giảm một số tội phạm nghiêm trọng, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kỹ thuật – xã hội của đất nước.

Tuy vậy, trong bối cảnh hội nhập và khủng hoảng kinh tế, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm trong ngành Công Thương cũng như cả nước diễn biến phức tạp, đa dạng, khó lường, xuất hiện nhiều hành vi và tội phạm về gian lận thương mại, cạnh tranh bất hợp pháp, thương mại điện tử …

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm có hiệu quả trong hoạt động của ngành Công Thương, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng và cấp ủy Đảng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong ngành tiếp tục làm tốt những nội dung công tác sau:

1. Phải coi công tác phòng ngừa chống vi phạm pháp luật và tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong hoạt động của mình. Theo đó, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 09/1998/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1998 về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm để toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong đơn vị nhận thức đầy đủ và nâng cao ý thức trách nhiệm phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm;

2. Nhằm đảm bảo và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, hiệu quả hoạt động của đơn vị, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng cấp ủy Đảng phải chú trọng đến những lĩnh vực dễ phát sinh vi phạm pháp luật và tội phạm trong ngành như: Đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng đất đai; thu chi ngân sách; quản lý sử dụng tài sản công; mua bán hàng hóa và dịch vụ; cấp phép; cán bộ và thực thi công vụ nhất là ở vị trí định kỳ phải chuyển đổi; liên kết đào tạo; sử dụng ngân sách trong nghiên cứu khoa học và nguồn vốn trong các dự án; thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám định và xem xét xử lý vi phạm …;

3. Các cơ quan, tổ chức đơn vị thuộc Bộ, nhất là các tổ chức Quản lý thị trường, Quản lý cạnh tranh, Thanh tra, Pháp chế, Tổ chức Cán bộ, Bảo vệ chính trị nội bộ, Thương mại điện tử và công nghệ thông tin …phối hợp thường xuyên chặt chẽ với các cơ quan và lực lượng hữu quan trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, thông qua quy chế phối hợp cụ thể đảm bảo về trao đổi thông tin, dự báo tình hình, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát và xử lý vi phạm về buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả và gian lận thương mại, cạnh tranh bất hợp pháp và tham nhũng …;

4. Các cơ quan tham mưu của Bộ rà soát lại toàn bộ các quy định về quản lý của ngành, sửa đổi bổ sung theo hướng hoàn thiện cơ chế quản lý đảm bảo tránh kẽ hở lợi dụng để đối tượng vi phạm; trong đó, các cơ quan tham mưu của Bộ về công tác quản lý thị trường, quản lý cạnh tranh, thanh tra, pháp chế, bảo vệ nội bộ …phải có chương trình, kế hoạch, đề án triển khai các biện pháp cụ thể nhằm phòng, chống các vi phạm pháp luật và tội phạm trong ngành;

5. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra, giám sát, bảo vệ và xử lý các vi phạm pháp luật trong ngành theo thẩm quyền. Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chủ động và thường xuyên tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý các vi phạm; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền sở tại trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

Chỉ thị này được phổ biến đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Bộ Công Thương./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư;
- Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ;
- Bí thư Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương;
- Các đ/c Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương;
- Đảng ủy Bộ Công Thương;
- Công đoàn Công Thương Việt Nam;
- Các Vụ, Cục, VPB, TTB;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ;
- Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng Công ty thuộc Bộ;
- Các Công ty thuộc Bộ;
- Lưu: VPBCS, TTB.

TM. BAN CÁN SỰ ĐẢNG
ỦY VIÊN




Lê Dương Quang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 98-CT/BCS năm 2010 về tăng cường công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trong hoạt động của Bộ Công thương do Ban cán sự Đảng Bộ Công thương ban hành

  • Số hiệu: 98-CT/BCS
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 19/10/2010
  • Nơi ban hành: Ban cán sự Đảng Bộ Công thương
  • Người ký: Lê Dương Quang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/10/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản