Hệ thống pháp luật

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 90-CT

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CHO CÁN BỘ CHỦ CHỐT Ở CÁC CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG VÀ UỶ BAN NHÂN DÂN CÁC CẤP

Hiện nay, các cán bộ chủ chốt như Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Uỷ viên thư ký trong Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là cấp huyện và cấp xã, còn từ 60% đến 80% chưa được học về quản lý Nhà nước. ở miền núi và Tây Nguyên, số cán bộ chủ chốt này chưa được học về quản lý Nhà nước còn chiếm tỷ lệ cao hơn so với các tỉnh trung du và đồng bằng.

Ở các ngành trung ương, một số cán bộ cấp Vụ đã được bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước ở Trường Hành chính Trung ương, còn đối với cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục thì hầu hết chưa được học về quản lý Nhà nước.

Để góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị việc bồi dưỡng kiến thức và nâng cao trình độ quản lý Nhà nước cho đội ngũ cán bộ giữ trách nhiệm lãnh đạo trong bộ máy quản lý Nhà nước ở các cấp như sau:

1. Từ nay trở đi, tất cả các thành viên Uỷ ban nhân dân các cấp, nhất là bộ phận thường trực của Uỷ ban Nhân dân và các cán bộ chủ chốt trong các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhất thiết phải qua một lớp bồi dưỡng kiến thức về quản lý Nhà nước tại Trường Hành chính Trung ương hoặc Trường Hành chính tỉnh, thành phố.

Trước mắt, từ nay đến hết năm 1990, các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, Tổng cục và Uỷ ban Nhân dân các cấp phải sắp xếp để số cán bộ chủ chốt của mình, nhất là bộ phận thường trực và cán bộ lãnh đạo Bộ, Uỷ ban, Tổng cục chưa qua trường lớp quản lý Nhà nước lần lượt đi dự các lớp bồi dưỡng về quản lý Nhà nước theo chỉ tiêu chiêu sinh của các cơ quan có trách nhiệm triệu tập.

2. Trường Hành chính Trung ương cùng Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, căn cứ vào số người cần học theo quy định ở điểm 1, đề ra kế hoạch mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn hoặc lớp đào tạo dài hạn cho sát. Kế hoạch mở lớp của trường Hành chính Trung ương do Thường vụ Hội đồng bộ trưởng xét duyệt, kế hoạch mở lớp của Trường Hành chính tỉnh, thành phố do Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố xét duyệt.

Tuỳ tình hình thực tế, có thể tổ chức học tập trung tại Trường hành chính Trung ương và Trường Hành chính tỉnh, thành phố, hoặc học tại chức do Trường Hành chính Trung ương, Trường Hành chính tỉnh, thành phố quyết định.

3. Trường Hành chính Trung ương và Trường Hành chính các tỉnh, thành phố phải nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Trong chương trình bồi dưỡng phải chú trọng phần kiến thức về pháp luật. Các Trường cần xúc tiến việc biên soạn lại giáo trình, cải tiến phương pháp giảng dạy và học tập nhằm quán triệt nội dung, phương hướng đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng đề ra và sát thực tiễn để thiết thực góp phần nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước ở các ngành, các cấp.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải củng cố Trường Hành chính của địa phương, bổ sung cho trường cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý có trình độ và năng lực, thực hiện các chính sách, chế độ đối với giảng viên và học viên của Trường Hành chính như chế độ đối với Trường Đảng của tỉnh, tăng thêm cơ sở vật chất để trường đủ sức làm tròn nhiệm vụ bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước ở địa phương.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 90-CT năm 1988 bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước cho cán bộ chủ chốt ở các cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các cấp do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 90-CT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 30/03/1988
  • Nơi ban hành: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 30/04/1988
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 14/04/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản