Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 701-TTg

Hà Nội, ngày 23 tháng 11 năm 1994

 

CHỈ THỊ

VỀ SƠ KẾT CÔNG TÁC THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ, CHỐNG THAM NHŨNG, CHỐNG BUÔN LẬU

Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 20-11-1992 của Bộ Chính trị, Quyết định số 114-TTg ngày 21-11-1992 của Thủ tướng Chính phủ và sau 1 năm thực hiện Nghị quyết Quốc hội khoá 9 về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, công tác chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu đã có một số tiến bộ nhất định. Song việc thực hành tiết kiệm chưa có chuyển biến đáng kể, tình trạng lãng phí, tham nhũng, buôn lậu vẫn còn xảy ra nghiêm trọng.

Để năm 1995 tạo được sự chuyển biến một bước quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức chỉ đạo sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu trong phạm vi Bộ, ngành, địa phương mình quản lý.

2- Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên phạm vi toàn quốc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Tổng Thanh tra Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thương mại, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ngoài việc sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu trong nội bộ ngành, còn có trách nhiệm phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao để sơ kết công tác chống tham nhũng, chống buôn lậu theo phạm vi chức năng của từng ngành.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp sơ kết công tác rà soát văn bản phục vụ công tác chống tham nhũng, chống buôn lậu.

3- Ban Thường trực công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu của Chính phủ chịu trách nhiệm:

a) Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc sơ kết của các ngành, các cấp.

b) Giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc xây dựng báo cáo sơ kết công tác và đề xuất những biện pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác trong những năm tiếp theo.

4- Yêu cầu nội dung các báo cáo sơ kết phải đảm bảo đánh giá đúng thực trạng tình hình, có số liệu và địa chỉ cụ thể.

Việc sơ kết phải thiết thực, đánh giá đúng mức những việc đã làm được và những việc chưa làm được, những mặt tích cực và những khuyến, nhược điểm, chỉ ra những nguyên nhân sát thực của tồn tại, yếu kém và đề ra biện pháp cụ thể, quyết liệt nhằm tạo được chuyển biến một bước về công tác này trong những năm sau. Các bộ, ngành, địa phương không tổ chức hội nghị sơ kết công tác riêng mà gắn với hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 1995.

5- Thời điểm lấy số liệu sơ kết là từ ngày 1 tháng 1 năm 1993 đến hết tháng 10 năm 1994.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhận được Chỉ thị này cần triển khai sơ kết ngay và có báo cáo gửi về Văn phòng Chính phủ trước ngày 15 tháng 12 năm 1994.

6- Chính phủ tổ chức hội nghị sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, chống buôn lậu vào cuối tháng 12 năm 1994 hoặc đầu tháng 1 năm 1995.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 701-TTg năm 1994 sơ kết công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí,chống tham nhũng, chống buôn lậu do Thủ tướng Chính Phủ ban hành

  • Số hiệu: 701-TTg
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 23/11/1994
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 1
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản