Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67-HĐBT

Hà Nội, ngày 20 tháng 4 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA BỘ CHÍNH TRỊ VỀ ĐỔI MỚI QUẢN LÝ KINH TẾ NÔNG NGHIỆP

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 5 tháng 4 năm 1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp. Để cụ thể hoá tinh thần và nội dung Nghị quyết này của Bộ Chính trị, sớm đưa vào thực hiện trong thực tế, Hội đồng Bộ trưởng chỉ thị các Bộ, ngành và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương tiến hành khẩn trương một số việc như sau:

I. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm có trách nhiệm chủ trì cùng các Bộ, Tổng cục thuộc khối nông nghiệp xây dựng nội dung và kế hoạch quán triệt Nghị quyết Bộ Chính trị và cụ thể hoá thành nhiệm vụ cụ thể từng ngành trong việc nghiên cứu, ban hành các chính sách, các văn bản pháp quy để triển khai việc đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp từ Trung ương, địa phương đến từng cơ sở, từng người theo Nghị quyết bộ Chính trị.

II. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cùng các Bộ, Tổng cục thuộc khối nông nghiệp soát xét lại kế hoạch, điều chỉnh ngay vốn đầu tư của kế hoạch năm 1988 và kế hoạch 1988-1990 nhằm bảo đảm vốn đầu tư và các điều kiện vật chất cần thiết cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, nhất là việc xây dựng và thực hiện 3 chương trình kinh tế lớn gắn với xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp và chiến lược phát triển toàn bộ nền kinh tế; xây dựng các chính sách cụ thể liên quan đến thực hiện Nghị quyết Bộ Chính trị.

III. Các Bộ, ngành Trung ương có kế hoạch triển khai việc cụ thể hoá Nghị quyết Bộ Chính trị và chỉ đạo việc tổ chức thực hiện kế hoạch này. Trước hết là chuẩn bị kịp thời các văn bản pháp quy để trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành hoặc tự ban hành nhằm thể chế hoá tinh thần và nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị. Cụ thể là:

1. Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi và Tổng cục Cao-su phải rà soát lại các đơn vị cơ sở trực thuộc (Tổng Công ty, Công ty, Liên hiệp xí nghiệp và các xí nghiệp quốc doanh khác) để xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất, xác định quy mô, tiến hành phân loại từng đơn vị kinh tế cơ sở, và đề ra phương hướng, biện pháp củng cố, tăng cường các cơ sở này. Các Bộ nói trên đây cùng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nghiên cứu lựa chọn để xây dựng phương án đổi mới quản lý đối với một số Tổng Công ty chuyên ngành kinh tế kỹ thuật đối với các sản phẩm quan trọng (cà phê, rau quả, dầu thực vật, thuỷ sản...) thuộc phạm vi mình quản lý trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý III năm 1988.

2. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành quy định hướng dẫn thực hiện cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị.

3. Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan (Ban Nông nghiệp Trung ương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Hội Nông dân Việt Nam) xây dựng Điều lệ mẫu đối với hợp tác xã nông nghiệp trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý IV năm 1988.

4. Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản, Thuỷ lợi, Tổng cục Cao-su cùng các ngành Trung ương có liên quan xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành cơ chế kế hoạch hoá và hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa đối với các xí nghiệp quốc doanh, đơn vị quốc doanh nông, lâm, ngư nghiệp, cao-su, thuỷ lợi và chính sách đối với các thành phần kinh tế (tập thể, gia đình, cá thể, tư nhân) trong các lĩnh vực thuộc khối nông nghiệp.

5. Bộ Thuỷ sản chủ trì và phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban Nông nghiệp Trung ương Đảng, Hội Nông dân Việt Nam nghiên cứu xây dựng Điều lệ mẫu đối với hợp tác xã thuỷ sản trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý IV năm 1988.

Bộ Thuỷ sản tổ chức nghiên cứu xây dựng pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý III năm 1988.

6. Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, Tổng cục thuộc khối nông nghiệp nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế nông nghiệp (thuế đất, mặt nước, thuế cây lương thực, cây công nghiệp, rừng...) và quy định cụ thể về việc miễn giảm thuế nông nghiệp khi mất mùa và các khoản phụ thu khác để trình Quốc hội và cuối năm 1988.

7. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Tài chính và ngành liên quan nghiên cứu xây dựng Điều lệ về lao động xã hội (nghĩa vụ lao động đối với lao động nông nghiệp) và chính sách đãi ngộ đối với gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng... trình Hội đồng Bộ trưởng vào quý II năm 1988.

8. Tổng cục Quản lý ruộng đất cùng các ngành liên quan xây dựng trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những quy định để thi hành Luật Đất đai theo tinh thần Chỉ thị số 60-HĐBT ngày 14-4-1988 của Hội đồng Bộ trưởng.

9. Các ngành quản lý, cung ứng vật tư, dịch vụ xây dựng những quy định về phương thức cung ứng vật tư, dịch vụ cho nông nghiệp để trình Hội đồng Bộ trưởng vào cuối quý II năm 1988: Bộ Vật tư xây dựng quy định về phương thức cung ứng nhiên liệu, thiết bị, phụ tùng phục vụ cho nông nghiệp, Bộ Xây dựng quy định phương thức cung ứng xi-măng, vật liệu xây dựng trong nông nghiệp, Bộ Năng lượng quy định phương thức cung ứng, sử dụng điện trong nông nghiệp, Bộ Thuỷ lợi xây dựng đề án đổi mới quản lý các công ty, trạm thuỷ nông, Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm quy định phương thức cung ứng vật tư nông nghiệp (phân hoá học, thuốc trừ sâu, máy kéo, máy công cụ đi sau máy kéo và phụ tùng thay thế...)

10. Các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ sản cùng với Bộ Đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề rà soát lại hệ thống trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và nghiệp vụ, sửa đổi giáo trình phù hợp tinh thần, nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị: phân cấp cho địa phương, cơ sở trong việc xây dựng và thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nghiệp vụ, quản lý nông nghiệp để kịp nâng cao trình độ cán bộ bảo đảm thực hiện đổi mới quản lý nông nghiệp.

11. Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước phối hợp với các ngành trong khối nông nghiệp nghiên cứu chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học kỹ thuật và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp và chính sách khuyến khích cán bộ khoa học kỹ thuật về công tác, hoạt động tại các đơn vị kinh tế cơ sở trình Hội đồng Bộ trưởng vào cuối năm 1988.

IV. Các cấp chính quyền tỉnh, huyện phải tổ chức việc nghiên cứu để quán triệt sâu sắc, đúng đắn Nghị quyết Bộ Chính trị đến từng cơ sở và từng người lao động bằng các hình thức thích hợp.

Từng cấp địa phương căn cứ vào sự hướng dẫn của các ngành trung ương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể Nghị quyết của Bộ Chính trị và các quyết định của Hội đồng Bộ trưởng về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp cho phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương mình. Cụ thể là cụ thể hoá và thực hiện các điều quy định ở trong Nghị quyết Bộ Chính trị về đổi mới quản lý đối với từng loại đơn vị kinh tế cơ sở (quốc doanh, tập thể, gia đình, cá thể, tư nhân); đối với các chính sách về các mặt quản lý cụ thể như Tài chính, Ngân hàng, vật tư, Khoa học kỹ thuật...; chấn chỉnh, chỉ đạo mở rộng việc hoàn thiện cơ chế khoán sản phẩm trong nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Bộ Chính trị và Thông tư hướng dẫn.

Phối hợp chặt chẽ với các ngành Trung ương tổ chức rà soát, tiến hành phân loại các đơn vị kinh tế cơ sở nông trường, lâm trường... thuộc phạm vi mình quản lý để bổ sung, điều chỉnh phương hướng sản xuất và đề ra các biện pháp thiết thực, giúp đỡ các đơn vị này tổ chức sắp xếp sản xuất, triển khai thực hiện cơ chế mới.

Đối với các đơn vị kinh tế tập thể dưới sự hướng dẫn của tỉnh, các huyện phải tổ chức xem xét kỹ để phân loại và đưa ra những biện pháp củng cố thiết thực; giúp hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp trong việc xác định đúng đắn các định mức khoán và chỉ đạo tốt công tác khoán sản phẩm.

Trong khi chờ chính sách chung của Nhà nước về việc đãi ngộ các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, huyện phải tổ chức chỉ đạo thực hiện vấn đề này thống nhất trên địa bàn mình quản lý theo đúng tinh thần và nội dung Nghị quyết Bộ Chính trị, Uỷ ban Nhân dân huyện phải xem xét kịp thời và tổ chức giải quyết tốt các vụ tranh chấp đất đai theo đúng Luật đất đai và hướng dẫn của Trung ương; tiến hành điều tra, nắm lại toàn bộ quỹ đất đai, mặt nước để xây dựng kế hoạch phân bố và giao quyền sử dụng cho các đơn vị cơ sở và các thành phần kinh tế khác.

V. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp phải được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thường Vụ Hội đồng Bộ trưởng. Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để giúp Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo thực hiện tốt việc này.

Các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng. Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện tốt Chỉ thị này và báo cáo kết quả với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 67-HĐBT năm 1988 thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 67-HĐBT
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/04/1988
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: 15/05/1988
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 05/05/1988
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản