Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60-HĐBT

Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 1988

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT ĐẤT ĐAI

Luật Đất đai đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1987 và được công bố theo Lệnh của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước ngày 8 tháng 1 năm 1988. Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, thủ trưởng các ngành trung ương và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các cấp khẩn trương lập kế hoạch tổ chức thi hành Luật trong ngành mình, địa phương mình, trước mắt tập trung thực hiện tốt những công việc sau đây:

1. Làm tốt việc tuyên truyền, giải thích Luật đất đai.

Ngành quản lý ruộng đất, ngành tư pháp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng và các đoàn thể nhân dân từ trung ương đến địa phương để tuyên truyền, giải thích Luật Đất đai, làm cho cán bộ, nhân dân, quân đội hiểu rõ Luật và chấp hành mọi điều quy định trong Luật nhằm khuyến khích sử dụng đất trống đồi núi trọc, phát triển diện tích đất nông, lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng hợp lý và tiết kiệm đất, đồng thời đạt được các mục tiêu lợi ích khác đã nêu trong Luật.

2. Ban hành những quy định cụ thể để thi hành Luật.

Từ nay đến cuối năm 1988, Tổng cục Quản lý ruộng đất phải phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Tư pháp, Ngoại giao, Tài chính, Xây dựng, Kinh tế đối ngoại và các ngành khác có liên quan trình Hội đồng Bộ trưởng ban hành những quy định cụ thể về việc quản lý các loại đất, trước hết là về đất làm kinh tế gia đình, đất ở, đất giao cho các tổ chức và cá nhân nước ngoài sử dụng, những quy định về trình tự, thủ tục giao đất, thu hồi đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất xây dựng cơ bản, đất làm nhà ở, những quy định về bồi thường thiệt hại khi thu hồi đất, về xử lý hành chính những vi phạm Luật đất đai, v.v...

Tổng cục Quản lý ruộng đất và các ngành có liên quan theo chức năng của mình cần đồng thời chuẩn bị để kịp thời ban hành những thông tư hướng dẫn thi hành ngay sau khi các văn bản của Hội đồng Bộ trưởng về các vấn đề đất đai nói trên được ban hành.

Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương theo thẩm quyền của mình cần khẩn trương ra những văn bản thi hành những điều trong Luật đã giao quyền cho địa phương ra những quy định phù hợp với điều kiện đất đai của từng vùng.

3. Xây dựng tài liệu làm cơ sở cho việc thi hành Luật đất đai.

Cơ quan quản lý đất đai ở trung ương và địa phương phải xúc tiến các công tác sau đây:

- Hoàn thành cơ bản trong năm 1988 công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký đất đai trong cả nước.

- Giúp Uỷ ban Nhân dân các cấp trong việc tổ chức lập và xét duyệt quy hoạch sử dụng đất đai, trước hết tiến hành ở những vùng trọng điểm và những nơi đang có tình trạng sử dụng đất đai tuỳ tiện, lãng phí.

- Giúp cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai cho những trường hợp cần thiết để bảo đảm cho người được giao đất yên tâm sử dụng đất, làm cơ sở pháp lý cho việc đưa công tác quản lý đất đai vào nền nếp và xét xử các vụ tranh chấp về đất đai.

- Tổng cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan như Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, các Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm, Lâm nghiệp, Thuỷ lợi, Thuỷ sản, Tài chính, Xây dựng, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Văn hoá, Ngoại giao, Kinh tế đối ngoại, Nội vụ, Tổng cục Cao-su, Cục Đo đạc và bản đồ Nhà nước... và các địa phương xây dựng tốt các tài liệu phục vụ cho việc thi hành Luật Đất đai, trước hết là những tài liệu làm cơ sở cho quy hoạch sử dụng đất đai cho mọi nhu cầu trước mắt và lâu dài.

4. Về công tác thanh tra đất đai.

Tổng cục Quản lý ruộng đất, Uỷ ban Thanh tra Nhà nước, cùng các cơ quan liên quan khác ở trung ương và Uỷ ban Nhân dân các cấp phải thường xuyên kiểm tra việc thi hành Luật đất đai ở địa phương.

5. Về tổ chức bộ máy để quản lý đất đai.

Để thực hiện tốt Luật Đất đai, Tổng cục Quản lý ruộng đất và Uỷ ban Nhân dân các cấp phải khẩn trương sắp xếp lại tổ chức quản lý đất đai ở trung ương và địa phương theo phương hướng bảo đảm bộ máy tinh giản và có hiệu lực.

Việc thực hiện Luật đất đai là một quá trình, có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi có sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của chính quyền các cấp dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng.

- Bộ trưởng và thủ trưởng các ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này trong ngành mình.

- Tổng cục Quản lý ruộng đất có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn các ngành, các cấp trong việc thi hành Luật đất đai.

- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm về việc thi hành Luật Đất đai ở địa phương mình và tuỳ theo tình hình cụ thể ở địa phương mà đề ra các biện pháp thích hợp để thực hiện tốt Chỉ thị này.

Sáu tháng một lần, các Bộ, các ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương phải gửi báo cáo kết quả thi hành Luật đất đai đến Hội đồng Bộ trưởng, đồng gửi Tổng cục Quản lý ruộng đất.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)