Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 6656/CT-BNN-TT | Hà Nội, ngày 09 tháng 9 năm 2024 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ SỨC KHỎE ĐẤT HƯỚNG TỚI SẢN XUẤT TRỒNG TRỌT BỀN VỮNG
Đất trồng trọt là tư liệu sản xuất đặc biệt đóng vai trò vô cùng quan trọng tới sinh trưởng phát triển của cây trồng. Trong thời gian qua quản lý sức khỏe đất trồng trọt đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như xây dựng hành lang pháp lý về sức khỏe đất; ban hành các tiến bộ kỹ thuật; kết quả nghiên cứu, đánh giá về sức khỏe đất trong nông nghiệp được ứng dụng rộng rãi; cải tạo, sử dụng hiệu quả đất trồng trọt thoái hóa, ô nhiễm.
Tuy nhiên, còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như các nội dung nghiên cứu, điều tra, đánh giá về thoái hóa đất, chất lượng đất, ô nhiễm môi trường đất chưa đáp ứng được công tác bảo vệ chất lượng đất nói riêng hay sức khỏe đất sản xuất trồng trọt cũng như phục vụ công tác chỉ đạo trong sản xuất trồng trọt; nhận thức về sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt bền vững còn hạn chế; nguồn nhân lực hoạt động trong khoa học công nghệ, quản lý nhà nước lĩnh vực sức khỏe đất chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Để quản lý sức khỏe đất trồng trọt được triển khai đồng bộ, hiệu quả, thực chất đáp ứng mục tiêu phát triển sản xuất trồng trọt bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đơn vị thuộc Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Doanh nghiệp, Hiệp hội tập trung thực hiện một số nội dung sau:
1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Cục Trồng trọt
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí xác định, biện pháp quản lý và quy trình sản xuất trên vùng đất dốc, đất trũng, đất phèn, đất mặn, đất cát ven biển và đất có nguy cơ sa mạc hóa, hoang mạc hóa. Xây dựng hệ thống các hướng dẫn về cấu trúc dữ liệu sức khỏe đất trồng trọt để đảm bảo thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất trồng trọt, hướng dẫn các địa phương chủ động tiến hành xây dựng hệ cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất trồng trọt;
- Chủ trì, phối hợp với Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các đơn vị có liên quan rà soát chỉnh sửa bổ sung hoặc xây dựng mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sức khỏe đất, đặc biệt là chất lượng đất trồng trọt.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu và tổ chức tập huấn cho từng nhóm đối tượng nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân về quản lý sức khỏe đất trong đó chú ý đến ảnh hưởng của suy thoái đất, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn...
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng, triển khai kế hoạch truyền thông, nâng cao nhận thức về sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng, hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện thí điểm mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung theo hướng xã hội hóa.
b) Cục Bảo vệ thực vật
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các quy trình sử dụng thuốc BVTV, phân bón tiết kiệm, cân đối theo hướng ưu tiên phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học và tối ưu hóa các loại thuốc BVTV, phân bón cho từng cây trồng gắn với từng loại đất cụ thể.
- Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích việc phát triển và sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học cải tạo đất.
- Phối hợp với Cục Trồng trọt, các đơn vị liên quan hoàn thiện quy trình canh tác bền vững, lồng ghép vấn đề đảm bảo sức khỏe đất vào các chương trình tập huấn, truyền thông sử dụng phân bón, thuốc BVTV.
c) Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với Cục Trồng trọt và các đơn vị liên quan xây dựng chương trình nghiên cứu về sức khoẻ đất đảm bảo tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực quản lý sức khoẻ đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
- Chủ trì và phối hợp với các cục chuyên ngành trong việc huy động các nguồn lực khoa học công nghệ trên toàn quốc thông qua việc hỗ trợ, khuyến khích các đề tài, dự án có sự tham gia phối hợp thực hiện của các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan, đơn vị của địa phương. - Bố trí kinh phí khoa học công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ, đề tài, dự án nâng cao sức khỏe đất sản xuất trồng trọt.
d) Trung tâm Khuyến nông quốc gia
Phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ và các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận về sức khỏe đất gắn sản xuất trồng trọt bền vững; tập huấn cho nông dân và cán bộ kỹ thuật địa phương các quy trình canh tác, quy trình duy trì, bảo vệ và cải tạo đất..., xây dựng các mô hình bảo vệ sức khỏe đất gắn với sản xuất trồng trọt.
đ) Vụ Hợp tác quốc tế
Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan huy động tối đa nguồn lực quốc tế để thực hiện các nhiệm vụ nâng cao sức khỏe đất trồng trọt.
e) Các cơ quan nghiên cứu
Đề xuất, thực hiện các đề tài, chương trình điều tra, đánh giá, nghiên cứu về sức khỏe đất, quy trình canh tác bền vững gắn với bảo vệ đất; cải tạo đất sản xuất nông nghiệp, đánh giá định kỳ chất lượng, độ phì nhiêu đất để làm cơ sở đưa ra giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng vùng sinh thái và từng loại cây trồng.
g) Các đơn vị khác
Phối hợp với Cục Trồng trọt tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý sức khỏe đất trồng trọt.
2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của trung ương, chủ động xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án của địa phương về quản lý, nâng cao sức khỏe đất gắn với phát triển sản xuất trồng trọt bền vững phù hợp với điều kiện thực tế, lồng ghép các nội dung về tăng cường sức khỏe đất trồng trọt với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về sức khỏe đất nói riêng và cơ sở dữ liệu cho lĩnh vực trồng trọt nói chung trong phạm vi được phân công.
b) Chủ động triển khai các hoạt động quản lý nhà nước, điều tra, đánh giá, cải tạo đất trồng trọt làm cơ sở đưa ra các giải pháp quản lý sức khoẻ đất và dinh dưỡng cây trồng phù hợp với từng tiểu vùng sinh thái và từng loại cây trồng của địa phương. Hướng dẫn, bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ này.
c) Tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của sức khỏe đất với sản xuất trồng trọt; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn về sức khỏe đất, đặc biệt đối với đối tượng là cán bộ quản lý, chuyên môn tại địa phương; phổ biến, hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để bảo vệ, nâng cao sức khỏe đất gắn với quản lý dinh dưỡng cây trồng.
d) Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý đất sản xuất trồng trọt; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi gây ô nhiễm môi trường đất, thoái hóa đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích, làm ảnh hưởng đến chất lượng và sức khỏe đất trồng trọt trên địa bàn theo quy định của pháp luật.
3. Các doanh nghiệp, hội, hiệp hội
- Các Hiệp hội tăng cường tuyên truyền cho hội viên phối hợp tuyên truyền cho người dân và các tổ chức, các cá nhân liên quan về quy định pháp luật; vai trò của sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững. Phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất nhiệm vụ khoa học, dự án; thực hiện thí điểm mô hình quản lý sức khỏe đất gắn với phát triển trồng trọt bền vững đối với cây trồng chủ lực tại một số vùng sản xuất tập trung theo hướng xã hội hóa.
Bộ Nông nghiệp và PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thủ trưởng cơ quan thuộc Bộ, hội, hiệp hội, doanh nghiệp, người dân nghiêm túc triển khai, thực hiện; báo cáo về Bộ Nông nghiệp và PTNT (qua Cục Trồng trọt) kết quả thực hiện, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để phối hợp giải quyết./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1Thông tư 49/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn tiêu chí xác định vùng sản xuất trồng trọt tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Chỉ thị 9864/CT-BNN-BVTV năm 2018 về tăng cường công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 3Chỉ thị 1900/CT-BNN-BVTV năm 2024 tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
Chỉ thị 6656/CT-BNN-TT năm 2024 tăng cường công tác quản lý sức khỏe đất hướng tới sản xuất trồng trọt bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- Số hiệu: 6656/CT-BNN-TT
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/09/2024
- Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Người ký: Hoàng Trung
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra