Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 568/CT-TCHQ | Hà Nội, ngày 09 tháng 02 năm 2011 |
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM TRA SAU THÔNG QUAN
Lực lượng kiểm tra sau thông quan được thành lập theo Quyết định số 16/2003/QĐ-BTC ngày 10/02/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Kiểm tra sau thông quan trực thuộc Tổng cục Hải quan và Quyết định số 37/2003/QĐ-BTC ngày 17/03/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về thành lập Phòng Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan.
Trải qua thời gian 8 năm tổ chức, xây dựng và hoạt động, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã từng bước trưởng thành, đạt nhiều thành tựu quan trọng: Đã xây dựng được hệ thống tổ chức bộ máy lực lượng kiểm tra sau thông quan từ Tổng cục Hải quan đến Cục Hải quan tỉnh, thành phố; đã xây dựng được lý luận, nghiệp vụ về kiểm tra sau thông quan; đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công chức lực lượng kiểm sau sau thông quan có phẩm chất, có nghiệp vụ chuyên môn, chuyên sâu, chuyên nghiệp; hoạt động kiểm tra sau thông quan đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ: Bước đầu nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; phát hiện được nhiều vấn đề bất cập của chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung; góp phần quan trọng vào việc chống thất thu cho Ngân sách Nhà nước, chống gian lận thương mại, kiềm chế nhập siêu, cải cách hành chính, hiện đại hóa ngành hải quan.
Tuy nhiên, công tác kiểm tra sau thông quan còn một số tồn tại: Quyết tâm chuyển đổi phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan của một bộ phận đáng kể lãnh đạo, công chức hải quan chưa cao; lực lượng cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan còn quá mỏng, nhiều người trong đó chưa yên tâm công tác, trông chờ vào việc luân chuyển; kinh nghiệm, kỹ năng nghiệp vụ, sự tự tin của một bộ phận cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan còn hạn chế; trang thiết bị nghiệp vụ, điều kiện đảm bảo còn rất thiếu; chế độ đãi ngộ chưa khuyến khích thu hút được cán bộ, công chức vào lực lượng kiểm tra sau thông quan; hiệu quả kiểm tra sau thông quan ở nhiều đơn vị còn thấp.
Để thực hiện thắng lợi chiến lược cải cách, phát triển hải quan giai đoạn 2011 - 2020, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, ngành Hải quan phải quyết tâm chuyển đổi mạnh mẽ, tiến tới chuyển đổi căn bản phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan.
Để thực hiện mục tiêu trên, tạo bước chuyển biến đột phá và tạo đà cho hoạt động kiểm tra sau thông quan trong các năm tiếp theo, Tổng cục Hải quan quyết định năm 2011 là "Năm kiểm tra sau thông quan" với những nội dung cơ bản sau đây:
1. Tạo sự chuyển biến rõ rệt về quyết tâm chính trị của cán bộ, công chức, trước hết là lãnh đạo các cấp ngành Hải quan trong việc chuyển đổi mạnh mẽ, tiến tới chuyển đổi căn bản phương thức quản lý từ kiểm tra trong thông quan sang kiểm tra sau thông quan.
2. Xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược cải cách, phát triển ngành Hải quan giai đoạn 2011-2020 trong lĩnh vực kiểm tra sau thông quan.
3. Tăng cường biên chế cho lực lượng kiểm tra sau thông quan: toàn Ngành và mỗi Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phải dành tối thiểu 10% tổng biên chế của đơn vị cho lực lượng kiểm tra sau thông quan.
4. Tăng cường hoạt động kiểm tra sau thông quan để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước trong điều kiện cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ, áp dụng rộng rãi thủ tục hải quan điện tử: Đẩy mạnh kiểm tra đánh giá sự tuân thủ, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật; tăng cường kiểm tra sau thông quan tại trụ sở doanh nghiệp, phát hiện kịp thời các sai sót và các hành vi gian lận, trốn thuế.
5. Tăng cường công tác đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.
6. Tăng cường trang thiết bị, máy móc, phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin để đảm bảo hoạt động kiểm tra sau thông quan đạt hiệu quả cao nhất.
7. Áp dụng và đề nghị cấp có thẩm quyền áp dụng chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan đủ để thu hút cán bộ, công chức vào lực lượng kiểm tra sau thông quan và động viên cán bộ, công chức đang làm công tác kiểm tra sau thông quan yên tâm công tác lâu dài.
8. Tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra của lãnh đạo Tổng cục Hải quan, cấp ủy và thủ trưởng đơn vị Cục Hải quan tỉnh, thành phố đối với công tác kiểm tra sau thông quan, đảm bảo để cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng kiểm tra sau thông quan có đủ điều kiện hoạt động có hiệu quả, không ngừng phát triển
Tổ chức thực hiện Chỉ thị:
1. Giao Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Chỉ thị này. Trước mắt, trong Quý I/2011, tổ chức một hội nghị Cục trưởng Hải quan tỉnh, thành phố, do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chủ trì quán triệt, xác định quyết tâm và bàn giải pháp thực hiện Chỉ thị.
2. Giao Cục Kiểm tra sau thông quan chủ trì cùng từng Cục Hải quan tỉnh, thành phố xây dựng chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương, trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan phê duyệt để thực hiện. Các chỉ tiêu chính bao gồm: quyết tâm chính trị của Cục trưởng; tỷ lệ biên chế dành cho đơn vị kiểm tra sau thông quan; số lượng doanh nghiệp được kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan, tại trụ sở doanh nghiệp; số tiền truy thu nộp Ngân sách Nhà nước; những phát hiện về sơ hở; bất cập của chính sách, pháp luật.
3. Giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, Cục Kiểm tra sau thông quan phối hợp trong việc sắp xếp, bố trí đủ biên chế cho lực lượng kiểm tra sau thông quan; đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan theo hướng chuyên sâu, chuyên nghiệp.
4. Giao Ban Cải cách - Hiện đại hóa chủ trì, các Cục Giám sát và quản lý về Hải quan, Thuế xuất nhập khẩu, Kiểm tra sau thông quan phối hợp rà soát lại các công việc nghiệp vụ trước, trong và sau thông quan để xác định giai đoạn thực hiện từng công việc cho không trùng lặp, có hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.
5. Giao Vụ Tài vụ quản trị chủ trì, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp nghiên cứu, đề xuất giải pháp áp dụng chế độ đãi ngộ cho cán bộ, công chức kiểm tra sau thông quan theo tinh thần điểm 7 Chỉ thị.
Chỉ thị này được quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức trong ngành Hải quan. Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan căn cứ vào chức năng nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị này.
Kết quả thực hiện Chỉ thị là căn cứ để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị và thủ trưởng Cục Hải quan tỉnh, thành phố cũng như lãnh đạo được phân công phụ trách lĩnh vực kiểm tra sau thông quan.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
- 1Quyết định 37/2003/QĐ-BTC về Phòng Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc Tổng cục Hải quan do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2Quyết định 3550/QĐ-TCHQ năm 2013 Quy trình nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành
Chỉ thị 568/CT-TCHQ năm 2011 về tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan do Tổng cục Hải quan ban hành
- Số hiệu: 568/CT-TCHQ
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 09/02/2011
- Nơi ban hành: Tổng cục Hải quan
- Người ký: Nguyễn Ngọc Túc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/02/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra