Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 53/2005/CT-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 20 tháng 12 năm 2005

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CẢI CÁCH THUẾ ĐẾN NĂM 2010

Để góp phần thực hiện tốt chiến lược phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và chủ động thực hiện thắng lợi hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Chính trị đã thông qua Chiến lược cải cách Thuế đến năm 2010 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 phê duyệt chương trình cụ thể để thực hiện Chiến lược nói trên.

Nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành, huyện, thị thực hiện thành công Chiến lược cải cách Thuế từ nay đến năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị cho Thủ trưởng các sở, ngành của tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức thực hiện các nội dung sau :

1. Cục Thuế, sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước, Cục Hải quan tỉnh là cơ quan trực tiếp đến công tác quản lý ngân sách có kế hoạch triển khai của từng ngành; phối hợp chặt chẽ với sở, ngành, huyện, thị tổ chức thực hiện Chiến lược cải cách Thuế theo Quyết định số 201/2004/QĐ-TTg ngày 06/12/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 1629/QĐ-BTC ngày 19/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về kế hoạch cải cách và hiện đại hoá hệ thống Thuế giai đoạn 2005-2010 theo đúng lộ trình đã đề ra.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp chặt chẽ với cục Thuế, Cục Hải quan, sở Thương mại Du lịch, Công an tỉnh, sở Tư pháp, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh trong việc cung cấp thông tin về đăng ký kinh doanh, tăng cường kiểm tra việc thành lập Doanh nghiệp và thực hiện có hiệu quả công tác hậu kiểm, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp đăng ký kinh doanh để kịp thời phát hiện, xử lý đối với các đối tượng có dấu hiệu vi phạm, trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, chiếm đoạt tiền thuế nhà nước.

3. Sở Thương mại Du lịch phối hợp chặt chẽ với cục Thuế trong việc cung cấp thông tin liên quan đến các Văn phòng đại diện, Chi nhánh, thương nhân nước ngoài trên địa bàn tỉnh; cung cấp bản sao giấy phép hoạt động, quảng cáo, xúc tiến thương mại du lịch đã được cấp để cơ quan Thuế làm cơ sở quản lý và thu thuế.

Sở Thương mại Du lịch, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh gắn việc chống buôn lậu với việc chống trốn thuế, lậu thuế. Tăng cường phối hợp cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin, kiểm tra phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận thương mại, vi phạm chế độ đăng ký kinh doanh, trốn thuế, lậu thuế.

4. Công an tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các quy định của pháp luật tăng cường phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, buôn bán hoá đơn bất hợp pháp… của các doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài để thu hồi các khoản tiền thuế bị thất thoát cho ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh điều tra các vụ án trốn thuế, gian lận về thuế đã được phát hiện để đưa ra xét xử trước pháp luật nhằm giáo dục, răn đe các trường hợp khác. Cung cấp danh sách người nước ngoài đang công tác, làm việc trên địa bàn tỉnh để có biện pháp quản lý thu thuế thu nhập cá nhân các đối tượng này. Xem xét đình chỉ hoặc tạm đình chỉ thủ tục xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp có văn bản đề nghị chính thức của Cục Thuế tỉnh.

5. Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh Bình Dương chỉ đạo các Ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng phối hợp với cơ quan Thuế khi có yêu cầu cung cấp các thông tin của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế. Thực hiện trích, chuyển tiền từ tài khoản của đối tượng nộp thuế vào ngân sách nhà nước theo quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và lệnh thu của cơ quan Thuế.

6. Sở Văn hoá và Thông tin, sở Thể dục Thể thao phối hợp với cơ quan Thuế trong việc cung cấp bản sao toàn bộ hồ sơ đã cấp giấy phép hoạt động biểu diễn; hợp đồng với các cầu thủ bóng đá, vận động viên… để cơ quan Thuế quản lý thu thuế. Đồng thời có biện pháp quản lý theo thẩm quyền yêu cầu các đơn vị biểu diễn, câu lạc bộ, đội bóng cung cấp cho cơ quan Thuế danh sách các nghệ sĩ, cầu thủ bóng đá, vận động viên; mã số thuế cá nhân và thực hiện khấu trừ thuế khi chi trả các khoản thu nhập… Từ chối cấp phép hoạt động biểu diễn nghệ thuật, hợp đồng thi đấu đối với cá nhân, tổ chức vi phạm Luật Thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế trong việc cung cấp thông tin để đảm bảo thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu liên quan đến đất đai vào Ngân sách nhà nước. Hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian nhanh nhất.

8. Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với cơ quan thuế thực hiện các tiết học, sinh hoạt ngoại khoá đối với các trường tiểu học, trung học trên địa bàn tỉnh để giới thiệu các kiến thức chung về Thuế, giúp cho thế hệ trẻ hiểu được nghĩa vụ và quyền lợi của công dân trong thực hiện pháp luật về thuế. Cung cấp trao đổi thông tin về quản lý thu nhập và nộp thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc trong ngành giáo dục đào tạo.

9. Các Hội đoàn, Hiệp hội doanh nghiệp, Hội nghề nghiệp phối hợp với cơ quan Thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách pháp luật về thuế đến các thành viên, hội viên để từng bước nâng cao tính tự giác tuân thủ pháp luật thuế.

10. Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Dương phối hợp với cơ quan Thuế mở chuyên mục về thuế để tuyên truyền giáo dục về các chính sách thuế; phổ biến các chính sách thuế mới, giải đáp các vướng mắc về thuế làm cho mọi tổ chức, cá nhân hiểu rõ pháp luật thuế và tự giác chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật thuế. Biểu dương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, đồng thời phê phán mạnh mẽ các hiện tượng vi phạm pháp luật về thuế. Tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến công tác cải cách và hiện đại hoá ngành Thuế trên Báo, Đài.

11. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các phường, xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế trong việc chỉ đạo tổ chức quản lý thu, chống thất thu thuế, thực hiện tốt công tác ủy nhiệm thu thuế.

Căn cứ Chỉ thị của Ủy ban nhân dân tỉnh, giao trách nhiệm Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chủ động phối hợp với các sở ngành, huyện, thị có các Quy chế phối hợp cụ thể trên từng lĩnh vực để triển khai thực hiện kế hoạch hành động hàng năm theo lộ trình đã đề ra về việc thực hiện Chiến lược cải cách thuế đến năm 2010. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo giải quyết và định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về tiến độ, kết quả thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- TTTU, TT.HĐND
- CT, PCT
- UBND huyện, thị xã
- Các sở, ngành, cục thuế
- LĐVP, Ng, Lg, TH
- Lưu VT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
 CHỦ TỊCH




Nguyễn Hoàng Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Chỉ thị 53/2005/CT-UBND thực hiện Chiến lược cải cách Thuế đến năm 2010 do tỉnh Bình Dương ban hành

  • Số hiệu: 53/2005/CT-UBND
  • Loại văn bản: Chỉ thị
  • Ngày ban hành: 20/12/2005
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản
Các nội dung liên quan: một lần cho cả thời gian thuêthuê đất trả tiềnnghĩa vụ mời bạn đọc tham khảo thêm trong Điều 85 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Điều 85. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động.

2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:

a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;

b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;

d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;

đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

3. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung theo quy định tại Điều này thì thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.