Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
----------

Số: 51/CT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 2 tháng 11 năm 1985

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC CẢI TẠO TỔ CHỨC LẠI SẢN XUẤT, QUẢN LÝ KINH DOANH BỐN NGÀNH HÀNG THUỐC LÁ, RƯỢU, BIA, NƯỚC GIẢI KHÁT, DẦU THỰC VẬT VÀ MÍA ĐƯỜNG THUỘC NGÀNH CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH

Ngành Công nghiệp thực phẩm là một ngành kinh tế kỹ thuật gồm nhiều ngành hàng sản phẩm do Nhà nước thống nhất quản lý sản xuất kinh doanh, nhằm bảo đảm vệ sinh thực phẩm và bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Những ngành sản phẩm thuộc công nghiệp thực phẩm hiện nay trong thành phố có những xí nghiệp quốc doanh trực thuộc nhiều Sở quản lý cần được từng bước sắp xếp phân công lại cho hợp lý và đưa dần vào một đầu mối. Trên cơ sở đó, từng bước cải tạo, tổ chức lại những cơ sở tiểu thủ công nghiệp sản xuất những mặt hàng theo chuyên ngành sản phẩm.

- Các ngành sản phẩm chuyên ngành của Công nghiệp thực phẩm phải do Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp thực phẩm là cơ quan duy nhất trực tiếp quản lý chỉ đạo, tạo điều kiện duy trì, phát triển những thành phần kinh tế thích hợp, phát huy được tay nghề kỹ thuật của những gia đình, cá nhân sản xuất những mặt hàng truyền thống phục vụ cho nhu cầu trong nước và tích cực tham gia xuất khẩu, tái tạo nguồn nguyên liệu, đổi mới trang bị kỹ thuật để các ngành sản phẩm công nghiệp thực phẩm ngày càng phát triển.

- Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp thực phẩm đa dạng, có giá trị cao, chất lượng được nhiều người ưa thích, có điều kiện tham gia xuất khẩu.

Để thực hiện nghiêm túc chủ trương thống nhất quản lý ngành trên địa bàn. Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy định tạm thời về tổ chức quản lý sản xuất và kinh doanh bốn ngành hàng công nghiệp thực phẩm.

- Ủy ban nhân dân thành phố giao trách nhiệm cho Sở Công nghiệp, Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp thực phẩm, quận, huyện và các ngành có liên quan lập phương án cụ thể trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt và chịu trách nhiệm triển khai các bản quy định tạm thời từng ngành sản phẩm kèm theo đây và định kỳ báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT/CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Văn Triết

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT QUẢN LÝ KINH DOANH NGÀNH THUỐC LÁ TRÊN ĐỊA BÀN TP. HỒ CHÍ MINH
(Ban hành theo Chỉ thị số 51/CT-UB ngày 02-10-1985 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh)

Thuốc lá điếu và thuốc lá sợi các loại có quan hệ đến sức khỏe của nhân dân, Nhà nước trực tiếp tổ chức và quản lý theo những quy định sau:

I. VỀ TỔ CHỨC SẢN XUẤT THUỐC LÁ ĐIẾU

Điều 1: Thuốc lá được tổ chức sản xuất và kinh doanh trên địa bàn thành phố gồm hai loại:

1. Thuốc lá điếu.

2. Thuốc lá sợi.

Thuốc lá điếu do các xí nghiệp quốc doanh sau đây sản xuất và tổ chức kinh doanh:

- Liên hiệp xí nghiệp thuốc lá thuộc Bộ Công nghiệp thực phẩm.

- Xí nghiệp quốc doanh thuốc lá của thành phố.

Điều 2: Thành phố tổ chức xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá để giữ vai trò trung tâm ngành thuốc lá thành phố. Trên địa bàn quận, huyện có nguồn thuốc lá, Ủy ban nhân dân thành phố còn xem xét cho thành lập xưởng quốc doanh sản xuất thuốc lá, làm vệ tinh cho xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá của thành phố. Xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá của quận huyện đều do Liên hiệp xí nghiệp công nghiệp thực phẩm thuộc Sở Công nghiệp quản lý

Xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá của thành phố có trách nhiệm cùng một số quận huyện lập phương án tổ chức sản xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố duyệt. Sản phẩm của xí nghiệp và các xưởng vệ tinh phải bảo đảm tiêu chuẩn đã đăng ký với Chi cục tiêu chuẩn do lường chất lượng. Những sản phẩm đúng tiêu chuẩn mới được xí nghiệp dán tem thuế tài chánh cho phát hành.

Điều 3: Xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá điếu của thành phố cùng với các xưởng sản xuất thuốc lá các quận, huyện có kế hoạch và phân công thu mua thuốc lá nguyên liệu trên thị trường thành phố, được phép liên doanh liên kết kinh tế với các huyện ngoại thành, với các tỉnh bạn để trồng thuốc lá, tổ chức hợp đồng thu mua bảo đảm nguyên liệu cho sản xuất, theo quy chế của các tỉnh và của thành phố, bảo đảm phân chia thỏa đáng quyền lợi giữa các bên.

II. TỔ CHỨC TIÊU THỤ THUỐC LÁ ĐIẾU

Điều 4: Sở thương nghiệp thành phố lập và thực hiện kế hoạch tiêu thụ thuốc lá do các cơ sở quốc doanh trung ương phân phối cho thành phố và thuốc lá do thành phố sản xuất, trong hệ thống thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã.

Thuốc lá điếu sản xuất, tại xí nghiệp quốc doanh thành phố đủ điều kiện xuất khẩu và có thị trường, được tham gia xuất khẩu theo quy chế về ngoại thương của thành phố.

Điều 5: Thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp Hợp tác xã thông qua mạng lưới cửa hàng quốc doanh và hợp tác xã bán thuốc lá đến tận người tiêu dùng.

Những hộ đang bán lẻ thuốc lá điếu, thuộc phường xã nào do phường xã đó xét tổ chức thành đại lý cho thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã bán thuốc lá lẻ trong phường xã.

III. VỀ GIÁ:

Điều 6: Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền cho Ủy ban Vật giá thành phố cùng xí nghiệp quốc doanh sản xuất thuốc lá điếu, Sở Thương nghiệp, Ủy ban nhân dân quận, huyện có xưởng quốc doanh sản xuất thuốc lá, thống nhất ban hành một khung giá bán buôn, bán lẻ thuốc lá điếu và thuốc lá sợi. Tất cả các cơ sở kinh doanh thuốc là đều phải chấp hành nghiêm chỉnh giá bán thuốc lá nhất là bán lẻ được ban hành, chánh quyền các cấp cùng các ngành có trách nhiệm phối hợp tổ chức quản lý, kiểm tra chặt chẽ việc thi hành giá, và có hình thức xử lý thích đáng đối với các trường hợp vi phạm giá.

IV. VỀ THUẾ

Điều 7: Áp dụng các quy định hiện hành về thuế đối với các xí nghiệp sản xuất của quốc doanh cũng như đối với các cơ sở kinh doanh thuốc lá điếu và thuốc lá sợi.

V. VỀ QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG THUỐC LÁ.

Điều 8: Các xí nghiệp và xưởng quốc doanh thuốc lá của thành phố phải đăng ký chất lượng, nhãn hiệu, giá cả, sản phẩm phải được dán tem do Sở tài chánh thống nhất phát hành mới được đưa vào lưu thông trên thị trường.

Xí nghiệp quốc doanh thuốc lá thành phố là xí nghiệp trung tâm ngành sản xuất thuốc lá thành phố phải chịu trách nhiệm quản lý về chất lượng thuốc lá trước Ủy ban nhân dân thành phố và với người tiêu dùng.

Điều 9: Những cơ sở, cá nhân sản xuất thuốc lá lậu, làm nhãn hiệu giả, pha trộn nguyên liệu không đúng phẩm chất đăng ký, đầu cơ tích trữ thuốc lá và bán quá giá Nhà nước quy định, sẽ đưa ra xử lý nghiêm khắc bằng các hình thức phạt tiền, rút giấy phép hành nghề, tội nặng sẽ đưa ra tòa xét xử.

Điều 10: Công ty du lịch, Công ty cung ứng tàu biển và Tổng Công ty xuất nhập khẩu thành phố là ba cơ quan được tiêu thụ thuốc lá ngoại theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Thuốc lá ngoại là quà biếu qua đường tàu biển, máy bay hoặc bưu điện và vượt quá số lượng tiêu chuẩn quy định, cơ quan được Ủy ban nhân dân thành phố ủy quyền mua lại theo giá chỉ đạo, nếu là kinh doanh với khối lượng lớn thì giữ lại, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố xử lý.

Điều 11: Thuốc lá điếu của các tỉnh bạn được Nhà nước cho phép sản xuất đúng tiêu chuẩn chất lượng có hợp đồng liên doanh, liên kết kinh tế với thành phố được Sở thương nghiệp thu mua và tổ chức lưu thông trên thị trường thành phố.

Điều 12: Các xí nghiệp và xưởng quốc doanh sản xuất thuốc lá điếu, được quyền liên doanh với các huyện ngoại thành và với các tập đoàn, các hợp tác xã nông nghiệp hoặc với nông dân để thu mua nguyên liệu thuốc lá theo sự phân công của ngành kinh tế kỹ thuật và theo chánh sách hiện hành của thành phố.

VI. CHÁNH SÁCH SỬ DỤNG TAY NGHỀ, SẮP XẾP LẠI CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH THUỐC LÁ

Điều 13: Những người có kinh nghiệm giỏi về kỹ thuật pha chế, về tổ chức quản lý sản xuất, được sử dụng và đãi ngộ thích đáng.

Điều 14: Những hộ kinh doanh thuốc lá sợi quy mô bán buôn được tổ chức vào các cửa hàng hợp tác kinh doanh theo quy định tạm thời số 290/QĐ-UB ngày 8 tháng 11 năm 1984 của Ủy ban nhân dân thành phố.

- Những hộ bán thuốc lá sợi ở chợ, ở phường, xã được sắp xếp tổ chức lại theo ngành hàng, chịu sự quản lý của Ban quản lý chợ và Phường, xã.

Điều 15: Các xí nghiệp quốc doanh và xưởng quốc doanh sản xuất thuốc lá, được vận dụng các chánh sách huy động vốn, vay vốn, để đầu tư đổi mới kỹ thuật, tạo điều kiện tăng số lượng và chất lượng sản phẩm tham gia xuất khẩu.

Thành phố sẽ miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với những nguyên liệu, hóa chất, hương liệu pha chế thuốc lá ngoại gởi từ nước ngoài về cho thân nhân trong nước mà có hợp đồng bán lại theo giá thỏa thuận với xí nghiệp, xưởng quốc doanh thuốc lá.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 16: Sở Công nghiệp, LHXN Công nghiệp thực phẩm, Ban Cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố, Sở Thương nghiệp, những quận huyện có xưởng quốc doanh sản xuất thuốc lá cùng các ngành Tài chánh, Ngân hàng, Vật giá chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể việc tổ chức triển khai thi hành bản quy định tạm thời này.

Bản quy định tạm thời này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định nào trước đây trái với các điều khoản trong bản quy định tạm thời này đều bãi bỏ.