Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 290/QĐ-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 11 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ TỔ CHỨC HỢP TÁC KINH DOANH TRONG NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỐ CHÍ MINH

- Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và ủy ban Nhân dân đã được Quốc hội thông qua ngày 30-06-1983 ;
- Căn cứ văn bản số 127/V15-M của Hội đồng Bộ trưởng về công tác cải tạo công thương nghiệp tư doanh và quản lý thị trường ;
- Theo đề nghị của đồng chí Trưởng Ban cải tạo thương nghiệp tư doanh thành phố, đồng chí Giám đốc Sở Thương nghiệp và đồng chí Trưởng Ban Quản lý thị trường thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Nay ban hành kèm theo quyết định này bản quy định về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành thương nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2 : Các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các quân huyện, căn cứ chức năng nhiệm vụ đã được quy định để hướng dẫn và tổ chức thực hiện quyết định này.

Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với những điều trong bản quy định kèm theo quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 4 : Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các sở, ban, ngành thuộc thành phố, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Nguyễn Võ Danh

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ HỢP TÁC KINH DOANH TRONG CÁC NGÀNH THƯƠNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 290/QĐ-UB ngày 08-11-1984 của Ủy ban Nhân dân thành phố).

Để thực hiện tốt chủ trương về kế hoạch cải tạo, xây dựng, quản lý các ngành kinh doanh thương nghiệp của thành phố, Ủy ban Nhân dân thành phố tạm thời quy định về việc tổ chức, hoạt động và quản lý đối với các cửa hàng hợp tác kinh doanh trong các ngành thương nghiệp như sau:

I-NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1: Cửa hàng hợp tác kinh doanh thương nghiệp gồm một bên là Công ty Thương nghiệp quốc doanh hoặc Công ty Thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố hoặc cấp quận, huyện với một bên là chủ tư nhân (vựa, chành, cửa hàng hoặc sạp) chuyên mua buôn bán buôn, có quy mô kinh doanh lớn và vừa, có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh.

Các hợp tác xã mua bán và các đơn vị kinh doanh thương nghiệp ở cấp phường, xã không được thực hiện hợp tác kinh doanh dưới bật kỳ hình thức nào.

Điều 2: Cửa hàng hợp tác kinh doanh thương nghiệp là đơn vị hạch toán định mức từng phần trực thuộc Công ty Thương nghiệp quốc doanh hoặc Công ty Thương nghiệp hợp tác xã cấp thành phố hoặc cấp quận huyện. Cửa hàng được Nhà nước bảo trợ; hoạt động theo sự hướng dẫn của đơi vị chủ quản, phải chấp hành đầy đủ các chế độ hiện hành theo quy định của Nhà nước (Tài chánh, Thuế, Ngân hàng, Giá, Quản lý thị trường,…)

Điều 3: Đối tượng thực hiện hợp tác kinh doanh trong các ngành thương nghiệp là các hộ chuyên mua buôn bán buôn, có quy mô kinh doanh với mức thuế doanh nghiệp loại A và loại B (xấp xỉ A); có tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh.

Trước mắt tập trung cho các ngành thiết yếu cho sán xuất và đời sống sau đây:

1. Kinh doanh lương thực (gạo, bột mì bao gồm cả mặt hàng chế biến).

2. Kinh doanh nông sản thực phẩm thiết yếu: thịt heo, trâu, bò và gia cầm; chất đốt; rau quả; cá.

3. Kinh doanh công nghệ phẩm chủ yếu: vải và quần áo may sẵn, các sản phẩm dệt kim; đồ nhôm chính phẩm; đồ nhựa chính phẩm; giấy; thuỷ tinh; cao su; nylon; xe đạp và phụ tùng; da và giả da.

4. Thu mua phế liệu phế thải.

Đối với các ngành hàng khác sẽ được xem xét và có quyết định sau.

Điều 4: Người chủ tư nhân và những người lao động chính trong gia đình trước đây trực tiếp tham gia kinh doanh nay được tiếp tục lao động và phát huy tay nghề kỹ thuật trong cửa hàng hợp tác hợp tác kinh doanh. Trường hợp người cổ đông tư nhân không thể trực tiếp lao động được nữa, thì vẫn được hưởng một phần tiền chia lời căn cứ vào số vốn lưu động đã góp vào Cửa hàng hợp tác kinh doanh.

Điều 5: Tất cả mọi lao động làm công tại cửa hàng kinh doanh của tư nhân trước đây đều đựơc giữ nguyên để phục vụ trong cửa hàng hợp tác kinh doanh; được đảm bảo mức thu nhâp như cũ; được khuyến khích phát huy tay nghề, phát huy khả năng mở rộng kinh doanh bằng các chế độ khoán việc hoặc chế độ khen thưởng thỏa đáng; được hưởng chế độ phúc lợi tập thể và các chế độ khác theo quy định.

II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG.

Điều 6: Cửa hàng hợp tác kinh doanh được duy trì trên cơ sở hiện đang kinh doanh của tư nhân.

Tài sản sử dụng trong cửa hàng hợp tác kinh doanh gồm có:

1. Diện tích kinh doanh, cửa hàng hoặc sạp của tư nhân đang sử dụng vào việc kinh doanh.

2. Các phương tiện của tư nhân đang sử dụng vào việc kinh doanh.

Diện tích kinh doanh thuộc quyền sở hữu của chủ tư nhân thì cửa hàng hợp tác kinh doanh hợp đồng thuê lại để tiếp tục kinh doanh. Nếu diện tích kinh doanh, cửa hàng hoặc sạp thuê của nhà nước thì cửa hàng hợp tác kinh doanh trả tiền thuê kể từ ngày hợp tác kinh doanh.

Các phương tiện của tư nhân đang sử dụng vào việc kinh doanh không tính là vốn hợp tác kinh doanh, mà căn cứ vào giá trị sử dụng còn lại và chánh sách giá theo quy định của Ủy ban nhân dân thành phố, hoàn trả dần cho ngừơi hợp tác kinh doanh. Tiền hoàn trả này trích trong tỷ lệ tiền lãi dành cho quỹ tích lũy mua sắm thêm phương tiện kinh doanh (nói ở điều 12 dưới đây), được trả hàng tháng hay quý theo quyết toán cho đến khi trả hết.

Cửa hàng hợp tác kinh doanh không được sử dụng khu vực nhà ở và các tư liệu sinh hoạt của chủ tư nhân. Khi cần mở rộng diện tích kinh doanh nhất thiết phải được sự thỏa thuận của sở hữu chủ.

Điều 7: Cửa hàng hợp tác kinh doanh phải có tiền vốn bảo đảm cho yêu cầu kinh doanh.

Tiền vốn của chủ tư nhân bao gồm:

1. Số hàng hóa còn lại đến ngày hợp tác kinh doanh được tính đúng giá trị theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân thành phố.

2. Vốn tiền mặt góp thêm theo yêu cầu đảm bảo kinh doanh.

Tiền vốn của công ty thương nghiệp quốc doanh hoặc công ty thương nghiệp hợp tác xã không nhất thiết phải góp ngang bằng với tiền vốn của người hợp tác kinh doanh. Tùy theo ngành hàng và tính chất kinh doanh của từng cửa hàng có thể góp vốn cao hơn hoặc ít hơn; điều chủ yếu là đơn vị chủ quản tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cửa hàng hợp tác kinh doanh hoạt động.

Tiền góp vốn giữa hai bên được coi là vốn lưu đông hợp tác kinh doanh, được ngân hàng Nhà nước bảo đảm tiền mặt theo yêu cầu phát triển kinh doanh.

Điều 8: Cửa hàng hợp tác kinh doanh cần nghiên cứu tận dụng các mặt hoạt động sẳn có, có hiệu quả của các vựa, chành, cửa hàng hoặc sạp về thu mua nắm nguồn hàng, giữa các mối khách hàng, tổ chức bán buôn bán lẻ.

Dần dần sẽ tổ chức lại kinh doanh theo kế hoạch của các công ty thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã nhằm đảm bảo ổn định và phát triển nguồn hàng, phát triển các mối quan hệ kinh doanh xã hội chủ nghĩa, ổn định thị trường.

Điều 9: Cửa hàng hợp tác kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và mọi nghĩa vụ khác theo quy định đối với Nhà nước.

Về thuế công thương nghiệp, căn cứ chế độ thuế hiện hàng, được vận dụng như sau:

1. Thuế môn bài, thu theo quy định hiện hành.

2. Thuế doanh nghiệp, áp dụng thuế suất thấp hơn so với thu vào cơ sở tư nhân, có phân biệt từng ngành hàng (hoặc mặt hàng). Đối với những ngành hàng (hoặc mặt hàng) phục vụ thiết thực cho sản xuất và đời sống, cửa hàng làm nhiệm vụ ủy thác thu mua cho thương nghiệp quốc doanh thì áp dụng việc thu thuế như quy định tại Điều 12 của Nghị định số 19/HĐBT ngày 23.03.1983.

3. Về lợi tức:

a) Nộp đầy đủ vào ngân sách nhà nước, phần lãi chia cho cổ phần thuộc Nhà nước.

b) Đối với lãi chia cho cổ đông tư nhân, tư nhân phải nộp thuế lợi tức, tạm thời áp dụng như sau:

- Tiền lương và tiền thưởng trả cho cổ đông tư nhân không tính gộp vào tiền chia lãi và không phải chịu thuế lợi tức.

- Nếu tiền lãi chia cho mỗi cổ đông có từ 8.000 đồng/tháng trở xuống, tạm thời không thu thuế lợi tức; số lãi chia vượt 8.000 đồng/tháng, thuế lợi tức chỉ tính thu vào phần vượt theo biểu thuế hiện hành, được giảm 10% số thuế phải nộp và chỉ áp dụng với thuế suất tối đa là 60%.

c)Thực hiện đầy đủ chế độ miễn giảm thuế công thương nghiệp đối với những trường hợp có khó khăn như điều lệ thuế quy định.

Điều 10: Mỗi cửa hàng hợp tác kinh doanh được điều hành bởi một Ban quản lý do đơn vị chủ quản chỉ định, bao gồm:

1. Cửa hàng trưởng (hoặc sạp trưởng).

2. Cửa hàng phó (hoặc sạp phó).

3. Kế toán trưởng

Căn cứ vào yêu cầu kinh doanh và khả năng quản lý, người chủ cũ có thể được cửa làm cửa hàng trưởng (sạp trưởng) hoặc làm phó. Trường hợp người chủ cũ được cử làm phó thì cơ quan kinh doanh chủ quản cử đến một phụ trách trưởng. Kế toán trưởng do đơn vị chủ quản cử đến.

Ban quản lý cửa hàng hợp tác kinh doanh do Giám đốc Sở hoặc Trưởng Ban quản lý hợp tác xã mua bán thành phố bổ nhiệm nếu là đơn vị kinh doanh thuộc cấp thành phố; hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện bổ nhiệm nếu là đơn vị kinh doanh thuộc cấp quận, huyện.

Điều 11: Cán bộ, công nhân viên (trong biên chế Nhà nước) được điều động đến làm việc tại cửa hàng hợp tác kinh doanh thì tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương theo quy định hiện hành của Nhà nước do cửa hàng hợp tác kinh doanh thanh toán; ngoài ra còn được hưởng thêm khoản bồi dưỡng tùy theo hiệu quả kinh doanh, do Ban quản lý cửa hàng hợp tác kinh doanh định, được đơn vị chủ quản duyệt.

Điều 12: Hàng tháng hoặc quý, cửa hàng hợp tác kinh doanh phải quyết toán.

Sau khi trừ các khoản chi phí kinh doanh, thuế và các nghĩa vụ khác theo quy định của Nhà nước, tiền thực lãi được phân bổ như sau:

1. Quỹ phát triển kinh doanh để mua sắm phương tiện kinh doanh, xây dựng cơ sở vật chất: từ 8% đến 10%.

2. Quỹ bảo hiểm xã hội 2%.

3. Quỹ phúc lợi tập thể 4%.

4. Quỹ khen thưởng 3%.

5. Trích nộp lên ngành cấp trên trực thuộc 1%.

6. Số lãi còn lại chia cho các cổ đông hợp tác kinh doanh căn cứ theo tỷ lệ vốn lưu động.

III – KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 13: Để bảo đảm phát triển kinh doanh theo kế hoạch của đơn vị kinh doanh chủ quản và theo kế hoạch quản lý trên địa bàn quận huyện, cửa hàng trưởng (hoặc sạp trưởng) được quyền phát huy khả năng, tay nghề và kinh nghiệm kinh doanh làm cho cửa hàng hợp tác kinh doanh ngày càng phát triển, vừa đảm bảo yêu cầu phục vụ, vừa đảm bảo hiệu quả kinh tế.

Cửa hàng trưởng (hoặc sạp trưởng) phải có phương án phát triển kinh doanh trình đơn vị kinh doanh chủ quản duyệt. Những phương án kinh doanh đúng hướng và có hiệu quả đều được xét khen thưởng.

Điều 14. Các cổ đông, cán bộ, công nhân viên Nhà nướcvà lao động phục vụ trong cửa hàng hợp tác kinh doanh, nếu vi phạm chế độ quản lý kinh doanh, làm thiệt hại đến hiệu quả kinh doanh và tài sản, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử lý kỷ luật, phải bồi thường vật chất hoặc sa thải, mức cao nhất là truy tố trước pháp luật.

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.

Điều 15. Quy định này thi hành tạm thời:

Các đơn vị kinh doanh, các Sở chủ quản, các cơ quan quản lý kinh tế tổng hợp và Ban cải tạo công thương nghiệp tư doanh thành phố có nhiệm vụ hướng dẫn thực hiện cụ thể. Từng ngành hàng phải căn cứ vào quy định này để cụ thể hóa phù hợp với ngành hàng của mình. Qua quá trình thực hiện, kịp thời kiến nghị bổ sung hoàn chỉnh, trình Ủy ban nhân dân thành phố xét ban hành quy định chánh thức.

Điều 16. Những cơ sở đã hợp tác kinh doanh trước ngày ký ban hành quy định tạm thời này, đều phải tổ chức và hoạt động theo đúng các điều khoản của quy định.

 ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 290/QĐ-UB năm 1984 quy định tạm thời về tổ chức hợp tác kinh doanh trong ngành thương nghiệp tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 290/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/1984
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Võ Danh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 08/11/1984
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản