ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 50/CT-UB | TP. Hồ Chí Minh, ngày 12 tháng 12 năm 1988 |
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA.
Để thực hiện Chỉ thị số 222/CT ngày 6 tháng 8 năm 1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về các biện pháp cấp bách nhằm củng cố và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ngày 17 tháng 8 năm 1988, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước có ra quyết định số 1311/KHKT-QĐ ban hành Quy định về đăng ký chất lượng sản phẩm và ngày 15 tháng 10 năm 1988 Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chánh có ra Thông tư Liên Bộ số 1660/TT-LB về việc xử lý các vi phạm về đăng ký và thực hiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, trong thời gian qua, công tác quản lý chất lượng sản phẩm và hàng hóa đã được đưa dần vào nề nếp, hạn chế một phần đáng kể các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh. Chi cục tiêu chuẩn đo lượng chất lượng thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố cùng với các ngành chức năng liên quan thuộc thành phố và trung ương đã có những biện pháp tích cực thúc đẩy công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Nhiều cơ sở sản xuất đã không ngừng khắc phục khó khăn để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, được cấp dấu chất lượng Nhà nước, một số sản phẩm được chọn tham gia Hội chợ, Triển lãm trong nước và quốc tế, đáp ứng tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, vẫn còn tồn tại nhiều sản phẩm sản xuất ra không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, nhiều cơ sở sản xuất còn tùy tiện, có xu hướng chạy theo lợi nhuận, làm ăn gian dối, sản xuất hàng giả, kém phẩm chất, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng, gây thiệt hại chung cho xã hội và tổn hại đến uy tín sản phẩm của ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thành phố.
Để nghiêm chỉnh thực hiện các chủ trương trên đây của Nhà nước và căn cứ vào tình hình thực tế của thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị cho các ngành, các cấp và các cơ sở sản xuất triển khai ngay một số công tác sau đây :
1/ Sản phẩm của các cơ sở sản xuất thuộc mọi thành phần kinh tế do thành phố Hồ Chí Minh quản lý (kể cả các xí nghiệp đời sống thuộc các ngành trung ương), trước khi sản xuất hàng loạt và đưa ra tiêu thụ đều phải được Chi cục tiêu chuẩn đo lường thuộc Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố cấp giấy đăng ký chất lượng và phải có nhãn sản phẩm.
Thủ trưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do đơn vị mình sản xuất và đưa vào lưu thông trên thị trường thành phố.
Cấm không được tiêu thụ dưới bất cứ hình thức nào, kể cả hình thức giảm giá, các sản phẩm, hàng hóa là: lương thực, thực phẩm, dược phẩm có chất lượng kém có thể gây nguy hại trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng.
2/ Từ nay đến hết ngày 31 tháng 1 năm 1989, tất cả các cơ sở sản xuất thuộc các thành phần kinh tế nói trên, chưa đăng ký chất lượng sản phẩm hoặc giấy chứng nhận đăng ký đã hết hạn hiệu lực, đều phải đăng ký chất lượng sản phẩm tại Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng thành phố, để được cấp giấy chứng nhận.
Nếu cơ sở sản xuất nào không đăng ký chất lượng và không có nhãn sản phẩm theo quy định của Nhà nước thì Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết theo Thông tư Liên Bộ số 1660/TT-LB ngày 15/10/1988, về việc xử lý các vi phạm về đăng ký và thực hiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
3/ Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức triển khai việc thực hiện chỉ thị số 222/CT ngày 6/8/1988 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và quyết định số 1311/KHKT ngày 17/8/1988 của Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, đến các ngành, các quận, huyện và các cơ sở sản xuất.
Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố phối hợp cùng với Sở Tài chánh và Sở Tư pháp và các ngành liên quan hướng dẫn và tổ chức triển khai việc thực hiện Thông tư Liên Bộ số 1660/TT-LB ngày 15/10/1988 của Ủy ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc ngành mình phụ trách, đẩy nhanh việc xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (TC) cho các sản phẩm của mình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đảm bảo kiểm tra, đôn đốc, thực hiện việc đăng ký chất lượng sản phẩm đúng thời hạn quy định.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và kỹ thuật thành phố có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra và định kỳ báo cáo việc thực hiện chỉ thị này lên Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố.-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
- 1Quyết định 6700/QĐ-UB-NC năm 1998 bãi bỏ các văn bản qui phạm pháp luật hết hiệu lực thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật ban hành từ ngày 02/7/1976 đến ngày 31/12/1996 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh
- 2Kế hoạch 184/KH-UBND thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- 1Chỉ thị 222-CT năm 1988 biện pháp cấp bách nhằm củng cố và tăng cường công tác quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hoá do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2Quyết định 1311-KHKT/QĐ năm 1988 về việc đăng ký chất lượng sản phẩm do Chủ nhiệm Ủy ban khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành
- 3Kế hoạch 184/KH-UBND thực hiện công tác quản lý nhà nước về thanh niên năm 2014 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Chỉ thị 50/CT-UB năm 1988 về tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 50/CT-UB
- Loại văn bản: Chỉ thị
- Ngày ban hành: 12/12/1988
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Nguyễn Văn Huấn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 12/12/1988
- Ngày hết hiệu lực: 14/12/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực